Nước trái cây thường được các mẹ bổ sung vào thực đơn ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên mẹ đã biết cách sử dụng nước trái cây cho bé như thế nào là đúng và đủ chưa? Một số thông tin cần thiết trong bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ tránh mắc phải những sai lầm khi cho bé uống nước trái cây theo từng độ tuổi.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Lợi ích của nước ép trái cây tự nhiên
Nước ép trái cây luôn là thức uống vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng với mọi độ tuổi nhất là các bé. Bổ sung nước ép trái cây đúng cách sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Rất nhiều loại hoa quả có hàm lượng chất xơ dồi dào giúp hỗ trợ cho hệ đường ruột của bé hoạt động ổn định hơn, đảm bảo nhu động đường ruột trơn tru, ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. Nước ép trái cây cũng được nhiều mẹ lựa chọn để cải thiện tình trạng táo bón mà bé đang gặp phải. Trái cây, rau củ tươi cũng chính là nguồn cung cấp các loại vitamin A, C, D cùng các khoáng chất thiết yếu như sắt, kali… hỗ trợ sự phát triển toàn diện và tăng trưởng về thể chất cho bé.
Trái cây tuy có chứa một hàm lượng chất xơ dồi dào cùng với các chất dinh dưỡng khác nhưng lại chứa rất ít calo và chất béo. Không chỉ vậy, với nước ép trái cây, rau củ và sử dụng hoa quả trực tiếp thay thế các loại đồ uống công nghiệp, đồ uống có gas cũng giúp làm giảm nguy cơ gây béo phì ở trẻ nhỏ.
Nước trái cây cho bé: Nên bắt đầu như thế nào?
Theo Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (APP) khuyến cáo, độ tuổi thích hợp để mẹ bắt đầu giới thiệu các loại nước trái cây cho bé là từ 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, mẹ nên chú ý tới độ tuổi và liều lượng phù hợp khi sử dụng nước trái cây cho bé.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung bất cứ loại chất lỏng nào kể cả nước lọc hay nước trái cây vì nguồn sữa mẹ hay sữa công thức đã cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé trong giai đoạn đầu đời. Sử dụng nước trái cây cho bé dưới 6 tháng tuổi có thể gây hại cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ
- Sau 6 tháng tuổi, khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể pha loãng nước ép trái cây, rau củ theo tỷ lệ 1:10 và bổ sung cùng bữa ăn của trẻ. Cách này vừa giới thiệu cho bé làm quen với mùi vị vừa giúp con hấp thụ dễ dàng hơn các khoáng chất, vitamin, đặc biệt là sắt có trong thức ăn
- Khi bé được từ 8 tháng đến 3 tuổi bổ sung nước ép trái cây như một khẩu phần dinh dưỡng nhưng không được sử dụng quá 120ml nước ép mỗi ngày
- Trẻ từ 4 – 6 tuổi có thể sử dụng nước ép trái cây nguyên chất với nhiều loại hương vị khác nhau nhưng chỉ nên uống từ 120 – 180 ml/ngày
- Bé 7 – 8 tuổi không nên dùng quá 220ml nước ép trái cây, rau củ mỗi ngày
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Nước trái cây là một thức uống chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo khuyến cáo, trẻ nhỏ chỉ nên uống nước trái cây khi được 1 tuổi, vì giai đoạn trước đó thì sữa mẹ hoặc sữa bột đã cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
5 lý do mẹ không nên cho bé uống nhiều nước trái cây
Nước ép trái cây là một loại đồ uống tốt nhưng việc cho bé sử dụng thường xuyên có thể phản tác dụng vì dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
Nước hoa quả góp phần dẫn đến thừa cân
Trong hoa quả có chứa lượng đường tự nhiên khá cao và hàm lượng này càng trở nên đậm đặc và nhiều calo hơn khi được làm thành nước ép. Theo nghiên cứu đã được công bố, nếu cho trẻ từ 1- 6 tuổi uống 1 ly nước ép hoa quả mỗi ngày sẽ làm thay đổi chỉ số BMI của trẻ. Vì vậy, mẹ sử dụng quá nhiều nước trái cây cho bé có thể khiến con phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì.
Trẻ có nguy cơ sâu răng khi sử dụng nhiều nước trái cây
Thường xuyên uống các loại nước trái cây sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng vì hàm lượng đường sẽ đọng lại trên lợi và qua thời gian sẽ phá hủy cấu trúc men răng của những chiếc răng sữa đầu tiên của bé.
Nhiều mẹ có thói quen đựng nước trái cây cho bé dưới 1 tuổi vào bình, chai để trẻ ngậm uống. Cách uống này có thể làm trẻ cảm thấy khó khăn vì đôi khi một số loại nước quả có tép hoặc chưa được lọc hạt kĩ làm tắc đường dẫn nước hoặc bé phải dùng lực hút mạnh làm con bị sặc. Hơn nữa trẻ ngậm núm mút trong thời gian dài làm đường có trong các loại hoa quả tấn công vào men răng của bé. Tốt nhất mẹ nên cho nước hoa quả vào một chiếc cốc với lượng vừa đủ để bé có thể uống hết ngay một lúc và vệ sinh răng miệng cho con ngay sau đó.
Uống quá nhiều nước ép hoa quả có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ
Nước hoa quả có thể hữu hiệu trong việc cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ nhưng ngược lại bé có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa do uống quá nhiều nước trái cây khiến con đầy bụng, và rối loạn đường ruột. Nước cam hoặc những loại quả thuộc họ cam như bưởi, quýt chứa nhiều axit có vị chua cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy nếu mẹ sử dụng loại nước trái cây này cho bé dưới 1 tuổi.
Trẻ có thể biếng ăn nếu dùng nước trái cây liên tục
Khi uống nhiều nước ép, lượng đường và calo trong trái cây sẽ khiến bé đầy bụng, giảm cảm giác thèm ăn với những thực phẩm khác. Đặc biệt, với những trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên nếu dùng nước trái cây liên tục bé sẽ bỏ bú dẫn đến thiếu hụt các chất béo, kali và protein cần thiết cho quá trình phát triển thể chất.
Nước hoa quả không có quá nhiều giá trị dinh dưỡng
Trên thực tế, nước ép trái cây chứa nhiều Vitamin nhưng lại thiếu chất đạm, các chất béo và một số khoáng chất cần thiết khác, đặc biệt là chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với hệ tim mạch và hệ tiêu hóa. Do đó, mẹ chỉ nên sử dụng nước trái cây cho bé như một khẩu phần dinh dưỡng chứ không nên thay thế cho một bữa ăn chính.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam: Khi cho trẻ uống nước trái cây, mẹ nên lưu ý rằng quá nhiều nước trái cây có thể gây tiêu chảy, góp phần gây béo phì nếu trẻ uống nước trái cây thay vì thực phẩm lành mạnh hơn nên cần cho trẻ uống lượng phù hợp với lứa tuổi. Sau khi uống, nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ, tránh sâu răng. Nước trái cây cũng nên sử dụng ngay sau khi pha không quá 20 phút để tránh bị nhiễm khuẩn và giảm hàm lượng dinh dưỡng. Tuy nước trái cây chứa nhiều dinh dưỡng nhưng cũng không đủ dinh dưỡng bằng trái cây tươi nên mẹ cũng không nên lạm dụng. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ có thể bị dị ứng khi uống nước trái cây nên mẹ nên cẩn thận khi cho trẻ uống lần đầu.
Mách nhỏ mẹ dùng nước trái cây cho bé đúng cách
Khi dùng nước trái cây cho bé, mẹ cũng cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng sau để bổ sung đúng cách loại thức uống bổ dưỡng này.
- Nước ép chỉ nên được giới thiệu sau bữa ăn hoặc bữa phụ. Không nên cho trẻ uống nước ép suốt ngày kể cả bé từ 1 – 6 tuổi
- Mẹ nên làm nước ép từ những loại hoa quả tươi ngon, theo mùa, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, ưu tiên các loại quả mọng nước, có độ ngọt trung bình. Mẹ không nên thêm đường, muối, mật ong vào nước ép của trẻ hoặc uống cùng lúc với sữa vì có thể gây rối loạn tiêu hóa
- Bắt đầu với từng loại nước ép riêng biệt, khi bé đã quen mới kết hợp nhiều loại trái cây và rau củ khác nhau
- Nước trái cây không cần phải đun sôi vì có thể làm mất đi giá trị dinh dưỡng vì vậy luôn cần phải tiệt trùng dụng cụ pha chế và ly cốc đựng nước ép
- Không nên cho trẻ uống nước ép bưởi và nước ép nho khi bé đang dùng thuốc trị bệnh. Nước ép cam nên được uống cùng những ngày bé ăn dặm với thịt bò hoặc thịt lợn để tăng hấp thụ sắt
- Hãy cẩn thận nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng với bất cứ trái cây hoặc rau củ nào và loại bỏ loại nước ép này khỏi khẩu phần ăn của bé
Thay lời kết
Thức uống là một lựa chọn dinh dưỡng mà mẹ nuôi con nhỏ thường dành nhiều quan tâm. Các loại nước ép trái cây và rau củ thơm ngon, giàu vitamin và khoáng chất không chỉ cho bé khám phá thêm nhiều hương vị mà còn giúp con phát triển khỏe mạnh. Mẹ cũng đừng quên cho con thưởng thức những ly nước trái cây hấp dẫn thật đúng cách để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bé mẹ nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!