Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam đã nhận được thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Philippines – nơi đang diễn ra SEA Games lần thứ 30, ghi nhận dịch bệnh do virus bại liệt sau 19 năm loại trừ tại nước này. Hiện tại, dịch bại liệt đang tăng nhanh ở nơi đây.
Dịch bại liệt bùng phát ở nơi diễn ra SEA Games 30
Dịch bại liệt bùng phát tại Philippines trong thời điểm đang diễn ra SEA Games lần thứ 30 khiến nhiều người lo ngại nguy cơ các vận động viên đi vào vùng dịch có thể mắc bệnh và mang mầm bệnh về nước.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam đã nhận được thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Philippines – nơi đang diễn ra SEA Games lần thứ 30, ghi nhận dịch bệnh do virus bại liệt sau 19 năm loại trừ tại nước này.
Theo đó, từ tháng 9-2019 đến nay, Philippines đã ghi nhận 8 trường hợp bại liệt. Để ứng phó với dịch bệnh, từ tháng 10-2019, Philippines đã thực hiện chiến dịch sử dụng vắc-xin bại liệt quy mô lớn trên cả nước đối với tất cả trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời công bố dịch bệnh, cập nhật thông tin dịch bệnh thường xuyên và đưa ra những khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cho người dân và du khách…
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết WHO nhận định nguy cơ lây lan quốc tế của dịch bệnh bại liệt ở mức thấp nhưng có thể sẽ còn phát hiện thêm ca bệnh mới tại Philippines.
Dịch bại liệt có nguy cơ lây lan mạnh
Nói về nguy cơ lây bệnh bại liệt đối với vận động viên và cổ động viện Việt Nam khi thi đấu và cổ vũ tại SEA Games đang diễn ra ở Philippines, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết bệnh bại liệt là bệnh nhiễm virus cấp tính lây qua đường tiêu hóa nhưng các vận động viên và cổ động viên cũng không cần quá lo lắng. Bệnh bại liệt gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ là những đối tượng chưa uống vắc-xin hoặc uống chưa đủ liều), hiếm gây bệnh cho người lớn vì hầu hết người lớn đã có miễn dịch.
Các cầu thủ Việt Nam hiện vẫn đang tham gia thi đấu ở Sea Games 30
Do virus gây bệnh ở trẻ nhỏ là chủ yếu nên trong thời điểm dịch tại Philippines có nguy cơ bùng phát dịch bại liệt các gia đình không cho trẻ nhỏ đi vào vùng dịch. “Trường hợp nhiễm virus bại liệt, bệnh có biểu hiện điển hình là hội chứng liệt mềm cấp. Virus khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây tổn thương tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não”- GS Kính lưu ý.
Việt Nam đã được WHO công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả kiểm soát bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp liệt mềm cấp và duy trì được tỉ lệ uống vắc-xin OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động phòng bệnh
Trước diễn biến của dịch bệnh bại liệt thời gian qua trên thế giới và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh chủ động, trong đó:
- Cho trẻ dưới 5 tuổi bằng vắc-xin phòng bại liệt đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường.
- Phân của trẻ em phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo Người Lao Động
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!