Phù chân khi mang thai tháng thứ 5 là do cơ thể đang tích nước, máu trong cơ thể bạn cũng đang tăng lên. Nếu bạn thấy chân bị phù mà không có thêm những dấu hiệu nguy hiểm được đề cập trong bài thì không phải là vấn đề đáng lo.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Mẹ bầu tháng thứ 5 sẽ gặp những vấn đề nào?
- Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai tháng thứ 5
- Mang thai 5 tháng bị phù chân khi nào nguy hiểm?
- Mẹo giúp giảm phù chân đơn giản tại nhà
Mẹ bầu tháng thứ 5 sẽ gặp những vấn đề nào?
Chuột rút: Thiếu vitamin, tăng cân, vận động quá nhiều hay quá ít tại thời điểm này có thể dẫn đến chuột rút ở chân.
Nghẹt mũi: Nồng độ estrogen tăng làm cho màng mũi mở rộng, do đó làm tăng lưu lượng chất nhầy và khiến mẹ bầu bị nghẹt mũi.
Táo bón: Sự gia tăng nồng độ progesterone gây ra sự di chuyển chậm của thức ăn qua ruột, mẹ sẽ gặp chứng khó tiêu và táo bón.
Chứng ợ nóng: Do tử cung đang phát triển đẩy các axit trong dạ dày lên thực quản.
Đau lưng: Em bé ngày càng lớn sẽ gia tăng áp lực lên vùng lưng dưới hoặc dây thần kinh tọa (chạy từ cột sống đến chân) gây ra đau lưng.
Đi tiểu thường xuyên: Tử cung đang phát triển gây áp lực lên bàng quang, dẫn đến việc thường xuyên mắc tiểu.
Mẹ đã biết chưa?
Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai tháng thứ 5
Bước sang tháng thứ 5 của thai kỳ, bạn bắt đầu ra dáng một “bà bầu” chính hiệu. Bụng của bạn đã nhô cao rõ ràng, bạn cũng đã cảm nhận những cú “đạp” đầu tiên. Bạn không còn bị hành hạ bởi chứng ốm nghén nữa. Tuy nhiên, tĩnh mạch của bạn bắt đầu giãn ra, chân cũng phù lên,… Việc di chuyển trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là cơ thể bạn đang tích nước. Lượng nước đáng kể này nằm trong tế bào của bạn, giúp chúng hoạt động. Một lượng nước khác nằm bên ngoài tế bào, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tăng cường phân phối oxy,…
Máu trong cơ thể bạn cũng đang tăng lên. Lượng máu này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhau thai và các cơ quan của mẹ, cung cấp mọi thứ cần thiết để em bé của bạn có thể phát triển.
Tùy vào cơ địa của mỗi người, các mẹ có thể nhận thấy chân bị phù ở những thời điểm khác nhau. 60% phụ nữ mang thai nhận thấy hiện tượng này ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Vì vậy, nếu bạn thấy chân bị phù mà không có thêm những dấu hiệu nguy hiểm được liệt kê bên dưới, bạn có thể yên tâm.
Mang thai 5 tháng bị phù chân khi nào nguy hiểm?
Bạn bị phù chân, kèm theo các triệu chứng sau đây, có thể là dấu hiệu cảnh báo của chứng tiền sản giật.
- Đau đầu dữ dội
- Rối loạn thị giác, mắt mờ
- Chóng mặt
- Mức độ sưng phù ở cả chân và tay đều nghiêm trọng, gặp khó khăn khi đi lại
- Mặt cũng bị sưng
- Đau dữ dội dưới các xương sườn
- Sốt, nôn mửa
- Đau bụng dưới dữ dội
Chỉ 5% phụ nữ mang thai có thể mắc chứng tiền sản giật và thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Mặc dù tương đối hiếm gặp nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con nếu không được điều trị ngay lập tức. Nếu nghi ngờ, bạn nên đến bệnh viện hoặc bác sĩ của mình để được kiểm tra và chẩn trị.
Mẹo giúp giảm phù chân đơn giản tại nhà
Không phải lúc nào phù chân cũng gây đau đớn, nhưng chúng chắc chắn có thể gây khó chịu hoặc phiền toái. May mắn thay, có một số phương pháp đơn giản, dễ sàng bạn có thể áp dụng tại nhà để ngăn ngừa và giảm bớt tình trạng phù chân.
Giảm bớt muối trong thực đơn của bạn
Cách đơn giản nhất để giảm phù chân khi mang thai là hạn chế lượng muối trong bữa ăn hàng ngày. Vì muối sẽ khiến cơ thể bạn giữ nước. Hãy cố gắng tránh thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn, vì chúng đặc biệt chứa nhiều natri. Cũng cố gắng không cho thêm muối vào thức ăn của bạn.
Tăng lượng kali để giảm phù chân khi mang thai tháng thứ 5
Không bổ sung đủ kali cũng có thể khiến tình trạng sưng tấy trở nên tồi tệ hơn, vì kali giúp cơ thể bạn cân bằng lượng chất lỏng chứa trong cơ thể. Bạn có thể bổ sung thêm những món sau đây vào bữa ăn để cung cấp thêm kali cho cơ thể:
- Khoai tây có vỏ, khoai lang (cả vỏ), chuối, rau bina
- Một số loại nước trái cây (đặc biệt là mận khô, lựu, cam, cà rốt và chanh dây)
- Sữa chua, củ cải, cá hồi, đậu lăng giúp khắc phục tình trạng mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5
Giảm lượng caffeine
Mặc dù thỉnh thoảng uống cà phê sẽ không gây hại gì cho bạn. Nhưng hấp thu quá nhiều caffeine được cho là không tốt cho em bé và có thể làm cho tình trạng sưng tấy trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng trà bạc hà, trà xanh,… để giúp tăng cường năng lượng và giúp bạn tỉnh táo hơn khi cần.
Uống nhiều nước hơn là cách giảm phù chân khi mang thai
Nghe có vẻ lạ khi chúng tôi khuyên bạn nên uống nhiều nước hơn để chống phù chân, nhưng nó thực sự có tác dụng. Nếu cơ thể bạn nghĩ rằng bạn đang mất nước, nó sẽ giữ lại nhiều chất lỏng hơn để cố gắng bù đắp. Vì vậy, hãy cố gắng uống ít nhất 10 cốc nước mỗi ngày để giúp thận đào thải các chất độc hại ra ngoài và cơ thể.
Khám phá thêm:
Bầu 5 tháng đi vệ sinh ra máu tươi có nguy hiểm đến thai nhi không?
Thai nhi đạp ít ở tháng thứ 5 có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Nâng cao chân và nghỉ ngơi khi bị phù chân khi mang thai tháng thứ 5
Mặc dù bạn có cả triệu việc muốn hoàn thành trước khi em bé chào đời, hãy cố gắng ngồi nghỉ ngơi thêm một chút. Hãy gác chân cao lên khi có thể. Dù ngồi nhiều không tốt cho quá trình tuần hoàn máu của bạn, nhưng việc đứng liên tục cũng gây khó chịu cho cơ thể. Bạn hãy ngồi nâng chân lên cao một chút – đặc biệt là vào cuối ngày – có thể giúp thoát chất lỏng tích tụ trong chân của bạn trong suốt cả ngày.
Đi bộ thường xuyên
Bạn hãy cố gắng đi bộ 5 – 10 phút một vài lần mỗi ngày có thể giúp cải thiện tuần hoàn của bạn, giúp giảm sưng. Đi bộ cũng có thể giúp bạn thư giãn và là cách tuyệt vời để tập thể dục an toàn cho thai kỳ.
Mang những đôi giày thoải mái
Mặc dù bạn có thể trông xinh đẹp khi đi giày cao gót, nhưng cuối thai kỳ là thời điểm thích hợp để cho chúng nghỉ ngơi. Hãy mang những đôi giày thoải mái, vừa vặn để giảm phù chân.
Massage
Việc massage giúp lưu thông các chất lỏng có xu hướng tích tụ ở bàn chân của bạn. Do đó sẽ làm giảm sưng tấy. Vì vậy, bạn hãy nằm thư giãn, gác chân lên cao. Thỉnh thoảng, bạn có thể nhờ chồng xoa bóp nhẹ nhàng đôi chân và lòng bàn chân. Hoạt động này cũng sẽ giúp bạn đời của bạn có cơ hội gắn kết hơn với em bé trong bụng mẹ.
Phù chân khi mang thai tháng thứ 5: Mẹ hãy nằm nghiêng về bên trái khi ngủ
Ngủ nghiêng về bên trái khi có thể có thể cải thiện lưu lượng máu, giúp giảm sưng bàn chân. Nằm nghiêng về bên trái sẽ làm giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là mạch máu lớn đưa máu về tim.
Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
Quần áo chật có thể khiến tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn. Mục đích của việc mặc quần áo rộng rãi là giữ cho máu lưu thông dễ dàng. Những chiếc váy maxi dành cho bà bầu vào mùa hè và những chiếc áo len dáng thụng hay áo len với quần chạy bộ vào mùa đông là những lựa chọn vừa dễ thương lại vừa thoải mái.
Phù chân khi mang thai tháng thứ 5 là hiện tượng thường gặp trong thai kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa và giảm phù chân bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, uống nhiều nước, nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!