Những thực phẩm gây mất sữa sau sinh có thể kể đến là bắp cải, mướp đắng, rau diếp cá… Mẹ cần biết không phải món ăn nào cũng có lợi cho mẹ trong thời kỳ cho con bú. Cùng điểm danh các loại thực phẩm có thể làm mất sữa không nên có mặt trong thực đơn ăn uống hàng ngày của mẹ sau sinh.
Nội dung bài viết:
- Các loại rau củ gây mất sữa
- Thực phẩm không tốt cho mẹ sau sinh
- Mẹ nên ăn gì để có nhiều sữa cho bé bú?
8 loại rau – củ gây mất sữa mẹ cần nhớ
-
Bắp cải
Là loại rau quen thuộc có tác dụng làm mát phổi, thanh nhiệt, giải độc nên thường xuyên có mặt trong bữa cơm của các gia đình nhưng với những sản phụ cho con bú mẹ thì bắp cải lại là 1 trong những thực phẩm gây mất sữa sau sinh. Loại rau có tính hàn này làm không ít mẹ ăn vào thấy sữa ít hẳn đi và những bé bú sữa sau khi mẹ ăn nhiều bắp cải có thể bị lạnh bụng và tiêu chảy. Kể cả những mẹ có nguồn sữa dồi dào thì chị em cũng không nên ăn quá 50g bắp cải/ngày. Chỉ nên sử dụng bắp cải để đắp ngực trong trường hợp mẹ có dấu hiệu căng tức, tắc tia sữa.
Cải bắp gây mất sữa sau sinh (Nguồn ảnh: unsplash)
Bạn có thể chưa biết:
-
Lá lốt
Theo Đông y, lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính âm có tác dụng chống hàn, giảm đau, chữa chứng đầy hơi, khó tiêu, tốt cho người bị cảm lạnh. Vì vậy, đây là 1 loại rau gia vị không thể thiếu khi chế biến nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các mẹ bỉm sữa, đây lại là loại rau đứng đầu bảng trong số những thực phẩm gây mất sữa sau sinh mà mẹ cần tránh.
Trong thực tế, có những sản phụ chỉ ăn 1 chút lá lốt đã bị ảnh hưởng đến lượng sữa của mình. Lá lốt cũng có thể làm thay đổi hương vị sữa mẹ khiến bé bỏ bú. Vì vậy, dù có thích các món ăn thơm ngon như chả lá lốt, bò cuốn lá lốt, thịt viên lá lốt thì mẹ cũng nên cố găng kiêng cữ để giữ bầu sữa cho bé yêu.
-
Mướp đắng
Tương tự như bắp cải, mướp đắng cũng là thực phẩm có tính hàn, vị mát, giúp thanh nhiệt, giải độc gan và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Mặc dù vậy, mướp đắng lại có ít chất dinh dưỡng nên không cung cấp cho mẹ nhiều năng lượng và chất bổ để tiết sữa nên không phải là thực phẩm lợi sữa. Ngoài ra, cơ thể sau sinh chưa phục hồi mà mẹ lại ăn những món có tính âm càng khiến sức khỏe trở nên suy nhược, dẫn tới tổn thương Tỳ vị, ảnh hưởng đến sự vận hành của các chất dinh dưỡng và máu, làm lực tiết sữa giảm xuống. Rất nhiều phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng ít sữa, mất sữa do sử dụng các món ăn từ mướp đắng.
Mướp đắng làm giảm tiết sữa (Nguồn ảnh: unsplash)
-
Lá bạc hà
Bạc hà là 1 loại rau thơm và cũng là nguyên liệu pha chế nhiều loại đồ uống. Theo các nhà khoa học, loại thảo mộc này được xếp vào nhóm antigalactagogues. Nghĩa là nếu đưa vào cơ thể 1 lượng nhỏ lá bạc hà có thể không ảnh hưởng gì nhưng thường xuyên ăn các thực phẩm có thành phần chiết xuất từ lá bạc hà như bánh kẹo, tinh dầu… có thể làm giảm lượng sữa 1 cách rõ rệt, thậm chí là mất sữa. Vị cay, tính ấm của bạc hà còn làm mẹ bị tiêu chảy, từ đó đó làm ít sữa hơn.
-
Rau mùi
Loại rau tiếp theo trong số những thực phẩm gây mất sữa sau sinh nhưng không nhiều người biết đến là rau mùi. Đây là loại lá giúp lợi tiểu và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa xương hiệu quả, hạn chế bệnh viêm nhiễm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể. Mặc dù vậy, rau mùi không tốt cho nguồn sữa của mẹ sau sinh, do vậy các chị em cần hạn chế sử dụng loại rau này nếu đang trong thời kỳ cho con bú. Có thể dùng 1 chút rau mùi để tăng thêm hương vị cho món ăn nhưng không nên ăn quá 50 – 100g/ngày.
-
Lá dâu tằm
Lá loại lá mà các chị em mách nhau dùng thử khi muốn giảm sữa, tiêu sữa trong thời kỳ cai sữa mẹ cho con. Vì thế lá dâu tằm không nằm trong danh sách thực phẩm lợi sữa. Ngược lại, vì có tính hàn nên khi ăn hoặc uống nước lá dâu sẽ khiến mẹ bị đau bụng, tiêu chảy và làm giảm lượng sữa. Các chị em nên tránh dùng lá dâu tằm để đảm bảo không ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ.
-
Rau diếp cá
Rau diếp cá có khả năng thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn, loại bỏ 1 số kí sinh trùng và trị chứng táo bón nên đây cũng là loại rau có tính hàn. Ăn hoặc uống quá nhiều nước diếp cá có thể khiến 1 số mẹ bị đau bụng, tiêu chảy, không tốt cho sữa mẹ. Vì vậy, tốt nhất mẹ cần theo dõi và tránh ăn rau diếp cá ngay nếu như thấy lượng sữa tiết ra bị giảm đi.
-
Tỏi và hành
Giống như nhiều loại rau gia vị khác, tỏi và hành cũng đi qua sữa mẹ và khiến sữa mẹ có mùi khó chịu. Khi bé không chịu bú mẹ, tuyến sữa có thể nhanh chóng nhận biết được và tự động tiết ra một lượng sữa ít hơn.
Hành tỏi làm sữa mẹ có mùi lạ (Nguồn ảnh: unsplash)
Bạn có thể chưa biết:
Thực phẩm gây ngộ độc không tốt cho sữa mẹ
Các loại măng
Tất cả các loại măng từ măng tươi, măng ngâm, măng khô, măng chua đều gây ức chế tuyến sữa, dẫn đến mất sữa. Ngoài ra, khi mẹ ăn măng, mùi vị sữa mẹ cũng khác thường, khiến bé không thích và lười bú. Khi nhu cầu về sữa mẹ giảm đi, các tuyến sữa sẽ giảm cường độ hoạt động, sữa được tiết ra ít hơn và dần dần sẽ mất sữa. Đặc biệt, chất cyanide trong các loại măng có khả năng gây ngộ độc cao cho cả mẹ và bé khi mẹ ăn loại thực phẩm này.
Đồ hải sản gây dị ứng
Khi mẹ ăn 1 số loại hải sản đặc biệt là các loại cá có lượng thủy ngân lớn như cá kiếm, cá kình, cá thu hoàng hậu cũng có thể bị nhiễm thủy ngân theo. Điều này đồng nghĩa với việc sữa đó đã chứa chất độc, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, khiến cho nguồn sữa về chậm đi, thậm chí là mất sữa.
Dưa, cà muối xổi
Thông thường dưa cà muối xổi có thời gian lên men ngắn và cần rất nhiều muối để bảo quản, đồng nghĩa với hàm lượng natri cao, làm tăng huyết áp và gây nóng trong cho cơ thể mẹ, từ đó hạn chế quá trình tiết sữa, gây thiếu sữa cho con.
Hơn nữa, sau khi sinh và thời kỳ cho con bú, cơ thể và hệ tiêu hóa của người mẹ còn rất yếu. Nếu ăn dưa, cà muối xổi sẽ làm hại hệ tiêu hóa do chứa nitrit. Khi đi vào cơ thể, acid dạ dày sẽ khiến nitrit tác động vào amino acid trong các loại thực phẩm khác như thịt, cá, trứng… tạo thành nitrosamine gây ung thư. Riêng đối với món cà muối xổi còn chứa solanin, có thể gây nguy cơ ngộ độc và tiêu chảy cho bé nếu mẹ ăn quá nhiều.
Thực phẩm chứa caffeine
Các loại thực phẩm như cà phê, trà xanh, cacao, chocolate có chứa hàm lượng caffeine cao. Thực tế caffeine không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa mà là các tác động gián tiếp khi sử dụng, khiến mẹ sau sinh bị đau đầu, mất ngủ, khó tiêu hóa. Sự mất cân bằng của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa do bị mất nước. Lạm dụng đồ uống có chứa caffeine khiến các triệu chứng này càng kéo dài càng làm mẹ mệt mỏi, sữa tiết ra chậm hơn, dẫn đến mất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Cà phê mẹ uống có thể làm bé mất ngủ (Nguồn ảnh: unsplash)
Riêng đối với em bé, nếu mẹ sử dụng cà phê, sô cô la, lá trà xanh, dù chỉ là một lượng nhỏ cũng sẽ thông qua sữa mẹ mà tồn đọng trong cơ thể trẻ. Hệ tiêu hóa của em bé lúc này lại không đủ khả năng phân hủy hay đào thải chúng khiến trẻ dễ bị bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc và bỏ bú. Vì thế khoảng thời gian cho con bú, tốt nhất mẹ không nên sử dụng loại thực phẩm gây mất sữa này.
Thực phẩm, đồ uống có gas, có cồn
Các loại nước ngọt có gas, bia, rượu,…cũng là 1 trong những thực phẩm gây mất sữa sau sinh mà các mẹ cần tránh xa khi đang trong thời kỳ cho con bú. Việc sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích vào giai đoạn sau sinh sẽ gây ức chế quá trình sản sinh sữa của mẹ, dần dần sẽ làm giảm lượng sữa trầm trọng.
Theo nghiên cứu, trước khi cho con bú 4 giờ đồng hồ, nếu người mẹ uống 1 ly bia, rượu hoặc nước ngọt có gas thì lượng sữa tiết ra sẽ bị giảm 20% so với bình thường. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ gặp phải khó khăn về vận động, hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu bú sữa mẹ có chứa cồn và ga.
Thức ăn nhanh, đồ chiên rán
Trong nhóm những thực phẩm gây mất sữa sau sinh, không thể không nhắc đến các loại thức ăn nhanh đồ chiên rán, đặc biệt là chiên rán bằng mỡ động vật. Nếu chế độ ăn uống của mẹ chứa quá nhiều chất béo, các phân tử béo có thể đông lại, làm tắc ống dẫn sữa, dẫn đến tắc sữa và mất sữa sau này. Không chỉ thế, mỡ động vật còn gây áp lực lên hệ tim mạch, gây ra sự tăng cân mất kiểm soát ở những mẹ sau sinh. Vì vậy, để lượng sữa được duy trì dồi dào và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, hãy nói không với thức ăn nhanh và thực phẩm chiên rán.
Mì tôm
Phụ nữ sau sinh thường bị tiêu hao rất nhiều năng lượng nên cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Trong khi đó, mì tôm có hàm lượng dinh dưỡng thấp, lại chứa nhiều hương liệu, chất phụ gia, carbohydrate hoặc chất béo, không có lợi cho sức khỏe. Ăn nhiều mì tôm khiến mẹ bị béo phì, khó tiêu, đầy chướng và không đáp ứng đủ dinh dưỡng để sản xuất sữa. Sữa tiết ra không đảm bảo chất lượng, có mùi tanh, hôi, làm cho bé khó chịu, bỏ bú và hay quấy khóc.
Ăn mì tôm không có lợi cho sức khỏe (Nguồn ảnh: unsplash)
Mẹ ăn gì để có nhiều sữa cho bé bú?
Theo bác sĩ Phạm Văn Hùng, khoa Sản, bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mẹ cho con bú nên bổ sung khoảng 2500 kcal mỗi ngày, các thực phẩm giúp mẹ nhiều sữa có thể kể đến là:
- Các loại rau lá màu xanh với hàm lượng vitamin và khoáng chất cũng như chất xơ phong phú, góp phần co hồi tử cung, kháng viêm
- Hạt họ đậu rất giàu protein và chất béo
- Hoa quả, trái cây
- Thịt các loại: thịt bò, gà, cá…
- Nước (sữa tươi, sữa hạt, canh…), nên uống nước ấm.
Lời khuyên cho mẹ là chia nhỏ bữa ăn và thường xuyên thay đổi thực đơn, đảm bảo cân bằng các nhóm chất và bổ sung đủ nước mỗi ngày.
Lời kết
Mất sữa hay sữa mẹ ít dần là trải nghiệm không một bà mẹ cho con bú nào mong muốn phải đối mặt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó dinh dưỡng sau sinh đóng vai trò quan trọng nhất. Ngoài một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất, mẹ sau sinh nên hạn chế những thực phẩm gây mất sữa để đảm bảo nguồn dinh dưỡng quý giá cho bé yêu!
Nguồn tham khảo: Mẹ sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa? – eva.vn
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!