Sốt xuất huyết khi mang thai là căn bệnh thực sự nguy hiểm nếu mẹ bầu mắc phải trong thai kỳ của mình. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây mẹ nhé để phòng tránh ngay từ hôm nay mẹ nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Sốt xuất huyết bùng phát vào mùa mưa
Mùa mưa đã về, nhiệt độ, môi trường và độ ẩm của thời tiết này chính là điều kiện thích hợp để muỗi vằn đẻ trứng, sinh sôi và phát triển mạnh. Dịch sốt xuất huyết bắt đầu có xu hướng tăng nhanh là do đó.
Trong số các bệnh nhân nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết, có tới 1/4 số ca mắc bệnh là phụ nữ mang thai. Sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào? Mời mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu suy giảm nên khi bị sốt xuất huyết có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.
Sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm nhất ở giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trong các tuần cuối trước khi sinh. Mẹ có thể gặp phải các biến chứng như giảm tiểu cầu, tiền sản giật, sảy thai, thai chết lưu, sinh non, xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh có nguy cơ tử vong cả mẹ và bé.
Việc điều trị sốt xuất huyết kịp thời trong thời gian mang thai sẽ đảm bảo thai phụ và em bé được khỏe mạnh. Nếu được chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ rất cao. Khi bị sốt xuất huyết, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế uy tín, tránh tự ý sử dụng thuốc. Mẹ nên nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa, uống nhiều nước, ăn lỏng, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo lắng, tuân thủ điều trị của nhân viên y tế.
Triệu chứng sốt xuất huyết khi mang thai
- Sốt cao, sốt liên tục kèm theo run rẩy
- Đau bụng, đau đầu dữ dội và dai dẳng, cảm giác tê nhức, mệt mỏi khắp cơ thể
- Ăn khó, không ngon miệng, nôn mửa liên tục và nôn lẫn máu
- Choáng, nhịp tim nhanh, khó thở, thở nhanh, thở gấp
- Mất nước, khát nước, tiểu gắt
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi
- Trên da xuất hiện các nốt đỏ
- Tiểu cầu hạ nhiều, nguy cơ xuất huyết nặng ảnh hưởng tới tính mạng mẹ và con
Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết?
Không tự ý uống thuốc
Nếu mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai, tuyệt đối không tự ý mua thuốc sử dụng mà phải đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ khám và đưa ra các hướng điều trị phù hợp, an toàn cho mẹ và thai nhi.
Nếu bị sốt xuất huyết vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên chọn những bệnh viện lớn, uy tín để tiến hành sinh đẻ và xử lý kịp thời những trường hợp xấu xảy ra trong và sau quá trình sinh.
Có thể uống hạ sốt
Paracetamol được coi là an toàn cho phụ nữ có thai nên nếu mẹ bầu sốt trên 38 độ C, mẹ cần dùng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng để hạ sốt. Còn nếu sốt dưới 38 độ C, mẹ chỉ cần chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, sử dụng nước hoa quả như cam ép để tăng sức đề kháng.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Trong thời gian này mẹ có thể ăn cháo lỏng hay súp giúp giảm cảm giác chán ăn, bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng mà lại dễ tiêu. Bà bầu bị sốt xuất huyết nên nghỉ ngơi cho lại sức, hạn chế đi lại ở mức tối đa. Đồng thời giữ cho tâm trạng thoải mái, tránh lo âu.
Điều trị sốt xuất huyết khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin hay thuốc kháng vi-rút nào đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị là làm giảm các triệu chứng. Một số trường hợp nặng, mẹ sẽ phải nhập viện và truyền dịch, nếu cần thiết có thể phải truyền máu. Vì vậy, điều trị sốt xuất huyết khi mang thai hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì xấu đến thai nhi.
Phòng tránh sốt xuất huyết như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng tránh sốt xuất huyết đó là đảm bảo cho mẹ không bị muỗi truyền bệnh cắn. Dưới đây là một số cách phòng tránh muỗi vằn cắn:
- Muỗi sinh sản trong những vũng nước đọng nên mẹ hãy làm sạch nước trong các lọ hoa, bình chậu hoặc thùng chứa nước gần nhà, che chắn kỹ lưỡng các vùng thoát nước hở
- Mặc quần áo sáng màu, dài tay để tránh bị muỗi đốt
- Bật điều hòa trong phòng vì muỗi không sinh trưởng ở nơi có nhiệt độ thấp
- Ngủ màn, dùng lưới che cửa sổ và các cửa ra vào để tránh muỗi vào nhà
- Sử dụng thuốc chống muỗi
- Xịt thuốc diệt muỗi quanh khu vực sinh sống, trong nhà và cả ngoài vườn
- Sáng sớm và chiều muộn là lúc muỗi vằn gây bệnh hoạt động mạnh, vì vậy mẹ nên ở trong nhà thời gian này
Vừa rồi là những thông tin về căn bệnh sốt xuất huyết khi mang thai. Hãy chủ động phòng tránh ngay hôm nay trước khi quá muộn mẹ nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!