Làm sao loại bỏ tật nói bậy cho trẻ? Khi bạn nghe con bạn nói bậy, có lẽ các bố mẹ sẽ rất tức giận, và nếu ở giữa cuộc vui chơi với bạn bè thì lại càng xấu hổ. Vì bố mẹ nghĩ cả nhà không ai nói bậy, thế con mình học ở đâu, từ ai?
Vì sao trẻ nói bậy?
Theo chuyên trang về mẹ và bé của Canada, Today’s Parent, ở tuổi tập nói hay hoàn thiện ngôn ngữ, trẻ “lượm” từ vựng mọi lúc, mọi nơi như từ gia đình, trường học và cả những người mà trẻ gặp bên ngoài.
Theo chuyên gia tâm lý Timothy Jay thuộc Đại học Massachusetts College of Liberal Arts, chửi thề đơn giản là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ.
Theo một nghiên cứu của ông Jay được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý Mỹ, trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 sẽ học được khoảng 30 đến 40 từ “chửi thề”. Trẻ dùng những từ này khi đang tức giận, khi nghe thấy người khác nói trong hoàn cảnh tương tự.
Hoặc trẻ có thể nghĩ rằng những từ đó khá thú vị và muốn thu hút sự chú ý hay đôi khi trẻ thấy tò mò về từ đó.
Không phân biệt bé trai hay be gái hay độ tuổi, khi lần đầu tiên bé nói bậy, gần như bé không ý thức và hiểu được toàn bộ ý nghĩa của những từ ngữ mang tính tổn thương, chửi rủa hay nói những từ bậy đó.
Vậy nên khi phát hiện con nói bậy, các bậc phụ huynh đừng vội nóng giận mà phạt con để tỏ rõ uy nghiêm việc nói bậy không được chấp nhận! Hãy cùng con đi qua quá trình này, và uốn nắn con để con hình thành ý thức và bỏ được việc nói bậy.
Loại bỏ tật nói bậy cho trẻ
Làm sao để loại bỏ tật nói bậy cho trẻ?
Bố mẹ nên nhớ rằng, rèn con việc gì cũng cần có thời gian và kiên trì theo năm tháng. Bố mẹ không chỉ nói đơn giản “Con không được nói bậy” … và hãy cùng tham khảo các bước dưới đây trong việc loại bỏ tật nói bậy cho trẻ!
1. Làm rõ ý nghĩa của từ
Khi đứa trẻ sử dụng một từ thô tục lần đầu tiên, bố mẹ nên giải thích rõ ý nghĩa của từ này, tại sao nó lại là một từ cấm và người nghe sẽ cảm giác như thế nào khi nghe thấy từ đó. Bằng cách giảng dạy như thế này, trẻ sẽ hiểu được rằng mình đang làm tổn thương và gây khó chịu cho người nghe.
2. Bố mẹ không nói bậy trước mặt trẻ
Trẻ em rất dễ bắt chước những từ mà bố mẹ và những người xung quanh đang sử dụng. Nếu nghe được thì bố mẹ hãy nhanh chóng xin lỗi con và nhẹ nhàng nói với trẻ rằng chúng không nên nói những từ đó với người khác.
3. Chỉ giảng cho trẻ hiểu khi nghe người khác nói bậy
Là bố mẹ ai cũng mong muốn con mình không bị ảnh bởi những lời nói xung quanh, chúng ta không thể cấm người khác nói được.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng chúng không được phép nói với người lớn như vậy. Thường xuyên kiểm tra và để ý những lời trẻ sử dụng ở trường học, hàng xóm…
4. Dạy trẻ từ nào không nên nói
Hãy làm rõ lý do để trẻ hiểu rằng những từ đó là thô tục, bạo lực và khi chúng sử dụng những từ ấy sẽ khiến người nghe bị tổn thương và sẽ rất buồn.
5. Sử dụng nhắc nhở và phạt khi trẻ tái phạm
Loại bỏ tật nói bậy cho trẻ
La mắng khác với quở trách, hãy sử dụng những từ ngữ làm sao để trẻ hiểu được vấn đề mà chúng nói từ ngữ xấu là rất nghiêm trọng.
Bố mẹ hãy nghiêm túc và có thái độ cứng rắn, không thỏa hiệp với cái xấu dù bất kỳ lý do gì! Trẻ phải thấy rõ thái độ kiên quyết của bố mẹ.
Hình phạt chỉ nên sử dụng khi có sự thỏa thuận giữa con và bố mẹ, mà con vẫn phạm phải. Điều đó có nghia con biết tại sao con bị phạt.
6. Nói lời “ái ngữ” với trẻ
Ngoài những từ “Chào”,”Dạ”, “Vâng”, “Cám ơn”, “Xin lỗi”… các bố mẹ dạy con mình nói, thì bố mẹ cũng thường xuyên dùng “ái ngữ” – Lời nói chân thật ngọt ngào tình thương, những từ yêu thương, thân thiện và lành mạnh với con, để con phát triển từ điển ngôn ngữ “ái ngữ” của bản thân mình.
Như vậy dần dần, bố mẹ sẽ loại bỏ tật nói bậy cho trẻ. Chúc bạn thành công!
Đọc thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!