Ợ nóng khi mang thai là hiện tượng rất nhiều mẹ bầu gặp phải trong thai kỳ. Vậy hiện tượng bà bầu bị ợ chua nóng cổ này có gây nguy hiểm cho thai nhi không?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Chứng ợ nóng khi mang thai là gì?
Bên cạnh những triệu chứng thai kỳ thường gặp ở bà bầu như buồn nôn, chuột rút, đau lưng, phù chân, đau ngực, táo bón,… thì ợ nóng là tình trạng mà cũng rất nhiều mẹ bầu phải trải qua.
Ợ nóng khi mang thai còn được gọi là chứng trào ngược axit hay chứng khó tiêu axit. Hiện tượng này xảy ra khi axit trào ngược lên họng, để lại vị chua và đắng ở trong khoang miệng, khiến bà bầu có cảm giác nóng rát, khó chịu ở phần ngực dưới và cuống họng trong khoảng vài phút đến nhiều giờ liền. Tình trạng này còn khiến một số bà bầu bị đau họng và ho thường xuyên.
Vì sao mẹ bầu thường bị ợ nóng khi mang thai?
Thay đổi nội tiết tố
Progesterone là thủ phạm hàng đầu trong các nguyên nhân khiến bà bầu bị ợ chua nóng cổ. Cụ thể là do hormone này có vai trò làm giãn cơ tử cung để hỗ trợ cho sự phát triển mỗi ngày của thai nhi. Tuy nhiên, chính điều này lại vô tình làm giãn cơ vòng dưới thực quản, khiến axit bị trào ngược và gây ra tình trạng ợ nóng trong cổ họng.
Sự phát triển của thai nhi
Thai nhi ngày càng lớn sẽ càng chiếm không gian của một số cơ quan khác, trong đó có dạ dày. Dạ dày bị tạo áp lực sẽ càng khiến axit bị đẩy lên thực quản. Vậy nên càng ở những tháng cuối thai kỳ, bạn thường bị ợ nóng nhiều hơn.
Tiêu hóa chậm
Hormone progesterone tăng lên trong thai kỳ còn làm giảm nhu động dạ dày, khiến cho quá trình co bóp dạ dày bị chậm lại. Thức ăn nằm ở dạ dày lâu hơn sẽ khiến axit bị tiết ra nhiều hơn.
Ợ nóng khi mang thai có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Đây là triệu chứng phổ biến ở nhiều bà bầu, đặc biệt là khi bà bầu đang ở trong giai đoạn giữa và cuối. Theo thống kê, có đến 45% bà bầu gặp chứng ợ nóng. Vậy nên nếu bà bầu bỗng dưng cảm thấy khó chịu và nóng rát lồng ngực thì cũng hãy bình tĩnh, đây chỉ là chứng ợ nóng thông thường của các mẹ bầu trong thai kỳ, hoàn toàn không ảnh hưởng tới thai nhi.
Mẹ bầu thường bị ợ nóng khi mang thai có nguy hiểm không? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Khi mang thai, do sự thay đổi hormone trong cơ thể, sự lớn lên của thai nhi gây tăng áp lực trong ổ bụng và chèn ép lên dạ dày cũng như việc giãn cơ vòng nối giữa thực quản và dạ dày khiến mẹ bầu có bị trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng nhiều.
Đa phần ợ nóng là một triệu chứng hay gặp ở thai phụ, không gây nguy hiểm gì đặc biệt cho sức khỏe của cả mẹ và bé nên bạn không cần quá lo lắng . Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xuất hiện trong thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh con, vì khi đó nội tiết trở về bình thường và ổ bụng giảm đi áp lực.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp, một số triệu chứng nguy hiểm lại bị nhầm lẫn với ợ nóng như viêm loét dạ dày, đau ngực, dấu hiệu của tiền sản giật. Vì vậy, khi có triệu chứng ợ nóng, nuốt khó, nôn ói nhiều khiến thai phụ mệt, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thai phụ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Để tránh gặp phải tình trạng ợ nóng, thai phụ cần chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều bữa nhỏ và bữa tối nên trước lúc đi ngủ 3 giờ, nhai kĩ, hạn chế thức ăn dầu mỡ, cay, thức uống có cồn, cafein, ngồi thẳng khi ăn, không nằm ngay sau khi ăn và kê đầu cao khi nằm bằng cách đặt gối dưới vai.
Cách giảm chứng ợ nóng khi mang thai
Ợ nóng không thể loại bỏ hoàn toàn khi mang thai vì nó liên quan đến hormone thai kỳ, tuy nhiên bạn có thể làm giảm tình trạng này bằng một số cách sau đây:
Nên tránh các loại thực phẩm sau đây:
Các loại thực phẩm mẹ tuyệt đối nên tránh nếu không muốn tình trạng bầu bị ợ nóng trở nên tồi tệ hơn: Socola, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu, cà phê, bạc hà, thức uống có gas, thức ăn chứa nhiều axit như cam, chanh, mù tạt, giấm,…
Bổ sung thực phẩm tốt cho dạ dày
So với thực phẩm dạng rắn thì thực phẩm dạng lỏng sẽ dễ tiêu hóa hơn. Vì vậy, hãy ăn các thực phẩm dạng lỏng như súp, cháo, sinh tố, sữa chua,… giúp mẹ bầu bổ sung đủ nhu cầu dinh dưỡng nhưng vẫn không bị ợ nóng khi ăn.
Đặc biệt, sữa có thể làm giảm bớt chứng ợ nóng vì trong sữa có chứa nhiều canxi và các loại khoáng chất giúp trung hòa axit trong dạ dày. Vì vậy bạn nên uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,… mỗi khi bị ợ nóng.
Ăn “thông minh”
- Không uống nước quá nhiều trong bữa ăn vì có thể làm căng dạ dày của bạn
- Không nên ăn quá no trong một bữa mà hãy chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Nhai kẹo cao su sau khi ăn có thể kích thích tuyến nước bọt để trung hòa bớt axit
Ngủ “thông minh”
- Mẹ bầu không nên đi ngủ ngay sau khi ăn vì cơ thể cần tới 2 – 3 giờ để tiêu hóa trước khi chúng ta ngủ. Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết mà mẹ đã nằm xuống sẽ khiến axit trong dạ dày càng dễ trào ngược lên thực quản.
- Kê cao gối khi ngủ để phần trên của cơ thể được nâng cao, từ đó axit sẽ không bị trào ngược lên
- Nằm nghiêng bên trái sẽ tốt hơn bên phải, hạn chế tình trạng bầu bị ợ nóng
- Nên chọn mặc quần áo rộng rãi, mềm mại, tránh những món đồ xiết chặt quanh bụng và eo gây áp lực lên dạ dày nhé.
Sử dụng thuốc theo tư vấn của bác sĩ
Nếu đã áp dụng các cách trên nhưng tình trạng ợ nóng khi mang thai vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, mẹ bầu có thể đi bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Vẫn có một số loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chống trào ngược dạ dày an toàn dành cho mẹ bầu. Tuy nhiên, hãy tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thai kỳ bạn nhé.
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến chứng ợ nóng khi mang thai. Hy vọng mẹ bầu có thể cảm thấy dễ chịu hơn qua các bí quyết trên.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!