Tôi bỗng giật mình nhìn lại những đứa trẻ và tự hỏi rằng, có bao giờ chúng nghĩ về sức khỏe của mình không? Học để sống không phải để chết!
Khi điểm số/thành tích quan trọng hơn sức khoẻ
Trong guồng máy cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc vào được trường tốt, có một tấm bằng ưu có khi còn chưa đủ để con bạn có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Chính vì vậy, việc học, được thành tích cao, vào trường điểm,… trở thành một trào lưu mà nhà nhà ai cũng theo đuổi. Điều này cũng có nghĩa là những đứa trẻ từ thuở mẫu giáo, lớp Một, cũng bị kéo vào guồng quay của bộ máy khốc liệt này.
Chẳng lạ nữa khi ta nhìn thấy những bữa ăn sáng vội ở trên xe máy, những buổi chiều cả con và mẹ cùng “ngạt thở” trong mê cung kẹt xe, những buổi thâu đêm suốt sáng, những cuộc chạy marathon từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác, những ngày thiếu vắng hoạt động thể thao. Đó là chưa kể đến sức khoẻ tâm lý, cảm xúc – những khía cạnh vô cùng cần thiết để con lớn lên hoàn thiện, mạnh khoẻ và có thể làm việc cống hiến cho xã hội.
Và những bằng chứng “sống”, những con số đáng lo ngại
Học để sống không phải để chết
Thế nhưng, đây chính là yếu tố góp phần đẩy những mầm non khoẻ mạnh vào lối sống khiến các bé trở thành những “cây hoa héo”. Dưới đây là những con số đáng báo động về tình trạng xuống cấp sức khoẻ thể chất và tâm lý của các em khi bị bắt ép học quá nhiều.
Về mặt thể chất, theo đánh giá của tạp chí Y Khoa The Lancet (Anh), trong tổng dân số Việt Nam, từ người lớn đế trẻ em, chỉ có khoảng 15,3% người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Trong khi đó, theo ông Erwin Nacuray, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ Chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam cũng cho biết, hơn 50% học sinh Việt Nam không được cung cấp đầy đủ các vitamin thiết yếu cho tăng trưởng và phát triển trí não như A, B1, C, D.
Về mặt tâm lý, có khoảng 70% trẻ vị thành niên, 40% học sinh tiểu học mắc các dấu hiệu của chứng loạn thần kinh chức năng và có các biểu hiện như rối loạn lo âu, trầm cảm, … Theo Thông Tin từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam, có gần 16% học sinh, sinh viên mắc bệnh trầm cảm. Bệnh viện Tâm thần TPHCM vào năm 2011 còn ghi nhận 25000 lượt trẻ từ 3-15 tuổi đến khám vào điều trị.
Học để sống, hay để chết?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu sống chết vì điểm số, vì thành tích có đáng hay không?
Có lẽ là không
Ngay từ tấm bé, bản thân mẹ tôi lúc nào cũng lặp đi lặp lại “Học để sống, không phải để chết!”. Có lẽ vậy, mục đích học của bất kì ai là để có thể sử dụng những kiến thức ấy, cùng với bàn tay, trí tuệ và thể chất của mình để làm việc, tạo ra lợi nhuận và cống hiến cho xã hội. Liệu điều này có khả thi, khi mà sau khi tốt nghiệp 12 năm đèn sách (và thêm 4 năm đại học), tất cả chúng ta có là những “xác sống” lờ đờ, yếu đuối – một thế hệ kiệt quệ thể chất để xây dựng nền kinh tế trong thời buổi công nghiệp vùn vụt?
Liệu có đáng không khi ta ép con vào một guồng quay không lối thoát, chỉ để có một kết cục như Tiến sĩ 32 tuổi người Trung Quốc kia? Có lợi ích gì khi chúng ta giỏi xuất sắc, nhưng chỉ có vài năm tháng ngắn ngủi đóng góp cho cuộc đời? Sức khoẻ là vàng, và cũng là thứ tối ưu bạn phải bảo vệ cho con để con phát triển và học tập ở mức độ tốt nhất.
Làm gì để cân bằng lịch trình học tập cho con?
Học để sống không phải để chết
Nếu bạn muốn cân bằng sức khoẻ và việc học của con, hãy cân nhắc ba điều dưới đây để giúp con khoẻ mạnh hơn, tỉnh táo hơn, phát triển tốt hơn và từ đó học tập, làm việc tốt hơn.
1) Chế độ ăn uống phù hợp
Hãy cố gắng bảo đảm một chế độ ăn uống đều đặn. Cho dù bận đến đâu, hãy tập cách ăn đúng giờ để tránh các loại bệnh về bao tử. Hãy chia nhỏ các bữa ăn của con ra – nếu bé phải ở trường từ sáng đến chiều, hãy cho trái cây vào hộp nhỏ để con ăn bữa snack buổi sáng, và cho con một hộp sữa, hoặc một hộp bánh dinh dưỡng nhỏ.
Hạn chế cái loại đồ ngọt và đồ chiên xào, đồ hộp hoặc đồ ăn nhiều mỡ – đây là những thức ăn vừa không tốt cho sức khoẻ, vừa gây buồn ngủ và làm chậm quá trình tiếp thu của con. Hảy bổ sung thêm các loại hạt bổ não như hạnh nhân, quả óc chó,…
2) Tập thể dục
Hãy cho bé tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, và nếu được hãy bớt giờ học thêm cuối tuần để cho con tham gia một hoạt động thể thao nào đó: bóng rổ, bơi lội, v..v
Hãy tạo một thói quen tập thể dục – xây dựng một lối sống yêu thích vận động trong gia đình và cùng con tập thể dục. Gia đình có thể cùng nhau tập thể dục buổi sáng – bạn không cần phải đi đâu xa, chỉ cần mua mấy tấm thảm và cả nhà cùng nhau nằm bò ra và tập những bài tập có thể tìm trên mạng. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Karen Postal, thể dục thể thao không chỉ tăng sức đề kháng, mà còn giúp bé tỉnh táo hơn, tập trung tốt hơn và vì thế học hành tốt hơn. Ngoài ra, hoóc môn endophine được tiết ra khi tập thể dục sẽ giúp con vui vẻ hơn và tránh các chứng trầm cảm, lo âu.
3) Chăm sóc sức khoẻ tâm lý của con
Sức khoẻ tâm lý của con cũng quan trọng như sức khoẻ thể chất vậy. Hãy để ý đến những biểu hiện tâm lý của con. Thay vì cấm đoán, gây áp lực để con được điểm cao, hãy ngồi xuống và cùng con giải quyết các vấn đề trong học tập, trong tâm sinh lý tình cảm.
Ngoài ra, hãy tìm hiểu và tham khảo tư vấn về các chứng rối loạn tâm lý để có thể bảo vệ con tốt hơn. Hãy cẩn thận chú ý tới những biểu hiện như lầm lỳ, ít nói, bỗng dưng sụt cân, mất ngủ, ăn mất ngon để kịp thời phát hiện bệnh trầm cảm. Nếu bé bị chẩn đoán rối loạn tâm lý, lo âu, hãy ngồi xuống nói chuyện và kiên nhẫn để con mở lòng, đồng thời đến ngay các nhà trị liệu chuyên nghiệp để được tư vấn kĩ hơn. Tuyệt đối không trách mắng, lo lắng quá độ hay làm bé áp lực thêm trong giai đoạn này.
4) Hãy luôn là người bạn tâm giao
Đừng trở thành “mẹ hổ” hay “cha hổ”. Hãy là người bạn của con. Việc học hành thi cử áp lực có thể vô hình khiến con mệt mỏ, kiệt sức. Việc giáo điều, la mắng không chỉ khiến con nản chí, mà còn làm bé sợ chia sẻ những gánh nặng trên vai và những tâm tư trong đầu với cha mẹ. Hãy để bé có không gian để cởi mở nói chuyện với bạn – đừng phán xét, đừng dập đi ý kiến của bé. Dù là về sức khoẻ thể chất hay tâm lý, hãy khuyến khích con tâm sự với cha mẹ khi có bất kì dấu hiệu bất ổn nào về mặt sức khoẻ để kịp thời tầm soát và chữa trị.
Một anh hoạ sĩ không bao giờ làm hỏng cọ của mình, cùng như ca sĩ thì phải giữ giọng cho tốt. Đối với các bé của chúng ta cũng vậy – một người trí thức thì phải giữ bộ não và thân thể – đây là “công cụ” để trẻ học tập, làm việc và sinh sống. Hãy để con phát triển tư duy và học thức theo đúng khả năng của mình, thay vì chạy theo trào lưu và “ép chín” tư duy của con. Điểm số cũng quan trọng, nhưng sẽ không bao giờ quan trọng hơn sức khoẻ thể chất và tâm lý của con.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!