Bệnh viêm não vào mùa nắng nóng đang ở đợt cao điểm, có thể gây tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề cho trẻ.
Những trường hợp nhập viện do viêm não
Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương tiếp nhận bệnh nhân 15 tuổi quê ở Hà Nam; bệnh nhân nhập viện trong tình trạng la hét, kích thích, không đáp ứng yêu cầu của người xung quanh.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, có thể do không tiêm vaccine đầy đủ. Sau một thời gian điều trị, em đã tỉnh và đang phục hồi tốt.
Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho 3 trẻ mắc viêm não. Trẻ được chuyển tới từ bệnh viện tuyến dưới, nhập viện trong tình trạng nặng, có các biểu hiện nổi bật như sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, một số bệnh nhân co giật rồi đi vào hôn mê.
Các bệnh viện tuyến trên liên tục tiếp nhận bệnh nhi viêm não từ đầu mùa nóng
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 100 ca viêm não. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi Trung ương, viêm não là 1 trong những nỗi ám ảnh của bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ Huy cho biết: “Điều trị cho bệnh nhân viêm não vất vả, xử trí co giật, hôn mê, ngay cả khi bệnh nhân tỉnh rồi, di chứng để lại phải khắc phục không hề đơn giản”.
Nguy cơ sức khỏe khi viêm não vào mùa
Bệnh viêm não xuất hiện rải rác quanh năm, mùa nắng nóng là giai đoạn viêm não vào mùa. Đáng ngại nhất là viêm não Nhật Bản (chiếm 25-30% số ca viêm não) và viêm não do Herpes, (chiếm 15-20% số ca). Đợt cao điểm của viêm não Nhật Bản là tháng 6 hàng năm.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người, qua đó truyền virus cho người, bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ 1 – 5 tuổi, chiếm khoảng 75% tổng số trẻ mắc hằng năm.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi người mắc bệnh bị virus tấn công và làm tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể gây ra cho trẻ rất nhiều di chứng thần kinh và tâm thần nặng như hôn mê, thở máy, sống thực vật, liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt hai chi dưới, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ, động kinh, tâm thần, nghe kém hoặc điếc…
Nhiều trẻ nhập viện khi đã ở tình trạng nặng, bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn, chịu nhiều di chứng ở não bộ. Trẻ hồi phục kém hoặc chỉ hồi phục một phần, trí tuệ sa sút hơn trẻ bình thường. Trẻ mắc viêm não thường do không tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine không đầy đủ.
Khuyến cáo cho phụ huynh để phòng ngừa cho trẻ khi bệnh viêm não vào mùa
Để phòng bệnh viêm não, nguyên tắc chung là luôn nâng cao sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ. Vào mùa hè, các gia đình cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, dùng màn khi ngủ, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
Ngoài ra, gia đình cần thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân ví dụ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để hạn chế các bệnh.
Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có vaccine phòng bệnh. Trẻ cần tiêm đủ 3 mũi, sau 3-5 năm tiêm nhắc lại cho đến năm 15 tuổi. Điều này gần như bảo vệ trẻ không mắc viêm não Nhật Bản.
Ngay khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao đột ngột cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện khám sớm để được điều trị kịp thời.
Theo vnexpress
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!