Thai nhi đạp ít ở tháng thứ 5 là nỗi lo lắng của nhiều mẹ bỉm sữa, nhất là những bạn mang thai lần đầu. Bé đạp như thế nào là bình thường? Khi nào là bất thường?
- Khi nào con bắt đầu đạp trong bụng mẹ?
- Thông điệp khi thai nhi đạp bụng mẹ
- Thế nào là thai đạp ít ở tháng thứ 5?
- Cách kích thích những cú đạp của con
- Thai nhi ít đạp ở tháng thứ 5 khi nào là nguy hiểm?
- Thai đạp ít hay nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi và mẹ không?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Khi nào con bắt đầu đạp trong bụng mẹ?
Ngay từ khi được 7 tuần tuổi, con đã biết vận động nhẹ nhàng các đốt sống cổ. Lúc này mẹ không cảm nhận được các cử động của con. Nhưng cho đến khi được 16-18 tuần tuổi trở đi thì mẹ mới cảm nhận rõ rệt những cử động của con trong bụng.
- Mẹ nên theo dõi thai máy suốt thai kỳ (Ảnh: istockphoto)
Thai nhi hoạt động trong bụng mẹ từ rất sớm. Nhưng thường mẹ bầu sẽ không cảm nhận được cựa quậy của bé. Đến khoảng tuần 16-22 hoặc sau đó, mẹ sẽ cảm nhận được thai nhi đạp.
Thông điệp khi thai nhi đạp bụng mẹ có thể là:
- Sự “giao tiếp” đầu đời của trẻ dành cho mẹ.
- Trẻ vẫn đang phát triển tốt.
- Bé phản ứng khi có kích thích bên ngoài như ánh sáng, âm thanh.
- Bé thích thú hay không thích thú với món ăn mới mẹ ăn
Thế nào là thai nhi đạp ít ở tháng thứ 5?
Thai nhi tháng thứ 5 phát triển thế nào?
- Tuần 17: Các hệ cơ quan của thai nhi đang dần hoạt động. Lớp mỡ dưới da đã bắt đầu hình thành.
- Tuần 18: Bé sẽ cử động nhiều hơn, mẹ cũng cảm nhận rõ ràng hơn. Bé cũng có thể nghe được âm thanh bên ngoài.
- Tuần 19: Tay chân bé phát triển tốt, thai nhi bắt đầu kiếm soát được nhiều hành động của mình.
- Tuần 20: Thai 20 tuần có trọng lượng khoảng 300gr và chiều dài 25 cm. Thai đã bắt đầu hình thành tóc, móng.
Thai nhi khỏe mạnh khi có hơn 4 lần cử động trong 30 phút, 3 lần mỗi ngày. Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần mỗi 30 phút, mẹ bầu cần đi nằm nghỉ và đếm cử động thai trong một giờ hoặc 2-4 giờ. Nếu thấy trong một giờ có trên 4 lần thai cử động, hoặc trong 4 giờ có nhiều hơn 10 cử động thai, tiếp tục đếm 3 lần trong một ngày như trước, tần suất này ổn định thì thai nhi vẫn khỏe mạnh.
Trường hợp con đạp ít nếu trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai, hay tất cả cử động thai đều yếu, mẹ bầu cần nhập viện để theo dõi thêm bằng các phương pháp khác.
- Nguyên nhân thai máy ít là gì? (Ảnh: istockphoto)
Nguyên nhân khiến thai nhi ít đạp ở tháng thứ 5
- Khi bé ngủ, thường không có cử động thai. Thời gian ngủ trung bình của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.
- Mẹ bị giảm nồng độ đường trong máu do ăn chay hay không tăng cường thêm thức ăn.
- Do tử cung và thành bụng mẹ dày do thừa cân hay tiểu đường thai kỳ.
- Thai phụ ăn uống thiếu chất làm thai suy dinh dưỡng hoặc nguồn cung cấp oxy đến bé không đủ để bé hoạt động.
Thai nhi ít đạp ở tháng thứ 5 khi nào là nguy hiểm?
Khi thai nhi cử động ít hơn 10 lần trong 4 giờ, giảm hơn so với những ngày trước, hoặc cả ngày mà thai không máy, thì lúc này thai máy bất thường
Ngoài ra, nếu kèm theo nôn mửa, không căng ngực hay xuất huyết âm đạo và co thắt tử cung là báo động sức khỏe thai nhi trong tình trạng nguy hiểm. Mẹ đến ngay bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
Mẹ sẽ cảm nhận thai nhi đạp rõ nhất từ tuần thứ 20. Đôi khi thai nhi ít đạp ở tháng thứ 5 chỉ là do bé “nghỉ giải lao” một chút thôi. Mặc dù vậy, mẹ vẫn phải theo dõi chặt chẽ nhé.
Thai đạp ít hay nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi và mẹ không?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Theo dõi thai máy (hay còn gọi là cử động thai) giúp mẹ bầu cảm nhận được chuyển động của thai nhi nhằm đánh giá sức khỏe của em bé trong bụng. Từ khoảng tuần 16-18, mẹ bầu có thể cảm nhận được cử động của thai nhưng rõ ràng nhất ở thời điểm sau tuần 24 của thai kỳ.
Mẹ chú ý theo dõi:
- Nếu thai máy ít hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của thiếu ối, thiếu oxy, các vấn đề về nhau thai.
- Trường hợp thai máy quá nhiều (hơn 20 lần), có khả năng thai nhi đang bị stress hay do mẹ đang gặp căng thẳng.
- Nếu thai máy ít hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của thiếu ối, thiếu oxy (Ảnh: istockphoto)
Tóm lại, thai máy là tình trạng thai nhi đạp bên trong bụng mẹ và việc cảm nhận thai máy ở mỗi mẹ sẽ khác nhau. Thai máy có mạnh hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.
Nếu thai máy có những biểu hiện bất thường như trên, hoặc máy ít hơn 3 – 4 cử động trong một giờ thì mẹ nên theo dõi sát sao thêm một giờ nữa. Nếu không có gì cải thiện mẹ cần đi bệnh viện ngay để có cách xử trí kịp thời.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!