Tiếp nối bài viết “Giáo dục con từ bé để con thích nghi nhanh với cuộc sống bên ngoài (phần 1)“, phần 2 dưới đây giải thích thêm về cách giáo dục cho con từ 8 tháng đến 3 tuổi. Ở mỗi giai đoạn, ba mẹ cần hiểu nhận thức của con đến đâu và có cách rèn giũa phù hợp với cá tính của con.
Giáo dục con từ bé giúp con hiểu được giới hạn hành vi của mình. Càng giáo dục cho con sớm, bạn càng dễ giao tiếp và hiểu con hơn. Hãy cùng đọc tiếp bài dưới đây để tìm hiểu nhận thức của con ở mỗi giai đoạn thường phát triển thế nào nhé.
Giai đoạn con từ 8 đến 12 tháng – Phụ huynh cần chú ý đến cử chỉ và ngữ điệu giáo dục con
Khi bé bắt đầu bò, khoảng 8 tháng, đã đến lúc nghĩ về việc thiết lập giới hạn. Đột nhiên, tất cả mọi thứ – từ thứ đồ chơi ở mép bàn cho đến những cuộn giấy vệ sinh dưới bồn rửa trong phòng tắm – bạn đều muốn nói không với con bạn.
Một đứa trẻ ở giai đoạn này chỉ muốn khám phá (bé không có khái niệm nên hoặc không nên làm những gì). Vì vậy nếu bạn không muốn bé chạm vào thứ gì đó, hãy đặt nó ra khỏi tầm với của con, kèm với những món đồ bảo vệ trẻ em và để những món đồ thân thiện với trẻ em gần con hơn. Các chuyên gia cho biết đây là cách tốt nhất để giúp con bạn tránh khỏi rắc rối và làm cho việc tuân thủ các quy tắc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tất nhiên, nhiều người trong chúng ta chỉ nói không cho tới khi bắt gặp những đứa trẻ của mình bày trò nghịch ngợm. Thật không may, nó không phải là một phương pháp kỷ luật đáng tin cậy cho trẻ em ở độ tuổi này.
Con bạn có thể hiểu giọng điệu của bạn rằng “không” có nghĩa là một cái gì đó khác với “mẹ yêu con”, nhưng bé không hiểu ý nghĩa thực sự của từ này. Hơn nữa, bé không thực sự chú tâm vào yêu cầu của bố mẹ.
Giai đoạn 1-2 tuổi – Bố mẹ cần nói “Không” đúng lúc với con
Trong độ tuổi này, các kỹ năng giao tiếp của con bạn đang phát triển rất nhanh, vì vậy bạn có thể bắt đầu giải thích các quy tắc cơ bản cho bé. Ví dụ như không được kéo đuôi con mèo. Bạn cũng có thể bắt đầu nói “không” với bé một cách phù hợp trong các tình huống đặc biệt. Nói “không” quá nhiều với bé sẽ phản tác dụng và làm cho tiếng nói của bạn bớt trọng lượng đi.
Các kỹ năng thể chất của con bạn cũng đang dần hoàn thiện hơn. Em bé còn đang chập chững tập đi có thể sẽ vui mừng với thành quả của mình (tự đi được bằng hai chân) – và cũng thất vọng vì không thể làm tất cả những điều bé thích.
Hiểu cơn giận dữ của bé và phản ứng phù hợp
Bé đã bắt đầu biết giận dỗi. Mặc dù cơn giận dữ của bé đòi hỏi phản ứng nhanh từ bố mẹ, những “cơn bão” cảm xúc này là một phần của sự trưởng thành. Khi bé bắt đầu phản ứng như vậy, không nên áp dụng những cách kỷ luật quá khắc nghiệt, chẳng hạn như lấy đi của bé một đặc quyền nào đó hoặc nhốt bé vào phòng riêng.
Khi cơn giận dữ của trẻ ập đến, “bạn cần phải hiểu con bạn”, theo lời Claire Lerner, một chuyên gia phát triển trẻ em từ 0 đến 3 tuổi. Một số trẻ bình tĩnh nhanh chóng nếu hướng sự chú ý đến những thứ khác; một số trẻ khác cần được ôm.
Nhưng nếu cơn giận dữ kéo dài, hãy đưa con bạn ra khỏi tình huống và nhẹ nhàng giải thích những gì đang xảy ra (“Chúng ta không thể ở trong cửa hàng nếu bạn tiếp tục la hét”) cho đến khi bé bình tĩnh lại.
Đánh lạc hướng khi cần thiết
Thất vọng bắt nguồn từ việc trẻ không thể giao tiếp hiệu quả cũng có thể dẫn đến việc trẻ đánh hoặc cắn. Kỷ luật trong các tình huống như vậy bao gồm việc nói với con thật nhanh những điều không nên làm và chuyển hướng bé đến một hoạt động thích hợp.
Ví dụ: nếu con đánh bạn vì bạn đã làm gián đoạn cuộc chơi của bé để thay tã, hãy nói: “Chúng mình không đánh nhé, vì đau lắm” và đưa một món đồ chơi để bé có thể chơi trong khi bạn quấn tã cho bé.
Giai đoạn 2-3 tuổi của bé – Bố mẹ có thể ra những yêu cầu đơn giản và ngắn gọn với con
Con được 2 tuổi đồng nghĩa với các chương trình và những ngày vui chơi dành cho trẻ nhiều lên. Điều này rất tốt cho việc phát triển các kỹ năng xã hội của con bạn nhưng cũng bố mẹ cũng sẽ đau đầu với việc giáo dục con hơn.
Việc chia sẻ đồ chơi, thời gian và tập trung sự chú ý rất khó ở độ tuổi này. Thậm chí vấn đề còn phức tạp lên khi những đứa trẻ trong họ và cả ở ngoài gia đình của bạn có thể “vô tình” giật đồ chơi của con bạn.
Trẻ trong độ tuổi tập đi hiểu các mệnh lệnh đơn giản, sự đồng cảm, nguyên nhân và kết quả, vì vậy bây giờ bạn có thể sử dụng các khái niệm này khi bạn muốn kỷ luật con. Ví dụ, nếu con bạn giằng lấy bút chì màu từ đứa bạn cùng lớp, bạn có thể nói với con: “Chúng mình không lấy đồ của bạn như thế. Con làm vậy, bạn buồn đấy”, và sau đó cho bé một cây bút chì tương tự để chơi.
Giải thích ngắn gọn, súc tích cho con hiểu
Mấu chốt để rèn trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo là đơn giản hoá mọi thứ. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Susan G. O’Leary, Tiến sĩ, giáo sư tâm lý học tại Đại học New York tại Stony Brook, Mỹ, những bà mẹ mắng con quá dông dài thì mang lại ít hiệu quả hơn những người nói với con những câu ngắn và trực tiếp.
Chị Susan Simmons ở South Riding, Virginia, mẹ của bé Mia 2 tuổi rưỡi, cũng đồng tình với ý kiến này. “Khi Mia tròn 2 tuổi, tôi bắt đầu đưa ra lời giải thích dài dòng cho bé vì sao không được làm điều nọ điều kia, nhưng tôi nhận ra rằng bé không hiểu. Bây giờ khi bé đòi ăn kem trước khi ăn tối, tôi chỉ cần nói “Bây giờ thì con chưa được ăn đâu” và làm theo đúng như vậy.
Để con có thời gian tự kiểm điểm bản thân
Trẻ em từ 2 đến 3 tuổi cũng đã sẵn sàng để được áp dụng hình thức tự kiểm điểm bản thân. Cách làm như thế này: Khi con bạn cư xử không đúng mực, cứ cộng thêm một tuổi, bé lại có thêm một phút ngồi yên trên ghế hoặc trong phòng để bình tĩnh lại. Ví dụ: Một đứa trẻ 3 tuổi có 3 phút để làm vậy. Bé được đứng dậy khi bạn nói hết giờ.
Tất nhiên, mỗi đứa trẻ là khác nhau, và không một phương pháp giáo dục nào sẽ hoạt động hiệu quả mọi lúc cả. Nhưng bạn càng thực hành các phương pháp giáo dục con từ bé, bạn sẽ càng ít phải kỷ luật con hơn. Khi con bạn hiểu được rõ hơn giới hạn trong hành vi của mình, cả gia đình sẽ càng hạnh phúc hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!