Mẹ bầu khó thở là hiện tượng phổ biến mà gần như 100% các mẹ bầu đều gặp phải nhất là khi thai nhi đang lớn dần. Xoay quanh hiện tượng này, bài viết sau đây sẽ lý giải:
- Mẹ bầu khó thở do nguyên nhân gì?
- Cách khắc phục hiện tượng khó thở của bà bầu.
- Khó thở đến mức nào thì cần gặp bác sĩ?
- Ý kiến của bác sĩ về vấn đề hô hấp kém trong thai kỳ
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Mẹ bầu khó thở do nguyên nhân gì?
Bác sĩ James Greenberg thuộc bệnh viện Brigham and Women’s tại Boston, Massachusetts lý giải hiện tượng bà bầu bị khó thở hụt hơi là do các các hormone thai kì kích thích não của bà bầu nhằm tăng tần số và độ sâu của hơi thở. Do đó thai phụ sẽ có xu hướng hấp thụ nhiều oxy hơn để thai nhi được phát triển khoẻ mạnh. Ở giai đoạn sau của thai kì, tử cung của người mẹ sẽ đẩy lên cơ hoành khi nó phát triển, điều này khiến phổi của mẹ bị nén lại, hạn chế khả năng giãn nở của phổi nên khiến cho bà bầu khó thở hơn lúc bình thường.
Khó thở là hiện tượng phổ biến của phụ nữ trong thời kì mang thai (Nguồn: istock)
Xem thêm:
Khó thở khi mang thai tháng thứ 8 có nguy hiểm cho thai nhi không? Mẹ bầu nên làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn?
Cũng theo bác sĩ James Greenberg khi mang thai tháng cuối, hiện tượng khó thở sẽ giảm dần ở mẹ bầu, đó là khi thai nhi đã hạ xuống khung xương chậu, giải phóng không gian cho phổi của người mẹ. Hiện tượng bà bầu khó thở là hiện tượng phổ biến nên các mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần các mẹ theo dõi thường xuyên nhịp thở của mình và áp dụng những cách thức phù hợp để hạn chế tình trạng này.
Cách khắc phục hiện tượng khó thở của bà bầu
Để trả lời câu hỏi “Mẹ bầu bị khó thờ phải làm sao?” bác sĩ James Greenberg đưa ra các hướng dẫn như sau:
1. Đứng thẳng: Trong tất cả các trạng thái sinh hoạt hàng ngày, mẹ bầu nên cố gắng đứng thẳng nhiều nhất có thể. Tư thế đứng thẳng sẽ giúp phổi có thêm không gian để co giãn và hoàn thành chức năng của mình một cách tối đa nhất. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia khuyến khích các mẹ nên thường xuyên đi bộ trong tư thế thăngr người thay vì ngồi hoặc nằm yên một chỗ trong suốt ngày dài.
2. Ngủ nghiêng: Bà bầu nằm xuống khó thở là hiện tượng phổ biến vì khi nằm phổi sẽ bị ép lại và không gian hoạt động càng nhỏ hơn, gây khó chịu cho thai phụ. Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất mẹ bầu nên chọn tư thế ngủ nghiêng về phía bên trái vì đó là vị trí tốt nhất cho hệ tuần hoàn của cơ thể.
3. Tập thể dục: Việc tập thể dục như lúc chưa mang thai vẫn nên được duy trì điều độ. Chỉ cần lưu ý tập những bài tập nhẹ nhàng, tránh các động tác mạnh gây ảnh hưởng đế thai nhi và lắng nghe cơ thể của mình trong lúc tập.
Tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng cũng sẽ giúp giảm hiện tượng khó thở (Nguồn: Baby center)
4. Nhẹ nhàng: Bất cứ khi nào có thể hãy thật nhẹ nhàng từ tốn và nên lấy đó làm tôn chỉ cho suốt quá trình mang thai. Điều này áp dụng cho cả hoạt động thể chất lẫn tinh thần. Thoải mái trong suy nghĩ, giữ đầu óc thư thái, không căng thăng và nhẹ nhàng trong hoạt động là cách mẹ bầu hạn chế hiện tượng khó thở một cách triệt để.
Xem thêm
Tìm hiểu về hiện tượng khó thở khi mang thai tháng đầu
Khó thở đến mức nào thì cần gặp bác sĩ?
Tình trạng khó thở sẽ không gây hại cho thai phụ lẫn thai nhi tuy nhiên với những thai phụ có thể trạng kém thì cần theo dõi sát sao, nếu tình trạng khó thở đi kèm với các hiện tượng sau thì thai phụ nên cân nhắc đến khám tại các cơ sở y tế uy tín:
1. Thở gấp, tim đạp nhanh, nhịp tim tăng cao kéo dài
2. Ho kéo dài và liên tục kèm với thở khò khè, sốt, ớn lạnh
3. Đau ngực hoặc đặc biệt đau khi thở
4. Thai phụ bị hen suyễn nghiêm trọng
5. Thai phụ bị mắc các bệnh mạn tính
6. Ngón tay, chân chuyển sang tím tái, xanh tái.
Khó thở trong thai kì là hiện tượng khó tránh khỏi, các thai phụ nên chú ý giữ gìn sức khoẻ, hoạt động nhẹ nhàng, hạn chế lo âu suy nghĩ để có thể hạn chế hiện tượng này, bảo vệ sức khoẻ cho cả mẹ và bé.
Ý kiến của bác sĩ về vấn đề hô hấp kém trong thai kỳ
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Khó thở khi mang thai là triệu chứng thường gặp ở một số mẹ bầu. Mẹ bầu có thể cảm thấy khó thở ngay từ khi mới mang thai hoặc xảy ra muộn hơn ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Sự gia tăng nồng độ hormone progesterone trong giai đoạn thai kỳ khiến mẹ bầu phải thở nhanh hơn và nhiều hơn để lấy dưỡng khí cho thai nhi dẫn đến tình trạng khó thở. Bên cạnh đó, từ tháng thứ 4 của thai kỳ, tử cung ngày càng phát triển sẽ gây áp lực lên cơ hoành, lượng máu trong cơ thể tăng lên, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển máu đến nhau thai, điều này làm mẹ bầu thấy mệt khi hít thở.
(Nguồn: istock)
Hầu hết tình trạng khó thở khi mang thai là hiện tượng bình thường, không gây nguy hiểm trực tiếp cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu khó thở đi kèm với thở gấp, tim đập nhanh liên tục, đau ngực, ho nhiều, các ngón tay, chân và môi chuyển sang màu tím, xanh thì mẹ bầu cần lưu ý và đến cơ sở y tế ngay do đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như hen suyễn, bệnh cơ tim chu sản, thuyên tắc phổi, thiếu máu,…
Khi cảm thấy khó thở, mẹ bầu cần nghỉ ngơi ngay lập tức, có thể điều chỉnh tư thế để hít thở dễ dàng hơn. Mẹ bầu cũng nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không đè lên động mạch chủ, tập các bài tập tể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp điều hòa nhịp tim và cải thiện nhịp thở. Nếu tình trạng không cải thiện, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và hỗ trợ phù hợp.
Nguồn thông tin: Shortness of Breath During Pregnancy – www.whattoexpect.com/
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!