Trẻ sơ sinh ít khóc có thể là biểu hiện cho thấy có gì đó không ổn với sự phát triển hoặc sức khỏe của trẻ do bị vàng da, suy giáp, chậm phát triển. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Trẻ sơ sinh khóc bao nhiêu lần một ngày?
- Trẻ sơ sinh ít khóc có nguy hiểm không? Liệu đó có phải là tín hiệu bất thường?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Trẻ sơ sinh khóc bao nhiêu lần một ngày?
Sau rất nhiều quan sát và phân tích về tiếng khóc của trẻ, nghiên cứu khoa học được công bố mới đây nhất trên tạp chí Nhi khoa của Anh đã chỉ ra rằng, trẻ em 0-3 tháng tuổi sẽ gặp phải hiện tượng khóc dai dẳng mà không vì bất kỳ lý do nào.
Dựa trên nghiên cứu về 8700 trẻ sơ sinh, các nhà khoa học thấy rằng trẻ có thể khóc trung bình 2 tiếng/ngày trong 2 tuần sinh đầu tiên. Khóc rất to một cách vô cớ trong 6 tuần sinh đầu tiên và khóc ít dần xuống còn 15 phút/ngày. Sau đó giảm dần xuống 10 phút/ngày và cuối cùng là trẻ sẽ không còn kiểu khóc vô cớ nữa.
Mẹ đã biết chưa?
Mặc dù vậy, trẻ sơ sinh thường khóc nhiều (đặc biệt là giai đoạn 0-6 tháng tuổi) bởi đây là cách duy nhất để bé thể hiện nhu cầu của mình như đói, khó chịu, mệt mỏi, cần bế, …
Do đó một em bé sơ sinh khóc là điều hết sức bình thường và hiển nhiên đối với sự phát triển giao tiếp ngôn ngữ của trẻ.
Làm sao để biết con ít khóc hay không? Con ít khóc là do nguyên nhân gì? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trẻ sơ sinh giành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, trẻ có thể ngủ khoảng 13-15 giờ mỗi ngày. Khi được khoảng 6 tuần tuổi, lịch ngủ của trẻ sẽ dần thay đổi và thời gian ngủ sẽ giảm đi.
Việc trẻ ngủ nhiều, ít quấy khóc là biểu hiện bình thường ở trẻ nhỏ, tuy nhiên trong một số trường hợp, việc trẻ ít khóc lại do một số nguyên nhân như trẻ vừa tiêm phòng về, trẻ bị ốm, suy nhược cơ thể, hoặc cũng có thể do các bệnh lí vàng da, suy giáp,… Trường hợp trẻ ít khóc do suy giáp, thường sẽ là do bệnh suy giáp bẩm sinh, khiến trẻ chậm phát triển tâm thần và thể chất, lùn và đần độn suốt đời nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh ít khóc thì sao? Liệu đó có phải là tín hiệu bất thường?
Ngoài trừ trường hợp bé ít khóc vì mẹ đã nắm bắt được nhu cầu của trẻ, đáp ứng kịp thời nhu cầu con cần khiến bé ăn ngoan ngủ ngoan thì việc một em bé sơ sinh ít khóc có thể là biểu hiện cho thấy có gì đó không ổn với sự phát triển hoặc sức khỏe của trẻ.
Bé bị vàng da
Theo bác sĩ Nam, trẻ bị vàng da sẽ xuất hiện khoảng 24 giờ sau sinh, lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc mắt và da toàn thân trở nên vàng sậm hơn bình thường, trẻ ít khóc, ngủ nhiều, đi kèm với sốt, co giật và bỏ bú.
Các mẹ có thể nhận biết được bệnh thông qua các triệu chứng điển hình như:
-
Toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân, kể cả niêm mạc mắt cũng bị vàng da. Mức độ da vàng đậm hơn bình thường.
-
Vàng da bệnh lý lâu khỏi hơn, có thể kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non.
-
Lượng Bilirubin trong máu tăng vượt quá mức bình thường.
-
Xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường như: sốt, co giật, bỏ bú hoặc ngủ li bì, …
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều ít khóc khi bị vàng da, đồng thời cũng giảm bú. Mẹ sẽ ít khi thấy bé khóc.
Bé sơ sinh bị vàng da có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ không nên chủ quan mà nên theo dõi chặt chẽ để tránh bị nhầm lẫn giữa vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý.
Vàng da sinh lý khi xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong khoảng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn. Vàng da nhẹ không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,…
Vàng da bệnh lý là vàng da đậm, xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng. Bé bị vàng da toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Vàng da còn đi kèm với tình trạng trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật,… Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Khi thấy trẻ bị vàng da, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra để có biện pháp điều trị kịp thời. Trong quá trình điều trị, mẹ nên cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cho bé theo chỉ định.
Trẻ sơ sinh ít khóc do suy giáp
Bác sĩ Nam cho biết trường hợp trẻ ít khóc do suy giáp, thường sẽ là do bệnh suy giáp bẩm sinh, khiến trẻ chậm phát triển tâm thần và thể chất, lùn và đần độn suốt đời nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đây là rối loạn nội tiết do thiếu hoặc do khiếm khuyết tác động của hoóc môn tuyến giáp đưa đến tình trạng chậm phát triển thể chất, tâm thần và vận động ở trẻ.
Mẹ đã biết chưa?
Biểu hiện của trẻ sơ sinh bị suy giáp gồm:
- trẻ thường sinh già tháng (lớn hơn 40 tuần), chiếm khoảng 45% trường hợp
- cân nặng lúc sinh lớn hơn 3.500 g (44%)
- chậm thải phân su và sau này là táo bón kéo dài; vàng da sơ sinh kéo dài (lâu hơn 2 tuần)
- trẻ sơ sinh ít khóc ngủ nhiều, ít cử động, trẻ rất “ngoan”
- bú kém, tiếng khóc khàn.
Ba mẹ cần làm gì?
Nếu nghi ngờ trẻ bị suy giáp, cần đưa đến bác sĩ khám ngay. Chẩn đoán sớm trong 3 tuần đầu đời là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự phát triển bình thường của trẻ. Sự can thiệp điều trị sớm sẽ giúp trẻ có được cuộc sống bình thường sau này.
Trẻ chậm phát triển
Các trẻ chậm phát triển là trẻ có các thông số phát triển thấp hơn các mốc cơ bản hoặc phát triển chậm hơn trẻ cùng trang lứa. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện ra các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám kịp thời như dưới đây:
- Không cứng cổ, không thể quay đầu
- Cử động tay không tốt
- Không nhạy cảm với kích thích bên ngoài
- Hầu như chỉ nằm yên, không quấy khóc
- Làn da trẻ có màu sắc bất thường
- Mắt, lưỡi của trẻ có kích thước bất thường
Kết luận
Theo bác sĩ Nam, khi phát hiện trẻ ít khóc, mẹ cần theo dõi sát, cho trẻ bú mỗi 1-2 giờ ngủ, nắm được giờ giấc sinh hoạt của trẻ để đánh giá xem liệu trẻ ít khóc có phải bất thường không. Mẹ cần để ý một số dấu hiệu nguy hiểm như trẻ sốt cao, bỏ bú, lừ đừ, ngủ li bì, chỉ nằm yên, ít quấy khóc, bé không thể quay đầu, cổ không cứng, màu da sậm,… Trường hợp phát hiện các dấu hiệu trên, mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!