Hình ảnh thai nhi 8 tuần tuổi trên siêu âm sẽ như thế nào? Mẹ có biết tốc độ phát triển “chóng mặt” của bé lúc này, cứ qua mỗi phút là bé lại tăng thêm 1mm chiều dài cơ thể và hơn 100 tế bào não được hình thành. Lúc này, bé đã nặng khoảng 1gram và có chiều dài 1,6cm. Hãy cùng tìm hiểu thêm về giai đoạn phát triển này của bé qua các thông tin sau:
- Khám thai tuần thứ 8
- Sự phát triển của thai nhi 8 tuần
- Hình ảnh thai 8 tuần tuổi
- Những thay đổi của cơ thể mẹ
- Mẹ nên làm gì ở tuần thai này.
Khám thai tuần thứ 8
Khám thai không đơn thuần là đi siêu âm xem bé đã lớn như thế nào. Có rất nhiều xét nghiệm quan trọng nhằm tầm soát bất cứ vấn đề nguy hiểm nào xảy ra với 2 mẹ con, mẹ không được bỏ qua đâu nhé! Ngoài ra, trong mỗi lần khám bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên chăm sóc thai kì tốt nhất, những thực phẩm nên ăn thường xuyên, những thành phần dinh dưỡng cần bổ sung với liều lượng phù hợp.
Bạn có thể chưa biết:
Thai 9 tuần biết trai hay gái chưa? Thai nhi 9 tuần phát triển như thế nào?
Tại tuần thai này, nếu chưa thực hiện trước đó thì mẹ sẽ được chỉ định làm các đánh giá sau:
- Kiểm tra chiều cao, cân nặng để đánh giá tình trạng thừa cân béo phì. Nếu có bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ kiểm soát cân nặng suốt thai kỳ để hạn chế rủi ro
- Đo huyết áp để có biện pháp phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật
- Xét nghiệm máu để kiểm tra 1 số bệnh như sởi, thủy đậu, viêm gan B, HIV/AIDS, giang mai, yếu tố Rh, nhóm máu…
- Xét nghiệm nước tiểu
Siêu âm ở tuần thai này sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về tình trạng thai nhi tổng quát, đưa ra độ tuổi chính xác, đo nhịp tim thai nếu có. Trong trường hợp chưa có tim thai mẹ sẽ được hẹn đến lần khám tiếp theo vào khoảng 1 tuần sau.
Ngoài ra, mẹ có thể xin tư vấn và tự mình đưa ra quyết định về việc khám sàng lọc trước sinh. Những xét nghiệm phức tạp này nhằm cho thấy em bé có phát triển bình thường không, có mắc dị tật bẩm sinh nào không. Mặc dù tỉ lệ khá thấp nhưng vẫn có những biến chứng xảy ra khi làm xét nghiệm, vậy nên mẹ cần cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Sự phát triển rõ rệt của thai nhi 8 tuần tuổi
Thai nhi 8 tuần tuổi đã thay đổi “một trời một vực” cả về sự phát triển hình dáng lẫn chức năng cơ thể. Mặc dù mới chỉ nhỏ xíu như một quả mận cơm nhưng đến tuần này, bé đã lớn lên một cách vượt bậc.
Hình ảnh thai nhi 8 tuần
Thai nhi 8 tuần tuổi trông như thế nào? Thông qua việc siêu âm mẹ sẽ thấy rõ ràng hình ảnh thai 8 tuần: phần đuôi của con đã biến mất và thay vào đó là các cơ quan, bộ phận quan trọng gồm tay, chân, mắt, mũi, miệng, cằm, tim thai… Cũng trong tuần thai này, bé con của bạn đã biết bài tiết chất thải ra nước ối một cách thuần thục.
Hệ thần kinh “sơ khai” bắt đầu hình thành, bắt đầu từ sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của các tế bào thần kinh – chúng liên kết các bộ phận trên cơ thể với nhau. Ngoài ra, mí mắt đã che phủ toàn bộ vùng mắt của bé và ống thở dần mở rộng từ thanh quản đến các nhánh phổi.
Điểm đặc biệt nhất trong tuần thai thứ 8 chính là tim thai của bé đã được phân chia thành 4 ngăn và các vách tim. Đồng thời, nhịp tim của thai nhi 8 tuần tuổi lúc này là khoảng 100 – 160 nhịp/phút, nhanh gấp đôi so với người trưởng thành.
Hình ảnh thai nhi 8 tuần tuổi cho mẹ thấy những gì?
Siêu âm thai 8 tuần tuổi là mốc siêu âm thai đầu tiên kể từ khi mẹ biết được mình đã có thai. Thời điểm này thai nhi đã phát triển cơ bản rồi nên việc siêu âm, thấy được hình ảnh siêu âm sẽ giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi 8 tuần tuổi, tình trạng sức khỏe của thai nhi và tính tuổi thai một cách chính xác, từ đó cũng sẽ giúp mẹ tính ngày dự sinh sát hơn.
Khi siêu âm thai 8 tuần tuổi, mẹ sẽ thấy các điều cơ bản sau:
Chưa thể nhìn thấy rõ được thai nhi
Trong thời điểm này, dù bé yêu của mẹ đã hình thành các cơ quan và bộ phận quan trọng trên cơ thể nhưng kích thước của bé vẫn còn quá nhỏ để có thể nhìn thấy qua siêu âm.
Bạn có thể chưa biết:
Hình ảnh thai nhi 12 tuần – Bộ não phát triển vượt trội
Giới tính của thai nhi
Trên thực tế, với chu kỳ phát triển bình thường của thai nhi thì cơ quan sinh dục của trẻ đã được hình thành từ sớm. Tuy nhiên lúc này bác sĩ vẫn chưa xác định được là bé trai hay bé gái qua hình ảnh siêu âm thai nhi 8 tuần tuổi. Vì vậy, mẹ phải chờ đến khi thai nhi 15 tuần tuổi mới có thể xác định được giới tính thai nhi một cách chính xác nhất.
Tim thai
Thông thường, thai nhi 8 tuần tuổi đã có tim thai và tim cũng bắt đầu hoạt động bằng những nhịp đập đầu tiên. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi siêu âm lại có kết quả thai 8 tuần chưa có tim thai khiến mẹ rất hoang mang và lo sợ.
Có 2 trường hợp xảy ra đối với tình trạng này:
- Thứ nhất: Thai nhi phát triển chậm và dẫn đến có tim thai trễ hơn bình thường. Để xác định được thai vẫn còn trong bụng mẹ hay không thì bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện xét nghiệm nồng độ hCG thông qua nước tiểu. Nếu kết quả dương tính thì mẹ không cần phải quá lo lắng, hãy kiên nhẫn và đợi thêm 1 – 2 tuần nữa để đi khám lại mẹ nhé.
- Thứ hai: Thai đã ngừng phát triển và chết lưu trong bụng mẹ. Mẹ có thể biết được điều này thông qua các dấu hiệu thai lưu như siêu âm 8 tuần tuổi mà không thấy tim thai hoặc các dấu hiệu như mẹ không có biểu hiện ốm nghén, mẹ bị đau bụng, xuất huyết…
Những thay đổi của cơ thể mẹ
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, ở tuần thai này, mặc dù bụng bầu vẫn chưa to ra nhưng cơ thể mẹ đã xảy ra nhiều thay đổi.
Tình trạng ốm nghén sẽ xuất hiện với các cơn buồn nôn và nôn ói xảy ra nhiều lần trong ngày. Mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi về mặt thể chất và chỉ muốn nằm nghỉ. Đừng quá lo lắng, đây chỉ là những thay đổi xảy ra do những biến động nội tiết tố và sự thích ứng của cơ thể với sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Cảm giác ốm nghén sẽ dần biến mất khi thai nhi được khoảng 16 tuần tuổi.
Lượng hormone estrogen tăng lên đồng nghĩa với việc thai phụ có nhiều dịch âm đạo hơn bình thường. Điều mẹ cần làm là thường xuyên thay quần lót và giữ vùng kín luôn khô thoáng.
Từ tuần thai này mẹ đã có thể bị táo bón do đường tiêu hóa hoạt động chậm lại. Hãy ăn nhiều khoai lang, sữa chua và thực phẩm giàu chất xơ để cải thiện tình trạng này.
Những việc mẹ nên làm trong tuần này
- Tham khảo những mẹo chữa nghén an toàn để cải thiện tình trạng nghén ngẩm.
- Ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, thư giãn tinh thần.
- Tạm thời quên “chuyện ấy” đi, nhất là khi sức khỏe của mẹ không được tốt lắm. Hoặc nếu có, hãy nhớ thật nhẹ nhàng cho đến tháng thứ 4, khi em bé và mẹ đã ổn định hơn.
- Ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo thức ăn không bao giờ bị tái, sống. Hạn chế để đồ ăn thừa trong tủ lạnh quá lâu và dùng lại.
- Hóa chất tẩy rửa, thuốc xịt côn trùng, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng,… sẽ gây hại rất nhiều cho em bé. Vì thế mẹ hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
- Chăm sóc răng miệng thật tốt vì các bà bầu rất dễ mắc bệnh răng miệng. Có vẻ không liên quan nhưng tình trạng bệnh nặng nề rất dễ khiến mẹ bị sinh non, hãy nhớ khám nha sĩ thường xuyên nhé!
- Đừng nhuộm tóc, trang điểm quá nhiều vì bé không thích điều này chút nào cả.
Các mẹ hãy trải qua tuần thứ 8 của thai kỳ thật nhẹ nhàng và nhớ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nhé.
Nguồn tham khảo: Sự phát triển của thai nhi tuần 8 – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!