Thai nhi đạp nhiều có sao không? Thai nhi đạp như là dấu hiệu tương tác giữa bố mẹ và thai nhi, các bố mẹ thường rất thích thú khi nghe con đạp. Nhưng ở những tháng cuối thai kì, thai nhi đạp nhiều khiến mẹ bầu lo lắng. Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc của mẹ.
- Thai nhi bắt đầu biết đạp từ khi nào?
- Tần suất đạp của thai nhi qua các tuần thai nhi thế nào?
- Thai nhi đạp nhiều có sao không?
- Cách theo dõi thai máy giúp mẹ nhận biết bé mạnh khỏe
Thai nhi bắt đầu biết đạp từ khi nào?
Khi thai nhi được 8 tuần tuổi, bé đã bắt đầu biết cử động. Tuy nhiên, những cử động này quá nhẹ do bé còn quá nhỏ, vì vậy rất khó để mẹ có thể cảm nhận được.
Thai nhi 10 tuần tuổi đã biết đạp chưa? Chỉ khi bé con được 4 tháng tuổi, tức là vào khoảng tuần 15-16, cảm nhận về cử động của thai nhi, hay còn gọi là thai máy, sẽ rõ ràng hơn. Từ sau tuần thứ 20, thai nhi có cử động mạnh mẽ, số lần máy nhiều hơn, duỗi, đá, kéo thường xuyên hơn. Mẹ có thể nhận biết thai máy qua chuyển động của em bé trên da của mình: những cú nhào lộn, xoay người, thúc cùi chỏ vào thành bụng mẹ và đặc biệt mẹ có thể nhìn được khuỷu tay, bàn chân bé xíu của em bé.
Khi mẹ mang bầu được 30-38 tuần, thai máy đạt đỉnh, mẹ sẽ cảm nhận cử động của con khoảng 130 lần mỗi ngày. Số lần và cường độ thai máy thông thường diễn ra theo quy luật nhất định.
Khi đạt 20 tuần tuổi thai nhi sẽ có những cú đạp mạnh hơn (Ảnh: istockphoto)
Mẹ có thể quan tâm:
Thai máy khi nào và cách đếm thai máy giúp mẹ nhận biết bé yêu khỏe mạnh
Thai 19 tuần đã máy chưa? Bật mí 5 cách kích thích thai máy hiệu quả
Tần suất đạp của thai nhi qua các tuần thai nhi thế nào?
Số cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là 16 – 45 lần; khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các lần thai máy là 50 – 75 phút. Có thể không cảm nhận được cử động của thai nhi trong khoảng thời gian thai nhi ngủ. Thời gian ngủ kéo dài 20 – 40 phút, hiếm khi quá 90 phút.
Số lần thai máy thường cao nhất ở khoảng tuần 28-32, sau đó giảm chút ít khi sắp sinh. Ở thời điểm chuẩn bị sinh, số lần thai máy trung bình trong 1 giờ khi thai hoạt động là 31 lần.
Các mẹ thường cảm thấy bé đạp ít vào ban ngày và bé đạp nhiều vào ban đêm. Điều này là do ban đêm yên tĩnh và mẹ thường ở trạng thái tĩnh nên cảm nhận được bé đạp nhiều hơn.
Thai nhi đạp nhiều có sao không?
Theo các chuyên gia, việc thai nhi đạp nhiều sẽ tốt hơn là con đạp ít vì điều này cho thấy bé được cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho hoạt động trong tử cung. Phần lớn, mẹ sẽ thấy bé đạp nhiều trong các trường hợp sau đây:
- Mẹ nằm nghiêng bên trái: Vì khi ở tư thế này, tuần hoàn máu của cơ thể mẹ bầu sẽ tốt hơn, giúp cho thức ăn và oxy đưa đến cho thai nhi cũng được nhiều lên. Nhờ đó mà bé hoạt động cũng hăng hái hơn.
- Sau khi mẹ ăn: Thai nhi đạp khi mẹ ăn, đặc biệt là đồ ăn ngọt hoặc uống nước lạnh.
- Bé đạp nhiều về đêm hơn so với ngày: Đây là do ban đêm mẹ nằm ổn định, không gian yên tĩnh nên mẹ cảm nhận bé đạp rõ hơn.
- Khi mẹ ở những nơi có ánh sáng mạnh, âm thanh lớn: Thai nhi hoàn toàn có thể cảm nhận được môi trường bên ngoài nên bé sẽ phản ứng khi có các yếu tố tác động này.
Thai nhi đạp nhiều có thể do bé hiếu động một chút (Ảnh: istockphoto)
BS CKII Nguyễn Tuấn Minh – Bác sĩ Sản khoa Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết: Bố mẹ có thể an tâm và vui mừng khi thai nhi đạp nhiều. Bởi lẽ, thai đạp nhiều chứng tỏ bé cưng đang cần vẫn động giúp xương, khớp và các cơ quan của bé phát triển. Tần suất chuyển động của mỗi bé sẽ khác nhau, có bé đạp nhiều và đạp rất mạnh, trái lại có bé đạp và di chuyển rất nhẹ nhàng.
Chính vì vậy ở mỗi thai kỳ mẹ bầu sẽ có các trải nghiệm khác nhau. Mẹ bầu không nên quá lo lắng khi bé đạp nhiều và thường xuyên ở những tháng cuối tam cá nguyệt thứ 2 và 3. Nguyên nhân chính của việc thai nhi đạp nhiều là do thai càng phát triển, càng lớn lên thì không gian trong tử cung của mẹ đang dần hẹp lại. Do đó, bất kỳ cử động nào của bé mẹ cũng có thể cảm nhận được.
Mẹ có thể quan tâm:
Không thấy thai máy có phải là hiện tượng thai chết lưu?
Cách đếm thai máy tháng cuối để phát hiện sớm sảy thai, lưu thai chính xác nhất
Cách theo dõi thai máy giúp mẹ nhận biết bé mạnh khỏe
Thông thường, khi tròn 28 tuần thai cũng là lúc các chuyển động máy của em bé sẽ xuất hiện đều đặn hơn. Lý do là vì hệ thống não bộ cũng như các dây thần kinh đã dần dần hoàn thiện.
Khi mẹ đi khám thai, bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên thực hiện việc đếm các chuyển động của con từ khoảng thời gian 28 tuần này cho đến ngày sinh bé. Mỗi một chuyển động hay rung động của thai nhi như đá, đạp, co, cuộn hay vặn người đều được tính là một lần bé máy. Nhưng mẹ cũng cần lưu ý là nếu bé nấc thì không tính là con máy đâu nhé.
Tuần thứ 28 cũng là thời gian những chuyển động của thai nhi dần ổn định hơn (Ảnh: istockphoto)
Theo hướng dẫn của các chuyên gia, để đếm thai máy, mẹ có thể sử dụng phương pháp cơ bản sau:
1. Đếm bé máy sau mỗi bữa ăn (bữa sáng, trưa, tối), trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
2. Nếu bé máy 4 lần trở lên trong 30 phút nghĩa là thai nhi bình thường.
3. Khi thấy con đạp ít hơn 4 lần trong thời gian như trên, mẹ hãy đếm tiếp cho đến khi đủ 4 tiếng đồng hồ.
Mẹ có thể tác động để giúp bé máy bằng cách như:
- Thay đổi tư thế (ví dụ nằm nghiêng bên trái một lúc)
- Ăn đồ ngọt và đợi tầm 2-3 phút
- Nghe nhạc (thai nhi rất thích máy khi nghe thấy âm nhạc)
- Thử ấn vào một bên thành bụng xem bé có phản ứng lại không
- Uống nước lạnh hay một cốc sữa lạnh.
- Sử dụng đèn pin chiếu vào thành bụng để kích thích bé như phương pháp thai giáo bằng ánh sáng
4. Nếu bé đạp hơn 10 lần trong 4 giờ, nghĩa là con bình thường và tiếp tục kiểm tra số lần máy của bé vào các bữa ăn tiếp theo.
Trường hợp trong vòng 4 tiếng con đạp ít hơn 10 lần, có những chuyển động yếu ớt hoặc thai đạp nhiều bất thường (hơn 20 lần liên tục trong một khoảng thời gian ngắn) thì nghĩa là có điều gì không ổn, mẹ cần khẩn trương đi khám để giữ an toàn cho bé.
Sau đây là cách để mẹ chủ động nhận biết được thai nhi đạp ít hay nhiều:
- Trước khi đếm số lần bé đạp, mẹ bầu cần đi tiểu để làm trống bàng quang của mình, nằm thư giãn, tư thế thoải mái và đặt tay lên bụng để đếm số cửa động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
- Có ít nhất 4 lần cử động trong 1 giờ cho thấy thai nhi đang khỏe mạnh.
- Nếu thai nhi có ít hơn 4 lần cử động, mẹ bầu cần nằm nghỉ và tiếp tục đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ.
Ngoài ra, trung bình một em bé khỏe mạnh có thể đạp đến 15-20 lần/ ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thai nhi có thể đạp ít hơn bình thường. Miễn “thời gian nghỉ” giữa những lần đạp của bé nằm trong khoảng 40-50 phút, mẹ không cần quá lo.
Nguồn tham khảo: Thai nhi đạp nhiều có ảnh hưởng gì không, có nguy hiểm không? – BV Thu Cúc
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!