Lưu thai có nguy hiểm không? Lưu thai là điều không mong muốn, nhưng lưu thai không nguy hiểm đến sức khỏe thể chất của mẹ nếu mẹ biết chăm sóc đúng cách, cũng như nắm rõ những vấn đề về sức khỏe và tâm lý sau lưu thai để nhanh chóng vượt qua nỗi đau, hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần.
Vấn đề với phần mô còn sót lại trong tử cung
Điều này xảy ra khi một vài mô của phôi thai vẫn còn nằm lại trong tử cung. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là chảy máu hoặc chuột rút kéo dài lâu hơn dự kiến.
Theo chuyên gia y tế, việc chảy máu sau khi xử lý thai lưu sẽ kéo dài khoảng 2 tuần, sau đó ít dần rồi hết hẳn. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài hơn khoảng thời gian này, chị em nên kiểm tra với bác sĩ để xác định xem có phải trong tử cung vẫn còn sót lại phần mô nào của phôi thai không.
Ở 1 số mẹ bầu, sau 1 thời gian cơ thể sẽ tự đào thai phần mô này, tuy nhiên 1 vài trường hợp khác sẽ cần đến can thiệp y tế.
Chảy máu bất thường sau lưu thai có nguy hiểm không?
Bác sĩ sẽ là người tư vấn cho mẹ tình trạng chảy máu sau lưu thai là bình thường hay bất thường. Chảy máu quá nhiều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng thai phụ.
1 tỉ lệ nhỏ phụ nữ bị băng huyết như 1 biến chứng sau khi thai chết lưu. Chị em nên chú ý theo dõi tình trạng ra máu của cơ thể. Nếu băng vệ sinh đang dùng đầy trong vòng dưới 1 tiếng đồng hồ thì cần tìm trợ giúp y tế ngay lập tức.
Các dấu hiệu cho thấy mất máu bất thường dễ nhận ra là da nhợt nhạt, sần sùi, choáng váng, nhịp tim tăng lên…
Nhiễm trùng sau lưu thai
Có khoảng 3% phụ nữ có các biểu hiện nhiễm trùng liên quan đến thai lưu do các phần còn sót lại trong tử cung. Nhiễm trùng sau khi thai chết lưu có thể gây nguy hiểm cho thai phụ nhưng cũng có thể được xử lý nhờ các loại kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. 1 số dấu hiệu nhiễm trùng thường gặp là:
- Chảy máu, chuột rút kéo dài hơn 2 tuần
- Ớn lạnh
- Sốt cao trên 38 độ
- Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu.
Hội chứng Asherman
Hội chứng Asherman là 1 biến chứng hiếm gặp sau khi thực hiện thủ thuật nong và nạo (D&C). Asherman cũng có thể phát sinh do 1 vài nguyên nhân khác như nhiễm trùng.
Khi gặp hội chứng này, mô sẹo hoặc chất kết dính hình thành trong khoang tử cung, làm biến dạng và thu hẹp khoang tử cung. Sự có mặt của các mô và chất kết dính này có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, gây ra kinh nguyệt bất thường, thiếu kinh nguyệt. Hội chứng Asherman không thuận lợi cho việc thụ thai và sinh đẻ về sau.
Asherman có thể được chẩn đoán và phát hiện nhờ nội soi tử cung. Để loại bỏ các mô sẹo hoặc phần kết dính có thể cần can thiệp phẫu thuật.
Thai lưu nhiều lần
Các con số thống kê đã cho thấy có khoảng 1% phụ nữ gặp phải tình trạng thai chết lưu nhiều hơn 1 lần (thai lưu nhiều lần hay lưu thai liên tiếp).
Trong trường hợp đã trải qua tình trạng này 2 hay 3 lần, chị em nên xin tư vấn của bác sĩ để được chỉ định các xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân (hội chứng Asherman, bất thường ở tử cung hoặc nội tiết tố, hội chứng rối loạn miễn dịch antiphospholipid (APS) hoặc 1 số vấn đề di truyền…).
Có 1 thực tế đáng buồn là ít nhất 50% số ca thai lưu liên tiếp không tìm được nguyên nhân.
Trầm cảm sau lưu thai có nguy hiểm không?
Khi các triệu chứng dưới đây tồn tại trong 1 thời gian dài sau khi lưu thai, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý chị em thì hãy nghĩ ngay đến trầm cảm:
- Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Luôn luôn cảm thấy mệt mỏi
- Tăng hoặc sụt cân bất thường
- Không có hứng thú với các hoạt động hoặc sở thích bình thường
- Có suy nghĩ về tự tử hoặc cái chết
- Gặp vấn đề về tập trung hay khó ra quyết định.
Đau buồn là điều dễ hiểu sau sự cố mất con, thời gian mẹ phục hồi tâm lý sau sự cố này là khác nhau. Tuy nhiên nếu cảm thấy bản thân có các triệu chứng trầm cảm thì mẹ nên gặp ngay bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời nếu như bản thân nảy sinh ý định tự tử, suy nghĩ về cái chết, hãy nói ngay cho người thân và gia đình biết.
Rối loạn lo âu
1 số nghiên cứu cho thấy rối loạn lo âu và căng thẳng sau sự kiện thai chết lưu phổ biến hơn trầm cảm và nếu không giải quyết thì sẽ thành mãn tính. Thậm chí 1 số chị em còn bắt đầu có các dấu hiệu rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau khi mất con. Rối loạn lo âu là rối loạn sức khỏe phổ biến ở phụ nữ với khoảng 40% phụ nữ từng trải qua giai đoạn này trong suốt cuộc đời.
Cảm giác lo lắng là trạng thái tâm lý thường gặp ở nhiều phụ nữ, nhất là những người có sẵn bệnh lý tiềm ẩn như PTSD. Hãy nói chuyện với chuyên gia tâm lý về tình trạng của mình. Lúc này chị em sẽ được hỏi nhanh 1 bảng khảo sát để đánh giá mức độ lo âu cũng như đưa ra biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Việc nói chuyện với bác sĩ tâm lý cũng như học cách đối phó với cảm giác lo âu sẽ giúp chị em dần dần lấy lại trạng thái cân bằng sau sự cố mất con.
Theo verywellfamily
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!