Tập cho trẻ sơ sinh ngủ đêm ngoan như thế nào ngay từ khi còn nhỏ? Bé nên được tập ngủ xuyên đêm từ mấy tháng tuổi là phù hợp nhất? Đây là những lưu ý quan trọng mẹ cần nắm vững khi chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh năm đầu đời.
Mẹ nên biết về số giờ ngủ của trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi
Trong 1 năm đầu đời, số giờ ngủ của trẻ sơ sinh sẽ thay đổi rõ rệt theo từng tháng tuổi. Cụ thể như sau:
Bé sơ sinh 0-3 tháng tuổi thường ngủ 14-17 tiếng đồng hồ nhưng không ít hơn 11 tiếng và không nên nhiều hơn 19 tiếng/ngày (bao gồm cả giấc ngủ ngày và đêm).
Trẻ sơ sinh 4-11 tháng tuổi sẽ ngủ khoảng 12-15 tiếng, không ít hơn 10 tiếng và không nhiều hơn 18 tiếng/ngày.
Khi đến lứa tuổi chập chững 1-2 tuổi, bé thường ngủ 11-14 tiếng nhưng không ít hơn 9 tiếng và không nên nhiều hơn 16 tiếng/ngày.
Vào tầm tuổi mẫu giáo 3-5 tuổi, số giờ ngủ của bé chỉ còn 8-11 tiếng nhưng không ít hơn 8 tiếng và không nhiều hơn 14 tiếng/ngày.
Cách tập cho trẻ sơ sinh ngủ đêm ngoan
Các mốc phát triển quan trọng về giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời thường như thế nào?
Từ 0-2 tháng tuổi, phần lớn bé sẽ thức ngủ xen kẽ theo chu kỳ 2-3 tiếng do dạ dày của bé còn nhỏ nên bé rất mau đói. Bé sẽ thức cả ban ngày lẫn ban đêm. Trẻ chưa thể phân biệt được ngày đêm do lúc ở trong bụng mẹ môi trường nước ối khiến bé không thể cảm nhận được ánh sáng rõ rệt. Đây cũng là quãng thời gian mệt nhất với tất cả các mẹ vì hầu như mẹ nào cũng phải tỉnh giấc 2-3 tiếng/lần để cho bé ăn.
3-5 tháng bé bắt đầu phân biệt được ngày đêm, nhờ vậy mà bé sẽ ngủ được dài giấc hơn và thức đêm ngắn đi.
6-7 tháng, hầu hết trẻ đều có khả năng ngủ được gần như xuyên đêm (chỉ thức giấc ăn 1-2 lần) nếu mẹ tập cho bé thói quen này sớm. Nếu bé tỉnh giấc quá nhiều, mẹ hãy kiểm tra thử xem bé thức giấc vì đói thực sự hay chỉ vì cần được ôm ấp, mút mát ti mẹ hoặc ti bình.
Từ 8 tháng trở đi, bé sẽ ngủ một mạch thẳng giấc từ tối cho tới sáng, kéo dài 11-12 tiếng đồng hồ và giảm dần thời gian ngủ đêm khi bé bắt đầu lớn lên.
Cách tập cho trẻ sơ sinh ngủ đêm ngoan
Luyện cho bé ngủ giấc dài và sâu giấc về ban đêm như thế nào?
Để có thể tập cho con ngủ sâu giấc vào ban đêm (giúp trí não phát triển, hoóc môn tăng trưởng hoạt động tốt, làm tiền đề cho ăn ngoan, ăn nhiều, không quấy khóc vào ban ngày), mẹ cần tìm ra được nguyên nhân vì sao bé hay thức giấc về đêm:
– Có phải bé thức vì đói. Trước thời điểm 8 tháng đây có thể là chuyện bình thường nhưng sau 8-9 tháng mà con vẫn tỉnh giấc thường xuyên thì có thể sữa mẹ không đủ hoặc lượng ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
– Con không thể tự nối lại giấc ngủ. Bé cần thứ gì đó để giúp con trấn an đưa mình vào giấc ngủ như mút ti mẹ, mút bình, phải có người bế, người được đung đưa nôi, … Trong trường hợp này mẹ hãy tìm ra cách phù hợp để giúp bé tự ngủ lại như dùng ti giả, dùng gấu bông nhỏ cho bé ôm, vỗ mông bé, chờ bé, …
– Trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì một điều gì đó. Thường bé chỉ gặp vấn đề này sau khoảng 1 tuổi. Điều quan trọng là mẹ phải giúp bé luôn cảm thấy an toàn, an ủi, vỗ về bé hoặc kể chuyện cho bé nghe, …
Để tập cho trẻ sơ sinh ngủ đêm ngoan, mẹ cần giúp bé học các thói quen sinh hoạt tốt
Khi nào mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ngủ giấc dài về đêm?
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng, bé hoàn toàn nên được bắt đầu ngủ giấc liền mạch vào ban đêm từ 2 tháng tuổi trở đi.
Chỉ cần mẹ biết chờ đợi, đừng vội nhét bình hãy dỗ dành, nói chuyện khi bé thức giấc về đêm thì dần dần bé hoàn toàn có thể tự mình xoay sở được.
Mẹ cần giúp bé phân biệt ngày đêm ngày từ khi mới chào đời bằng cách:
- Ban ngày trò chuyện với bé, cho bé tiếp xúc với ánh sáng, âm thanhh
- Ban đêm không trò chuyện, mọi hoạt động diễn ra trong ánh sáng mờ, tối và yên lặng.
Dạy con nếp sinh hoạt theo một chu kỳ cố định cả ngày và đêm. Chẳng hạn ban ngày mở rèm, thức giấc, rửa mặt, thay bỉm, bú sữa, … Ban đêm tắm nước ấm, ăn sữa, trò chuyện thư giãn rồi đi vào giấc ngủ.
Một ngày mới của bé nên bắt đầu từ 7h sáng hoặc muộn nhất là 8 giờ sáng vì con càng dậy muộn thì giấc đêm của con sẽ càng khó khăn và bé dễ quấy khóc hơn.
Trẻ sơ sinh không nên ngủ giấc ngày quá dài. Mẹ nên lưu ý đến bảng thức ngủ theo độ tuổi của con để biết được con nên kết thúc giấc cuối cùng vào ban ngày là khi nào.
Khi con bắt đầu bước sang độ tuổi ăn dặm (6-7 tháng tuổi), mẹ nên giảm bữa đêm hoặc không cần thiết phải cho bé ăn bữa đêm nữa. Điều này sẽ giúp bé có nếp ăn dặm cũng như ăn sữa tốt hơn vào ban ngày.
Vì vậy mẹ nhớ giúp bé học được những thói quen này sớm bao nhiêu thì bé sẽ càng mau vào nếp ăn ngủ ngoan bấy nhiêu.
Xem thêm bài liên quan:
Rèn cho trẻ sơ sinh ngủ đêm dài giấc, ít quấy khóc không khó nếu mẹ nắm vững quy tắc này
Cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời giúp mẹ chăm con dễ dàng hơn
Giấc ngủ của trẻ nhỏ – Nên và không nên
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!