Ăn vào con không vào mẹ thế nào để chỉ tăng 4kg mà con sinh ra vẫn nặng 3.7kg như Nhật Linh – bà xã của chân sút Phan Văn Đức? Hãy cùng nghe Nhật Linh chia sẻ nhé!
Nhật Linh về dáng sau sinh nhanh như 1 cơn gió
Cuộc sống của bà xã Phan Văn Đức kể từ sau khi kết hôn và sinh con cho chân sút xứ Nghệ vẫn tiếp tục được rất nhiều người quan tâm. Trong một vài bức ảnh được chia sẻ, Nhật Linh gây choáng vì nhan sắc và vóc dáng vẫn thon thả như thời son rỗi. Thậm chí nhìn cô chẳng hề giống một bà mẹ đang ở cữ chút nào. Mới đây, Nhật Linh đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Chưa bầu 51kg, bầu 55kg, đẻ xong 1 tháng 50kg. Mặc đồ size M xuống size S. Đó là một câu chuyện rất buồn với em”.
Dòng trạng thái của Nhật Linh khiến nhiều người bất ngờ vì quá trình bầu bí cô chỉ tăng 4kg trong khi bé Dâu Tây chào đời nặng 3,7kg. Như vậy, suốt quá trình mang thai, cân nặng của Nhật Linh tăng lên chủ yếu là vào con chứ không hề vào mẹ.
Nhật Linh khi mang bầu 4 tháng
Thực tế giai đoạn đầu mang thai, Nhật Linh bị nghén nặng và sút 10kg. Tuy nhiên sau đó tình trạng ốm nghén đỡ hơn thì cô cũng có da có thịt hơn. Bà xã của Phan Văn Đức duy trì phong độ nhan sắc rất tốt, suốt cả quá trình bầu bí cho đến tận trước ngày lên bàn đẻ, Nhật Linh vẫn khiến mọi người trầm trồ vì quá xinh đẹp, thon thả, ngoài bụng bầu lớn vượt mặt thì chân tay vẫn gọn gàng, mặt mũi không hề bị phá nét.
Trong thời gian mang thai, cô cũng được ông xã chăm sóc chu đáo, thường xuyên động viên, quan tâm và dành nhiều thời gian bên vợ.
Bí quyết giúp mẹ bầu ăn vào con không vào mẹ
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn thật nhiều trong 3 bữa chính, mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn thành 5 – 6 bữa/ngày và chỉ ăn một lượng vừa đủ. Mẹ không bị quá no nên hấp thụ và tiêu hóa tốt hơn. Ăn nhiều bữa một ngày cũng giúp mẹ bầu không có cảm giác quá đói dẫn đến việc ăn không kiểm soát.
- Chia tỷ lệ khẩu phần ăn: Mỗi bữa ăn của mẹ bầu nên đảm bảo có 25% chất đạm (thịt, cá, trứng…), 25% tinh bột (cơm, bún, phở, khoai lang…) và 50% rau, củ, quả… Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung phong phú các loại dưỡng chất. Không nên ăn mãi một món sẽ khiến mẹ vừa bị ngán mà lại thừa chất nọ, thiếu chất kia.
- Ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho thai nhi nhưng không gây béo cho mẹ như sữa tươi không đường, sữa chua không đường, trái cây, các loại hạt…
- Mẹ nên chọn các loại tinh bột tốt để nạp vào cơ thể như: Ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, các loại đỗ…
- Tăng cường vận động, ít nhất 30 phút đi bộ mỗi ngày vừa giúp mẹ bầu thoải mái, không bị ì ạch, nặng nề vừa giúp kiểm soát cân nặng và giúp quá trình chuyển dạ của mẹ cũng dễ dàng hơn.
Thực phẩm cần tránh khi mang thai
- Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều đường và đồ ăn nhanh như: bánh, kẹo, trà sữa, đồ uống có gas, khoai tây chiên, xúc xích… Những món ăn này vừa không tốt cho sức khỏe mẹ bầu vừa khiến mẹ tăng cân nhanh chóng.
- Đồ uống có cồn, rượu bia, chất kích thích, đồ uống chứa caffein… Các loại đồ uống này không tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi, tăng nguy cơ thai nhẹ cân, dị tật, thậm chí thai lưu, sảy thai
- Đồ uống chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán
- Thực phẩm sống, tái, chưa nấu chín (sushi, gỏi, nem chua…) chứa ký sinh trùng, vi khuẩn và virus có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu
- Thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp, thịt hun khói..).
Để có thai kỳ khỏe mạnh, chị em nên có chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng, bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nếu muốn ăn vào con không vào mẹ thì nên tránh xa những thực phẩm chứa nhiều chất béo mà lại ít dưỡng chất và có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý như Nhật Linh để có thai kỳ thật khỏe mạnh và xinh đẹp nhé.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!