Tăng huyết áp thai kỳ là nguyên nhân chính gây ra chứng tiền sản giật cũng như nhiều vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa và điều trị tốt hơn.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Tăng huyết áp khi mang thai là một tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi chỉ số huyết áp của mẹ bầu trên 140/90mmHg và xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Phân loại thành mức độ nhẹ (140-159/90-109 mmHg) hoặc nặng (≥ 160/110 mmHg) khác với phân độ theo hướng dẫn tăng huyết áp của ESC/ESH.
Có 4 nhóm bệnh liên quan đến tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ bao gồm:
- Tăng huyết áp thai kỳ: chỉ có tăng huyết áp đơn thuần, xảy ra sau tuần thai thứ 20.
- Tiền sản giật: cũng xảy ra sau tuần 20, gồm có tăng huyết áp, phù và có đạm trong nước tiểu.
- Tăng huyết áp mãn tính: có cao huyết áp trước khi mang thai.
- Tăng huyết áp mãn tính ghép thêm tiền sản giật.
Dấu hiệu tăng huyết áp
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, tùy theo cơ địa của mỗi mẹ bầu mà bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên cũng có những trường hợp mẹ không có bất cứ dấu hiệu nào. Thông thường, các dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ xảy ra vào nửa sau thai kỳ, gồm:
– Sưng phù chân, tay
– Tăng cân đột ngột
– Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua,…)
– Buồn nôn, nôn mửa
– Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
Nguy cơ khi mẹ bị tăng huyết áp đối với cả mẹ và con là gì?
Nếu không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp khi mang thai thì có thể dẫn đến các tai biến cho mẹ, giống như tình trạng tai biến mạch máu của người bệnh cao huyết áp (là do mạch máu bị vỡ dưới áp lực quá cao).
Có đến 1/4 phụ nữ tăng huyết áp thai kỳ tiếp tục tiến triển thành tiền sản giật. Nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi nếu mẹ bị tăng huyết áp trước tuần thứ 30. Mẹ bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có khả năng bị lại ở những lần sau. Theo đó, mẹ cũng có thể phải đối mặt với chứng tăng huyết áp và đột quỵ sau này.
Với con, do tình trạng máu nuôi kém, có thể có thai nhẹ ký hay suy dinh dưỡng. Nguy hiểm nhất là tình trạng sanh non hay buộc lòng phải cho con ra đời sớm để giảm bệnh lý cho mẹ. Bên cạnh đó, em bé còn nguy cơ gặp phải một số biến chứng như: chậm phát triển, đứt nhau thai, thai chết lưu…
Ðiều trị và phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ bằng cách nào?
Ðiều trị tăng huyết áp trong thai kỳ chủ yếu là thuốc hạ áp khi huyết áp trên ngưỡng. Nhưng trước đó sản phụ cần được theo dõi sát các diễn tiến của huyết áp.
Nếu mẹ bị tăng huyết áp nhẹ
Mẹ bầu có thể ở nhà (điều trị ngoại trú) với sự theo dõi chặt chẽ của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể được yêu cầu theo dõi các chuyển động của bé bằng cách đếm số lần thai nhi cử động hàng ngày và đo huyết áp tại nhà.
Mẹ bầu cần được thăm khám sức khỏe ít nhất là hàng tuần và đôi khi là hai lần mỗi tuần. Khi đạt đến 37 tuần thai, bạn có thể được gợi ý sinh con.
Điều trị tiền sản giật với dấu hiệu nặng như thế nào?
Tiền sản giật với các dấu hiệu nặng thường được điều trị tại bệnh viện. Nếu bạn có thai ít nhất 34 tuần, bạn nên sinh con ngay khi tình trạng ổn định. Nếu bạn mang thai dưới 34 tuần và trong tình trạng ổn định, thì nên chờ một thời gian nữa rồi sinh.
Corticosteroids có thể được cung cấp để hỗ trợ sự trưởng thành phổi của thai nhi. Bác sĩ có thể sẽ cho dùng thuốc để hạ huyết áp và ngăn ngừa cơn co giật.
Bác sĩ Nam cho biết việc điều trị tăng huyết áp thai kỳ cần được tiến hành ngay khi phát hiện và theo dõi sát bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Tùy theo mức độ bệnh, sức khỏe của mẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp, ưu tiên sử dụng các loại thuốc không gây dị tật cho thai nhi như methyldopa, labetalol,… Thông thường, mẹ bị tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở mức độ nhẹ được khuyến cáo chấm dứt thai kỳ ở tuần 37.
Cách phòng ngừa như thế nào?
- Phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm và thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp trước khi mang thai. Tránh mang thai khi còn quá trẻ hay đã quá lớn tuổi, điều trị ổn định các bệnh nội khoa trước khi mang thai.
- Nếu bạn thừa cân, nên giảm cân trước khi mang thai. Nếu bạn có một vấn đề sức khỏe như tiểu đường, nên kiểm soát tốt tình trạng của mình trước khi mang thai.
- Khi mang thai mẹ bầu hãy vận động nhẹ nhàng, giữ sức khoẻ tốt.
Như vậy, tăng huyết áp thai kỳ báo động một thai kỳ với nguy cơ. Việc quan trọng mẹ bầu cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu có dấu hiệu bất thường mẹ bầu cần đến khám bác sĩ để được điều trị ngay.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!