Ngay cả khi đã chắc chắn về việc có tin vui, nhiều chị em vẫn tò mò không biết quá trình thụ thai có dấu hiệu gì? Trước cả khi thấy que thử thai lên 2 vạch, cơ thể mỗi phụ nữ luôn có cách đặc biệt để thông báo về sự xuất hiện của 1 mầm sống đang lớn lên từng ngày. Cùng điểm danh 13 dấu hiệu xuất hiện sớm nhất trong giai đoạn thụ thai mà chị em nào cũng sẽ cảm nhận được ít nhiều.
-
Máu báo thai
Vào ngày thứ 6 – 12 sau khi trứng được thụ tinh, khá nhiều phụ nữ nhận thấy âm đạo ra 1 chút máu nhẹ. Thời gian xuất hiện máu âm đạo thường gần với ngày đèn đỏ của chu kỳ kế tiếp nên rất dễ bị nhầm lẫn với máu kinh. Tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu cho thấy phôi thai đã làm tổ vào niêm mạc tử cung.
Ra máu báo là dấu hiệu đặc trưng
Để phân biệt 2 hiện tượng này, khi quan sát các mẹ sẽ thấy màu sắc của máu báo thường sẫm hơn và có xu hướng chuyển sang màu nâu đậm thay vì đỏ tươi như máu kinh. Lượng máu báo cũng ít hơn, chỉ xuất hiện vài giọt, kéo dài trong 1 – 2 ngày và không ra ồ ạt như máu kinh.
-
Âm đạo tiết dịch
Ngoài hiện tượng có máu báo thai, tùy thuộc cơ địa của từng người, 1 số chị em cũng có thể thấy 1 chất dịch trắng, đục như màu sữa chảy ra từ âm đạo. Chất dịch này có liên quan tới sự dày lên của thành âm đạo và thường xảy ra ngay sau khi thụ thai do sự phát triển mạnh mẽ của các tế bào niêm mạc âm đạo khiến lớp dịch nhầy trở nên đặc quánh hơn, cổ tử cung đóng khít để phôi thai được bảo vệ và phát triển.
Hiện tượng chảy dịch này có thể tiếp tục trong suốt thai kỳ nhưng thường vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu dịch tiết đổi màu bất thường, có mùi hôi hoặc gây ra cảm giác nóng rát kèm theo ngứa ngáy, chị em nên thăm khám và kiểm tra sớm để xác định nguyên nhân có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm phụ khoa hay không.
-
Thay đổi vùng ngực
Quá trình thụ thai có dấu hiệu gì? Câu trả lời là mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của vùng ngực. Đây được xem là 1 trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất vì sau khi trứng được thụ tinh thành công, các hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi nhanh chóng làm cho lượng máu đến bầu ngực tăng lên gây đau ngực, căng tức 2 bầu vú hoặc có cảm giác như ngực sưng lên. Có những chị em còn cảm thấy ngực trở nên nhạy cảm, nặng và đầy hơn vào thời điểm mới cấn bầu.
Thay đổi vùng ngực là dấu hiệu mang thai thành công
Ngoài cảm giác đau, sưng và ngực mềm hơn thì màu sắc nhũ hoa cũng là dấu hiệu cho thấy mẹ đã mang thai. Lúc này, đầu nhũ hoa cũng như vùng quầng vú xung quanh sẽ chuyển sang màu sẫm hơn, núm vú dần to ra, nhô lên cao, cứng hơn bình thường và thường xuyên xuất hiện những đường gân xanh trên vòm ngực.
-
Cơ thể mệt mỏi, khó thở, hụt hơi
Trứng đã được thụ tinh đồng nghĩa với lượng hormone progesterone của thai kỳ gia tăng đột ngột làm nhiều thai phụ bị mất cân bằng năng lượng dẫn đến trạng thái mệt mỏi. Ngoài ra, cơ thể cần phải cung cấp oxy, chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng bào thai nên nhịp tim tăng lên và hệ tuần hoàn phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu và oxy đến bào thai. Vì vậy, chị em còn thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là hụt hơi, khó thở trong những tuần đầu mang thai.
Cơ thể mệt mỏi là dấu hiệu mang thai điển hình
-
Ốm nghén, khứu giác trở nên nhạy cảm và thay đổi thói quen ăn uống
Ốm nghén gây cảm giác buồn nôn cũng là 1 dấu hiệu mà quá trình thụ thai đem lại nhưng không phải bà bầu nào cũng gặp phải. Nguyên nhân chính xác của ốm nghén chưa được xác định rõ nhưng hormone thai kỳ có thể góp phần vào triệu chứng này. Bên cạnh đó, nồng độ progesterone tăng cao ngay từ khi bắt đầu mang thai có thể dẫn đến sự co thắt ở dạ dày và ruột, gây ra hiện tượng trào ngược, tạo cảm giác buồn nôn.
Ngoài ra, khi lượng nội tiết tố nữ Estrogen tăng lên, khứu giác của mẹ bầu cũng thính hơn và trở nên nhạy cảm với các loại mùi làm chị em cảm thấy khó chịu. Cơn buồn nôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày nhưng phổ biến nhất là vào buổi sáng kể cả khi thai phụ chưa ăn uống gì.
Ngược lại, trong nhiều trường hợp, những thay đổi về hormone trong cơ thể lại khiến mẹ bầu cảm thấy đói và thèm ăn hơn bình thường. Khẩu vị và thói quen ăn uống cũng thay đổi ít nhiều theo từng thời điểm, đôi khi xuất hiện cảm giác thèm ăn những món có mùi vị đặc biệt như đồ ngọt, chua, cay…
-
Nhiệt độ cơ thể tăng
Khi có thai, do sự thay đổi nội tiết mà cụ thể là lượng hormone progesterone nên nhiệt độ cơ thể mẹ cũng tăng cao hơn bình thường. Mặt khác, cùng với sự xuất hiện của phôi thai nên hệ tuần hoàn và tim mạch hoạt động liên tục với tần suất cao nhằm sản xuất lượng máu nhiều hơn để cung cấp cho cả mẹ và thai nhi cũng góp phần làm thân nhiệt của người mẹ bắt đầu tăng. Sự nhạy cảm của cơ thể khiến 1 số mẹ bầu cảm thấy người nóng bừng, đồ mồ hôi nhiều ngay cả khi thời tiết lạnh đi kèm cảm giác ngứa ngáy và có thể xuất hiện cả rôm, sảy.
-
Chuột rút
Nếu các chị em muốn biết về quá trình thụ thai có dấu hiệu gì thì hãy để ý đến những cơn chuột rút ở hông, đùi hay bắp chân. Các chuyên gia cho rằng, vào những tuần đầu của thai kỳ, tử cung của phụ nữ mang thai sẽ phải giãn nở để tạo không gian cho thai nhi được phát triển. Lúc này, sức nặng của tử cung sẽ tạo áp lực vào hệ thống dây chằng và các mạch máu. Chính vì vậy, nhiều chị em sẽ khó tránh khỏi hiện tượng bị chuột rút trong thời gian đầu mang thai.
Chuột rút là dấu hiệu điển hình báo hiệu có thai
Hiện tượng này thường xảy ra sau 6 – 12 ngày trứng thụ tinh nên nhiều mẹ bầu thường bỏ qua vì cho rằng đó là do cơ thể quá mệt mỏi. Cách đơn giản để giảm thiểu tình trạng chuột rút là bổ sung những thực phẩm giàu canxi và kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng.
-
Đau đầu
Đi kèm với cảm giác mệt mỏi ở những tuần đầu tiên sau khi thụ thai thành công, khá nhiều bà bầu còn phải chịu đựng những cơn đau đầu do sự gia tăng đột biến của hormone progesterone cộng với sự thiếu hụt lượng hồng cầu trong máu. Mặc dù vậy, nên cẩn trọng với những cơn đau đầu dữ dội và kéo dài vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
-
Quá trình thụ thai có dấu hiệu gì? Mẹ bầu liên tục đi vệ sinh
Vào tuần thứ 6 hoặc thứ 8 của quá trình thụ thai, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên đáng kể. Do đó, thận sẽ bài tiết ra nhiều nước hơn kèm theo đó là sự chèn ép ngày càng lớn của tử cung lên bàng quang dẫn đến việc mẹ bầu cảm thấy mót tiểu và số lần đi vệ sinh tăng hơn bình thường.
-
Đau vùng thắt lưng – 1 dấu hiệu của quá trình thụ thai
Đa phần câu trả lời của các mẹ bầu khi được hỏi quá trình thụ thai có dấu hiệu gì sẽ nhắc đến sự xuất hiện của những cơn đau vùng thắt lưng. Đó là bởi lúc này cơ thể sẽ tiết ra các hormone giúp dây chằng và khớp xương ở vùng chậu trở nên mềm hơn để hỗ trợ cho quá trình sinh sản vào cuối thai kỳ.
Tuy nhiên các hormone này không chỉ tác động lên khung xương chậu mà còn ảnh hưởng đến khắp cơ thể, bao gồm cột sống và các khớp. Hơn nữa, khi tử cung đang dần giãn rộng ra chuẩn bị cho sự phát triển của thai nhi cũng sẽ làm dây chằng ở đốt sống thắt lưng phía sau giãn ra theo, từ đó gây ra tình trạng đau lưng cho nhiều bà mẹ mang thai.
Những cơn đau thắt lưng đôi khi báo hiệu có em bé
-
Táo bón và đầy hơi
Tương tự như những ảnh hưởng của phôi thai đến hệ tiết niệu, sự thay đổi lượng progesterone trong cơ thể người mẹ khi mang bầu cũng tác động ít nhiều tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Hormone này được sản sinh càng nhiều thì hoạt động tiêu hóa càng bị đình trệ, những cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động chậm hơn, từ đó dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng và táo bón. Hơn nữa, sự chèn ép của bào thai lên vùng trực tràng, xương chậu, bàng quang cũng khiến cho chị em gặp khó khăn khi đi vệ sinh. Để giảm bớt triệu chứng này, hãy uống thêm nhiều nước, tập thể dục và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
-
Tâm trạng thay đổi
Nồng độ estrogen và progesterone thường tăng cao một cách đột ngột khi mang thai sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của các mẹ bầu.Trong giai đoạn này, các chị em thường khó kiểm soát được cảm xúc, đang vui vẻ, hào hứng có thể nhanh chóng rơi vào tâm trạng lo âu, khó chịu và cáu gắt.
-
Trễ kinh
Thông thường chu kỳ kinh nguyệt có thể chậm sau 3 – 4 ngày là chuyện bình thường. Tuy nhiên nếu như chu kỳ kinh chậm hơn 7 ngày, kèm theo đó là những thay đổi khác thường của cơ thể thì khả năng mang thai là rất cao. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của hCG đã làm ức chế hoạt động sản xuất của buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn. Vì thế các chị em cần nắm rõ vòng kinh của mình để chắc chắn rằng sự biến mất của đèn đỏ là dấu hiệu cho biết quá trình thụ thai đang diễn ra bên trong cơ thể.
Trễ kinh báo hiệu có thai
Lời kết
Không chỉ dừng lại ở 13 dấu hiệu đặc trưng kể trên, các mẹ bầu cũng đừng nên bỏ qua những tín hiệu “lạ” của cơ thể như chảy máu cam, thường xuyên buồn ngủ, sắc tố da thay đổi, đau bụng âm ỉ, cân nặng tăng giảm đột ngột hoặc gặp 1 số vấn đề về răng miệng. Nếu thường xuyên lắng nghe cơ thể thì sự có mặt cùng lúc của nhiều hiện tượng đặc biệt này là lời thông báo về sự tồn tại của 1 sinh linh bé bỏng. Để tránh nhầm lẫn với các dấu hiệu bệnh lý khác, chị em có thể tiến hành các xét nghiệm thử thai. Khi đã chắc chắn có tin vui, hãy chuẩn bị sức khỏe và tâm lý thật tốt để sẵn sàng cho hành trình 9 tháng 10 ngày thật an toàn và nhiều cảm xúc!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!