Theo thống kê, có hơn 15% phụ nữ huyết áp cao khi mang thai tháng cuối. Trong đó, 25% thai phụ có biến chứng sinh non khi huyết áp cao. Ấy vậy mà rất nhiều bà bầu chưa hiểu rõ về bệnh lý này. Theo đó, họ không có cách xử lý kịp thời khi huyết áp cao trong thai kỳ và gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc.
Các mẹ hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý huyết áp cao khi mang thai tháng cuối. Đừng vì thiếu hiểu biết mà có thể gây hại đến tính mạng của cả bản thân và thai nhi.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Những điều mẹ cần biết về tăng huyết áp thai kỳ
Bệnh tăng huyết áp thai kỳ thường xuất hiện từ tuần thứ 20 mà trước đó huyết áp của mẹ bình thường. Tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra cho đến hết 3 tháng sau sinh.
Những người mẹ lần đầu mang thai thì có nguy cơ cao mắc tình trạng bệnh lý này. Cũng phổ biến với phụ nữ mang song thai, mắc bệnh tiểu đường hay lớn hơn 35 tuổi. Mẹ bầu sẽ được chẩn đoán là tăng huyết áp thai kỳ khi huyết áp cao hơn 140/90mmHg.
Bệnh huyết áp cao thai kỳ được xảy ra từ tuần thứ 20
Mẹ cao huyết áp có ảnh hưởng đến thai nhi không? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Tăng huyết áp là bệnh có thể gặp trong thai kỳ và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm lên sức khỏe mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị kịp thời. Bệnh sẽ làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai, làm giảm khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai khiến thai chậm tăng trưởng, bé chậm phát triển khi chào đời hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến thai lưu.
Tăng huyết áp thai kì cũng có thể là nguyên nhân của nhau bong non, trẻ sinh non, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch cho mẹ sau sinh cũng như gặp tình trạng tăng huyết áp cho các lần mang thai sau. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể dẫn đến biến chứng tiền sản giật, hội chứng HELLP gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.
Chú ý, phụ nữ tăng huyết áp thai kỳ thường được chẩn đoán là tiền sản giật, sản giật với lượng protein niệu tăng đáng kể. Sản giật dùng để mô tả người phụ nữ mang thai bị co giật. Một biến chứng từ tiền sản giật và xảy ra với với tỷ lệ 1/1.600 thường ở cuối thai kỳ.
Dấu hiệu nhận biết huyết áp cao khi mang thai tháng cuối
Mẹ có thể nhận biết được bệnh huyết áp cao khi mang thai tháng cuối thông qua một số biểu hiện dưới đây:
- Biểu hiện sớm nhất có thể nhận biết là phù toàn thân và ấn thì lõm. Thông thường, phù sinh lý do thai chèn ép thì nằm nghỉ sẽ hết. Nhưng khi mắc bệnh lý này thì người bệnh có nằm nghỉ ngơi cũng không giảm.
- Trong nước tiểu không có hoặc có protein niệu.
- Đột ngột tăng cân mà không rõ lý do.
- Tầm nhìn yếu đi rõ rệt và nhìn thấy bị nhòe.
- Hoa mắt, buồn nôn và chóng mặt.
- Đau xung quanh vùng thượng vị hay đau bụng bên phải.
- Chức năng thận hay gan gặp vấn đề.
- Mẹ bầu đi tiểu ít.
Dấu hiệu nhận biết huyết cao thai kỳ là đau vùng bụng, phù chân tay…
Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu tăng huyết áp khi mang thai?
Các chuyên gia, chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nào gây nên bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ. Các mẹ chỉ có thể biết được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao khi mang thai gồm:
- Những phụ nữ mang thai bị cao huyết áp mãn tính.
- Không chịu vận động thể lực.
- Ăn quá nhiều muối.
- Tăng cholesterol và béo phì.
- Tâm lý căng thẳng, stress.
- Sản phụ trên 35 tuổi.
- Mẹ bầu mang song thai, tam thai.
- Chế độ dinh dưỡng cho thai kỳ nghèo nàn và chứng thiếu máu.
- Những mẹ bầu có quá nhiều nước ối.
- Một số bệnh lý có thể làm tăng huyết áp của phụ nữ mang thai như bệnh liên quan đến thận, tuyến giáp, bệnh tim mạch, tiểu đường.
Mẹ bầu mang song thai hay tam thai thường mắc bệnh huyết áp cao thai kỳ
Huyết áp cao khi mang thai tháng cuối gây nên biến chứng nguy hiểm đến cả tính mạng của hai mẹ con
Huyết áp cao khi mang thai tháng cuối có thể gây nên một số biến chứng vô cùng nguy hiểm như bong nhau thai, thai nhi phát triển kém hay thai chết lưu.
Đặc biệt, huyết áp cao trong tháng cuối thai kỳ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên chứng tiền sản giật, sản giật và thậm chí đe dọa tới tính mạng của cả hai mẹ con. Chính những rủi ro tiềm ẩn trên mà thường huyết áp cao khi mang thai tháng cuối cần phải được chấn đoán và điều trị kịp thời.
Huyết áp cao trong thai kỳ gây nên rất nhiều biến chứng gây nguy hiểm cho hai mẹ con
Cao huyết áp tháng cuối có sinh thường được không? Nên lưu ý những gì khi gần sinh? Theo bác sĩ Nam, thai phụ bị tăng huyết áp vẫn có thể sinh thường tùy vào chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp, thai phụ sẽ được đề nghị sinh sớm hơn dự sinh để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Khi gần ngày sinh, mẹ bầu cần bình tĩnh, tiếp tục chế độ ăn uống phù hợp và vận động lành mạnh, theo dõi các dấu hiệu của thai nhi và đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Huyết áp cao khi nào cần phải gặp bác sĩ?
Nếu trong thai kỳ, mẹ bầu nhận thấy những thay đổi dưới đây thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời:
- Thai ít cử động hoặc cử động không như bình thường.
- Cơn co thắt tử cung xuất hiện và làm bụng mẹ bầu đau và cứng.
- Chảy máu từ âm đạo.
- Đau bụng.
- Một số triệu chứng tiền sản giật như đau bụng trên, thị lực kém đi, đau đầu…
Bệnh lý huyết áp cao khi mang thai tháng cuối rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, mẹ cần theo dõi và khi có các dấu hiệu nghi ngờ thì cần đi khám ngay để được chấn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!