Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò ở mỗi giai đoạn phát triển là khác nhau. Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi bị dị ứng đạm sữa bò, mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống (nếu con bú mẹ hoàn toàn) hoặc dùng sữa có công thức đặc biệt ( nếu con uống sữa công thức). Khi bé trên 6 tháng, gia đình nên bổ sung những chất dinh dưỡng khác trong khẩu phần ăn của con để thay thế đạm từ bò.
Hãy đọc bài viết của Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur và Founder tại H&H Nutrition để biết được:
- Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là gì?
- Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò dưới 6 tháng tuổi
- Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò trên 6 tháng tuổi
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng trẻ có phản ứng bất thường với chất đạm có trong sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa bò. Trên thế giới có khoảng 2-3 % trẻ em bị dị ứng đạm sữa bò. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 1% khi trẻ trên 6 tuổi. Dị ứng đạm sữa bò thường ảnh hưởng nhiều đến trẻ uống sữa bò hơn trẻ bú mẹ. Khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, bé sẽ tránh được tình trạng dị ứng đạm sữa bò. Để nhận biết con có bị tình trạng này hay không, mẹ có thể chú ý những biểu hiện khác thường của con thông qua đường tiêu hóa, hô hấp và trên da:
- Đường tiêu hóa: Tiêu chảy hoặc táo bón, thường xuyên nôn trớ, máu trong phân, thiếu máu
- Đường hô hấp: Sổ mũi, ho kéo dài, khò khè, phù nề đường thở gây khó thở
- Da: Viêm da cơ địa, sưng ở môi và mi mắt
Bạn có thể chưa biết:
Có hay không tình trạng em bé bị dị ứng sữa mẹ?
Dấu hiệu bé dị ứng sữa công thức và cách xử lý dành cho ba mẹ
Viêm da cơ địa là triệu chứng cho thấy con bị dị ứng đạm sữa bò
Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò là một vấn đề quan trọng. Trong những năm tháng đầu đời, con ít nhiều tiếp cận sữa, các chế phẩm từ sữa và các chất đạm khác trong bò. Dù gây dị ứng nhưng những thực phẩm này lại cung cấp nhiều dưỡng chất. Vì vậy, các bậc phụ huynh rất lo lắng nếu chúng không xuất hiện trong khẩu phần ăn của con.
Nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng đạm sữa, việc chuẩn đoán phải được thực hiện tại cơ sở y tế nhi khoa. Thêm vào đó, chế độ dinh dưỡng sau khi được chẩn đoán bệnh cũng rất khác so với trẻ em thông thường.
Trẻ dưới 6 tháng dị ứng đạm sữa bò
Đối với trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn
Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn vẫn có khả năng bị dị ứng đạm sữa bò. Khi xảy ra trường hợp này, chế độ ăn của mẹ buộc phải loại bỏ hoàn toàn sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa bò, thịt bò và các loại thực phẩm có liên quan đến đạm bò. Đồng thời, mẹ cần bổ sung lượng canxi cần thiết từ thực phẩm tươi cũng như các thực phẩm chức năng khác.
Đối với trẻ uống xen kẽ hoặc hoàn toàn sữa công thức
Có nhiều lý do khiến trẻ phải sử dụng sữa công thức thay sữa mẹ như mẹ không có sữa, mẹ đang mắc các bệnh truyền nhiễm,… Khi bé bị dị ứng đạm sữa bò, bạn cần chọn loại sữa có công thức không gây dị ứng cho trẻ.
Sữa công thức thủy phân tích cực (eHF) là một sự lựa chọn tối ưu cho trẻ dị ứng đạm sữa bò và được sử dụng trong thời gian từ 2-4 tuần. Sau đó, tùy vào tình hình của bé mà bác sĩ điều trị sẽ cho thử sữa công thức thủy phân một phần (pHF) hoặc tiếp tục sử dụng lại sữa eHF. Trường hợp con có phản ứng dị ứng nặng với sữa eHF hoặc mùi, vị đắng của eHF làm trẻ không uống được, bác sĩ sẽ chuyển sang loại sữa công thức amino acid (AAF) – sữa với loại đạm thủy phân hoàn toàn thành các phân tử đạm.
Sữa công thức thủy phân tích cực là sự lựa chọn tối ưu cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Bạn có thể chưa biết:
Biểu hiện dị ứng sữa ở trẻ do không dung nạp lactose là gì?
Bé dị ứng với sữa mẹ – Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này
Trẻ trên 6 tháng dị ứng đạm ứng đạm sữa bò
Trên 6 tháng là giai đoạn trẻ đã bắt đầu tập ăn dặm kèm với chế độ uống sữa hàng ngày. Bé bị dị ứng đạm sữa bò cũng có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tương tự như trẻ bình thường. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý đến đạm bò trong các loại thực phẩm và bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm từ chất đạm khác, đường bột, chất béo, rau củ đến các loại vitamin và khoáng chất.
Một số phụ huynh sử dụng các loại thực phẩm bổ sung như: bột ăn dặm, bánh ăn dặm,… cho các bé bị dị ứng đạm sữa bò. Trước khi dùng những sản phẩm trên, bạn cần đọc kỹ thành phần trên bao bì. Một số thành phần có khả năng gây dị ứng cho trẻ mà mẹ cần tránh như: protein, whey, casein, sữa bò, sữa bột, phô mai, bơ, váng sữa, sữa chua, kem,…
Các loại bánh thường có thành phần sữa bò hoặc kem
Ngoài ra, bạn cần hạn chế dùng thịt bò hoặc các thực phẩm có thành phần từ thịt bò. Khi trẻ bú mẹ thì chế độ ăn của mẹ cũng cần loại bỏ đạm bò và bổ sung đầy đủ canxi. Bên cạnh đó, mẹ cần tránh dùng thực phẩm sử dụng sữa bò trong quá trình chế biến như: các loại bánh, sô cô la, soup kem,… Nếu trẻ có uống sữa công thức kèm theo, bạn cần tiếp tục dùng sữa công thức đạm thủy phân tích cực (eHF) cho con. Đến khi trẻ trên một tuổi và được bác sĩ kiểm tra lại tình trạng dị ứng thì bạn mới đổi sang loại sữa khác.
Một số gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp thì có thể dùng sữa đậu nành thủy phân cho bé. Tuy nhiên, loại sữa này tốt nhất nên dùng cho trẻ trên 1 tuổi. Nếu không đủ khả năng mua sữa thủy phân cho trẻ trên 6 tháng, bạn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng khác bên cạnh chế độ ăn dặm của con như: canxi, vitamin D,… Ngoài đạm sữa bò, trẻ cũng có khả năng bị dị ứng các công thức đạm khác từ dê, cừu. Vì vậy, bạn cần lưu ý khi thêm các thực phẩm khác trong khẩu phần ăn của con.
Lời kết
Dị ứng đạm sữa bò có khả năng xảy ra ở trẻ bú mẹ hoàn toàn lẫn trẻ bú sữa công thức. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày, chế độ sữa thủy phân là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển đúng với độ tuổi của mình. Tình trạng dị ứng thường sẽ giảm đáng kể khi trẻ được 4 tuổi. Để hạn chế tình trạng dị ứng đạm sữa bò, nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tối ưu giúp bé hấp thu chất đạm tốt nhất từ mẹ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!