Các bà các mẹ vẫn thường hay bảo: “Một lần sảy bằng bảy lần sinh”. Câu nói truyền miệng trong dân gian cũng đã phần nào thể hiện tầm quan trọng của chế độ kiêng cữ sau thai lưu, sảy thai.
Thai lưu – nỗi sợ hãi của mỗi mẹ bầu
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai lưu
Trong khoa học, thai lưu là một biến chứng sản khoa. Đây là tình trạng thai 20 tuần tuổi bị chết và lưu lại trong bụng mẹ. Chỉ đến khi sắp sửa vượt cạn, hoặc thậm chí trong lúc vượt cạn, mẹ mới có thể tự phát hiện ra. Thông thường, cứ 160 sản phụ sẽ có 1 người bị thai lưu.
Dưới góc nhìn cuộc sống, thai lưu là cú sốc tinh thần to lớn với người phụ nữ. Mẹ sẽ luôn có cảm giác ám ảnh rằng mình đã để thai chết lưu. Nhưng thật ra, thai chết lưu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Mẹ sẽ có nguy cơ bị thai lưu cao nếu có những vấn đề sau:
- Sốt rét, giang mai, viêm gan, quai bị, cúm,…
- Viêm thận, suy gan, thiếu máu, huyết áp ca, … và những bệnh mãn tính khác
- Tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận… và những bệnh nội tiết khác
- Nhiễm độc thai do tiếp xúc với môi trường độc hại có thuốc trừ sâu, carbon monoxide,..
- Mẹ mang thai trên 40 tuổi
- Tử cung dị dạng hoặc kém phát triển
- Chế độ dinh dưỡng kém, không nghỉ ngơi đầy đủ
Bên cạnh đó, thai lưu có thể xuất phát từ tình trạng thai bất ổn. Ví dụ như rối loạn nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu hai mẹ con, thai dị dạng, già tháng, đa thai, dây rốn bị chèn ép, ….
Mẹ có thể nhận biết thai lưu từ biểu hiện nào?
Khi thai vừa chết lưu, mẹ sẽ thấy ra máu sẫm màu ở âm đạo. Các dấu hiệu kèm theo là giảm ốm nghén, kích thước bụng không to lên. Nếu đi siêu âm, mẹ sẽ thấy tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai và tim thai ngừng hoạt động.
Sau khi thai lưu một thời gian, mẹ mới có thể tự cảm nhận được nhờ các dấu hiệu rõ ràng. Máu đen ở âm đạo, đột ngột tiết sữa non, không còn hiện tượng thai máy.
Thai lưu là hiện tượng không mong muốn của bất kỳ ai. Hậu quả để lại trên cơ thể mẹ không khác gì sảy thai. Bóng ma tâm lý ám ảnh tinh thần mẹ suốt một thời gian dài. Vì thế, chăm sóc người sau thai lưu không hề đơn giản!
Chế độ kiêng cữ sau thai lưu cho mẹ mau hồi phục
Kiêng cữ trong chế độ dinh dưỡng
Suốt hơn 9 tháng mang thai, cơ thể mẹ đã chịu quá nhiều tổn thất. Mẹ phải mất lượng lớn máu để hình thành và nuôi dưỡng một mầm sống khác bên trong cơ thể mình. Kích thích thai chèn ép tạo nên nhiều áp lực đến các cơ quan và mạch máu của mẹ.
Để cơ thể sớm hồi phục, mẹ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, bao gồm:
- 4 nhóm dinh dưỡng chính: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp mẹ tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, mẹ cần hấp thụ cho cơ thể khoảng 400 mcg axit folic để quá trình mang thai lần tiếp theo an toàn hơn. Bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, … là những thực phẩm giàu axit folic
- Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa, uống đủ nước mỗi ngày
Để tránh gây tổn thương sâu bên trong tử cung, mẹ cũng nên kiêng:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, chứa gia vị cay nóng
- Thức uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, …
- Món ăn có tính hàn (lạnh), dễ gây dị ứng hoặc có mùi tanh như cua, ốc, mực, sò, cá, hến, …
Kiêng cữ trong tắm gội
Mẹ cũng nên kiêng tắm nước lạnh để cơ thể không bị nhiễm lạnh, làm suy giảm sức đề kháng. Không nên tắm ngay, mẹ có thể dùng khăn thấm nước ấm lau người. Sau 1-2 ngày, mẹ có thể tắm nhưng không nên tắm quá lâu vì cơ thể còn yếu.
Tử cung bị tổn thương dễ khiến vi khuẩn xâm nhập ngược lên trên theo âm đạo dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa. Do đó, mẹ đừng nên tắm bồn nhé.
Tuyệt đối không sử dụng chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Chất tẩy rửa mạnh sẽ khiến mất cân bằng và tổn thương vùng kín nghiêm trọng.
Tránh xúc động mạnh
Thai lưu khiến mẹ có cảm giác buồn chán, tội lỗi vô cùng. Thậm chí, có nhiều mẹ bị ám ảnh tâm lý, sợ chỗ đông người và có ý định tự tử để “gặp con”. Mẹ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Liệu pháp chữa lành vết thương tâm hồn lớn nhất lúc này là sự chia sẻ, tâm sự để mẹ nguôi ngoai. Các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng, nên thường xuyên trò chuyện để mẹ quên đi nỗi buồn này.
Nên tránh để mẹ vô tình nhìn thấy những hình ảnh, vật dụng liên quan đến quá trình mang thai hoặc chuẩn bị cho bé chào đời.
Không vận động mạnh
Vận động tay chân cũng có thể xoa dịu nỗi đau. Người thân, bạn bè có thể rủ mẹ đi dạo, tập yoga, nghe nhạc, du lịch, … để thoải mái tinh thần. Ưu tiên những hoạt động nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông.
Tuyệt đối không vận động mạnh như leo núi, xách nước, giặt quần áo bằng tay, … Lúc này, cơ bụng của mẹ vẫn chưa co lại bình thường.
Dự định mang thai kế tiếp
Tử cung bị tổn thương nặng nên việc quan hệ tình dục cần kiêng cử tối đa trong thời gian đầu sau thai lưu. Thời điểm trung bình để mẹ có thể mang thai lại là tối thiểu 6 tháng. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án tốt nhất. Tùy vào mức hồi phục của sức khỏe, tinh thần và cơ địa riêng, mỗi người sẽ có thời điểm mang thai lại khác nhau.
Người thân và bạn bè nên lưu ý chế độ kiêng cữ sau thai lưu để giúp mẹ sớm lấy lại cân bằng sau biến cố này nhé. Chúc mẹ sớm hồi phục để sẵn sàng một hành trình mới, an toàn và khỏe mạnh hơn!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!