Sữa mẹ vắt ra ủ nóng được bao lâu là câu hỏi hay nỗi băn khoăn của nhiều chị em, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ. Hãy cùng tham khảo một số kiến thức cơ bản về bảo quản sữa mẹ để chị em có đủ thông tin chuẩn bị cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ nhé.
Tầm quan trọng của sữa mẹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và bú mẹ xen kẽ các thực phẩm khác cho đến khi được 24 tháng tuổi. Sữa mẹ là nguồn thức ăn hỗ trợ tối ưu hóa thể chất cũng như trí não của trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ làm giảm nguy cơ hen suyễn, béo phì, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), các vấn đề về đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai và viêm phổi. Việc cho trẻ bú sữa mẹ góp phần kích thích hệ tiêu hóa của trẻ, ngăn ngừa cơ thể bé bị nhiễm khuẩn và tăng sức đề kháng cho bé khỏi các bệnh dị ứng.
Sữa mẹ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý giá bao gồm đạm protein, chất béo lipid, carbohydrate, nhiều loại vitamin và muối khoáng.
Không chỉ có lợi cho bé, nuôi con bằng sữa mẹ còn có tác động tích cực đối với cơ thể mẹ, cụ thể là giúp phục hồi tử cung, cầm máu sau đẻ, hạn chế viêm tắc, áp xe hay ung thư vú và buồng trứng cũng như bệnh tiểu đường tuýp 2.
Vì những lý do kể trên, trẻ sơ sinh nên được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên,việc bảo quản, ủ nóng sữa mẹ như thế nào cho hợp vệ sinh và đúng cách lại là một vấn đề làm nhiều mẹ đau đầu vì nếu không thực hiện đúng, sữa mẹ hoàn toàn có thể bị hỏng và ảnh hưởng xấu đến bé.
Sau khi vắt ra sữa mẹ có thể để bên ngoài được bao lâu?
- Nếu nhiệt độ từ 19 đến 26 độ C: để được tối đa 4 tiếng.
- Nhiệt độ trên 26 độ C: Sữa chỉ có thể bảo quản được trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
- Trong điều kiện nhiệt độ ở ngăn mát tủ lạnh, có thể sử dụng sữa tối đa là 2 ngày.
- Đối với nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh, sữa mẹ có thể bảo quản tối đa 4 tháng.
- Khi dùng tủ trữ đông chuyên dụng, thời gian bảo quản sữa có thể kéo dài đến 6 tháng.
Sữa mẹ vắt ra ủ nóng được bao lâu?
Nhiệt độ lý tưởng nhất của sữa để kích thích vị giác và hệ tiêu hóa của trẻ là khoảng 37 độ C. Sau khi đã bảo quản, sữa mẹ cần được rã đông và làm ấm ở nhiệt độ 40 độ C.
Nhiều mẹ trẻ lầm tưởng rằng nếu cứ duy trì nhiệt độ ở mức 40 độ C, sữa sẽ không chịu ảnh hưởng về chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế các mẹ chỉ có thể hâm nóng sữa 1 lần duy nhất để cho bé dùng sữa trong vòng 1 giờ sau khi ủ. Tuyệt đối không nên tiếp tục cho trẻ uống sữa sau thời gian này hoặc cho vào tủ lạnh bảo quản lại sau khi đã hâm nóng.
Lời khuyên cho các mẹ trẻ là hãy ước lượng mỗi bữa ăn của con và lấy lượng sữa thích hợp (chia thành các túi nhỏ khoảng 60-120 ml sữa tương ứng với mỗi bữa) để rã đông, tránh gây lãng phí nguồn sữa mẹ.
Các phương pháp ủ nóng sữa mẹ phổ biến
- Ủ nóng bằng bình giữ nhiệt, túi ủ. Những dụng cụ này có hiệu quả giữ nhiệt không cao nên các mẹ chỉ nên bảo quản sữa trong thời gian ngắn. Mẹ không nên vắt sữa trực tiếp vào bình giữ nhiệt mà nên dùng nước nóng tiệt trùng trước khi cho sữa vào rồi đậy kín nắp.
- Ủ nóng bằng máy. Máy hâm sữa được thiết kế khá đơn giản giúp giữ ấm sữa trong một khoảng thời gian nhất định. Máy này cũng có thể dùng để hâm nóng sữa đã được trữ đông trong tủ lạnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy hâm nóng sữa của nhiều hãng với mẫu mã và giá thành đa dạng, mẹ tham khảo trước khi chọn mua nhé.
- Cách đơn giản nhất để ủ nóng sữa mẹ là dùng nước nóng: mẹ vắt sữa vào bình sau đó đóng kín và đặt vào bát/chén/cốc nước ấm có nhiệt độ khoảng 40 độ C. Mặc dù rất đơn giản nhưng điểm hạn chế của phương pháp này là mẹ phải thay nước ấm liên tục nếu muốn giữ một mức nhiệt nhất định.
Sữa mẹ đun sôi hay ủ nóng quá có tốt không?
Nhiều chị em hay mắc lỗi đun sôi sữa hay ủ sữa quá nóng (trên 70 độ). Sữa mẹ nếu như đun sôi sẽ bị bay hơi nhiều dưỡng chất và các vitamin. Ủ nóng 70 độ C đồng nghĩa với việc sữa sẽ không còn giá trị dinh dưỡng.
Sữa khi được ủ ở mức từ 50 đến dưới 70 độ C mặc dù chưa bị hao hụt dinh dưỡng nhưng có thể gây bỏng cho trẻ khi dùng và hoàn toàn không cần thiết.
Nhiệt độ lý tưởng để duy trì ủ nóng cho trẻ là khoảng 40 độ.
Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng
Bên cạnh việc nắm được thời gian sữa mẹ vắt ra ủ nóng được bao lâu, các mẹ cũng cần để ý những dấu hiệu sữa đã bị hỏng để kịp thời tránh không cho trẻ sử dụng.
Sữa mẹ bình thường sẽ có vị ngọt nhạt, không quá mặn hay quá ngọt, mùi thơm và vị béo đặc trưng. Có thể có trường hợp sữa sau khi rã đông có màu vàng và xuất hiện váng như mỡ. Không nên dùng thìa hớt bỏ váng sữa vì phần này chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết đối với bé. Phần chất béo này nếu hòa tan khi lắc đều thì vẫn có thể dùng được. Ngược lại nếu chất béo nổi trên bề mặt không hòa tan được thì rất có thể sữa đã hỏng, mẹ không nên cho bé uống.
Ngoài ra sữa mẹ được giữ trong tủ lạnh cũng có thể xuất hiện mùi lạ như mùi xà phòng. Nguyên nhân là do sự hoạt động của enzyme lipase trong sữa phân hủy các axit béo trong lớp váng. Đây không phải là dấu hiệu cho thấy sữa mẹ bị hỏng và hoàn toàn an toàn khi cho bé bú.
Đối với sữa mẹ bị hỏng, sữa có mùi chua và dậy men kèm theo vón cục, nổi váng không hòa tan được. Các mẹ cũng có thể nếm thử vị của sữa nếu cẩn thận hơn. Bên cạnh đó nếu sữa chưa có biểu hiện hỏng nhưng đã quá thời gian bảo quản thì mẹ cũng đừng nên tiếc của mà cho các bé sử dụng nhé.
Lời kết
Bài viết trên đã giải đáp phần nào những thắc mắc sữa mẹ vắt ra ủ nóng được bao lâu của nhiều chị em, nhất là chị em lần đầu làm mẹ còn nhiều bỡ ngỡ. Mẹ hãy đọc và lưu lại những thông tin cần thiết nhé. Chúc các mẹ có đủ sữa để nuôi con an toàn và khỏe mạnh.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!