Một vấn đề đặc biệt quan trọng với trẻ em lứa tuổi đi học, đó là ở nước ta, tỷ lệ nhẹ cân còn phổ biến, đồng thời thừa cân, béo phì ở học sinh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt khu vực thành thị. Đáng lo lắng hơn, tình trạng trẻ em thừa cân nhưng thiếu chất ngày nhiều trong những năm gần đây.
Tình trạng trẻ em thừa cân nhưng thiếu chất ngày càng nhiều
Trẻ em và học sinh trong các trường học hiện nay chiếm gần 1/4 dân số Việt Nam (khoảng gần 23 triệu người). Đây là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành các hành vi lối sống. Tình trạng sức khỏe ở lứa tuổi này sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng với trẻ em lứa tuổi đi học, đó là ở nước ta, tỷ lệ nhẹ cân còn phổ biến, đồng thời thừa cân, béo phì ở học sinh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt khu vực thành thị. Đây chính là gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em Việt Nam.
Theo một số liệu được Viện Dinh dưỡng công bố, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại nội thành TP Hồ Chí Minh đã vượt 50%, ở Hà Nội vượt 41%. Một thực trạng thực sự rất đáng quan ngại là chính các bậc phụ huynh lại đang không nhận thức đúng tình trạng béo phì thừa cân của con mình.
Cụ thể, theo một điều tra tại Hà Nội cũng do chính các cán bộ của Viện thực hiện, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế.
Thức ăn nhanh và thói quen sinh hoạt gây ra tình trạng béo phì
Có thể nói rằng, sự tăng nhanh của thừa cân béo phì là một hệ quả của lối sống hiện đại, khi mà các bữa cơm gia đình dần bị thay thế bởi những món ăn nhanh, ăn vội ở các hàng quán, vốn nhiều dầu mỡ, chất ngọt.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến thói quen ăn vặt các loại đồ ăn không tốt cho cơ thể của trẻ em; lạm dụng thiết bị công nghệ dẫn đến lười vận động. Góp một phần không nhỏ vào thực trạng này là sự thờ ơ, thiếu kiến thức về dinh dưỡng của người lớn.
Khác với giai đoạn trước, các bậc cha mẹ lo lắng thừa cân béo phì xuất hiện chỉ ở thành thị, thì hiện nay tình trạng này cũng khá phổ biến ở nông thôn.
Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng ăn nhiều đồ ngọt là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì. Tuy nhiên, theo GS Phan Thị Kim – chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: “Có nhiều tranh cãi về việc ăn nhiều đồ ngọt sẽ dẫn đến thừa cân béo phì, nhưng đồ ngọt chỉ là một trong số các yếu tố thôi, còn lại việc lười vận động mới là nguyên nhân, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì”.
Những bữa ăn lành mạnh, cân đối dinh dưỡng và vận động là cần thiết
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, dù năng lượng nạp vào vượt khuyến nghị nhưng khẩu phần ăn của trẻ lại chưa đạt về thành phần, đặc biệt về tỉ lệ chất xơ, trẻ lại sử dụng quá nhiều protein, chất béo… Nghiên cứu này cũng cho thấy nhóm trẻ thừa cân béo phì có xu hướng tiêu thụ quá nhiều chất đạm.
Nhóm nghiên cứu đề nghị cần tạo cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối về thành phần dinh dưỡng, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hằng ngày cho trẻ.
Theo TS Từ Ngữ – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam: “Trong các giải pháp để giảm trẻ thừa cân béo phì, dinh dưỡng và vận động là hai giải pháp mà chúng ta có thể can thiệp, tác động, còn gen thì chúng ta không can thiệp được. Chúng ta nên tập trung vào hai vấn đề này: một là dinh dưỡng, hai là vận động”.
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!