Tiêm phòng bại liệt có sốt không? Cũng như những loại tiêm phòng khác, tiêm phòng bại liệt cũng gây ra những tác dụng không mong muốn như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt. Tiêm phòng bại liệt là giải pháp tốt nhất giúp con tránh khỏi virus Polio rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng không thể hồi phục. Tiêm phòng bại liệt tức là truyền chất kháng nguyên vào cơ thể, do đó, bất kỳ loại vacxin nào dù tốt đến đâu cũng sẽ có một số tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Tiêm phòng bại liệt cho trẻ rất quan trọng
- Tiêm ngừa bại liệt có sốt không?
- Các loại vacxin tiêm phòng bại liệt
- Những mũi tiêm phòng bại liệt cho trẻ
- Những lưu ý sau khi tiêm phòng vacxin
- Làm gì nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng bại liệt
Tiêm phòng bại liệt cho trẻ rất quan trọng
Bại liệt (Poliomyelitis) là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra bởi virus Polio. Virus bại liệt xâm nhập vào cơ thể người theo đường tiêu hóa, đi vào hệ thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Virus có khả năng lây truyền cao nên có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát thành dịch. Vì thế, tiêm phòng bại liệt cho trẻ từ khi còn nhỏ là việc quan trọng, giúp trẻ phòng tránh bệnh an toàn và tránh lây nhiễm.
Triệu chứng bệnh bại liệt sẽ biểu hiện ra ngoài khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh bại liệt được chia ra thành các thể như sau:
- Liệt mềm cấp điển hình (chiếm 1%) với các triệu chứng thường gặp nhất là: sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ tay chân, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt nặng nhất là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chân tay nếu không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.
- Viêm màng não vô khuẩn: hành sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.
- Thể nhẹ: bệnh nhân bị sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể khỏi hẳn trong vài ngày.
- Thể ẩn: Không rõ triệu chứng là thể thường gặp, song thể nhẹ và có thể biến chuyển sang nặng.
Bại liệt là mũi tiêm quan trọng với trẻ (Nguồn ảnh: Vinmec)
Dù chỉ có 1% người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng liệt điển hình, bệnh bại liệt có thể gây liệt tủy sống hoặc liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời.
Bạn có thể chưa biết:
Danh sách đầy đủ các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
Trẻ tiêm phòng mũi bại liệt có sốt không?
Cũng như những loại tiêm phòng khác, tiêm phòng bại liệt cũng gây ra những tác dụng không mong muốn như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt. Ba mẹ không nên quá lo lắng vì đây đều là những phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp nhận vacxin.
Trẻ tiêm vacxin bại liệt có bị sốt không? Có và tuỳ vào cơ địa của từng trẻ, có trẻ không sốt, có trẻ sốt sau vài ngày. Do đó ba mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.
Các loại vacxin tiêm phòng bại liệt
Hiện nay có 2 loại vacxin phòng bệnh bại liệt:
- Vacxin dạng uống (OPV): Được đặc chế từ virus bại liệt sống đã làm suy yếu để kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Nó sẽ giúp cho cơ thể phòng vệ khỏi virus xâm nhập.
- Vacxin dạng tiêm (IPV): Chứa virus bại liệt đã qua xử lý, kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Vacxin này có thể được kết hợp với một số vacxin khác. Hiện nay vacxin 6 trong 1 cho trẻ sơ sinh còn giúp phòng chống bại liệt. Tiêm IPV có sốt không?
Những mũi tiêm phòng bại liệt cho trẻ
Vacxin tiêm phòng bại liệt nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước. Loại vacxin này được tiêm 5 mũi từ khi trẻ 2 tháng tuổi cho đến khi trẻ được 4 – 6 tuổi. Có 2 loại vacxin ngừa bại liệt nhưng hiện nay vacxin IPV dạng tiêm được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng kết hợp với một số mũi tiêm khác. Chẳng hạn như từ mũi 1 đến mũi thứ 4 bé được tiêm phòng bại liệt cùng với vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Tiêm mũi 1: Khi bé được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: 3 tháng tuổi
- Tiêm mũi 3: 4 tháng tuổi
- Mũi 4: Khi bé từ 16 – 18 tháng tuổi
- Mũi 5: Khi bé được 4 – 6 tuổi.
Khi nào nên tạm hoãn tiêm bại liệt cho trẻ?
Theo BS Nguyễn Hải Hà – Khoa Ngoại trú Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, những trường hợp sau đây cần hoãn tiêm phòng bại liệt:
- Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh cấp tính
- Các trường hợp trẻ sốt cao hơn 37,5 độ C hoặc thân nhiệt dưới 35,5 độ C
- Trẻ mới truyền máu/chế phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp điều trị viêm gan B dùng globulin miễn dịch
- Trẻ đang được điều trị hoặc vừa kết thúc điều trị bằng corticoid liều cao
- Các trường hợp trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, tuần hoàn, suy tim/gan/thận…
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc mãn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi
- 1 số trường hợp khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vacxin
Sau khi tiêm phòng cần lưu ý gì? (Nguồn ảnh: Vinmec)
Những lưu ý sau khi tiêm phòng vacxin
Theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng
- Nhân viên y tế kiểm tra các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng.
- Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho người được tiêm phòng ra về.
Chăm sóc tại nhà
Sau tiêm phòng bại liệt cho bé, mẹ cần tiếp tục trẻ theo dõi tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm..
Chú ý quan sát trẻ thường xuyên, không chạm, đè vào chỗ tiêm, không đắp bất kỳ thứ gì lên chỗ tiêm. Cho trẻ ăn uống đủ bữa, đủ số lượng, thường xuyên kiểm tra trẻ vào ban đêm
1 số tác dụng phụ của vacxin bại liệt là:
- Xuất hiện quầng đỏ, sưng tại nơi tiêm
- Hơi sốt nhẹ. Đây là các phản ứng thường gặp ở trẻ và sẽ biến mất sau khoảng 1-2 ngày.
- Phù nề tại chỗ tiêm, dị ứng nổi mề đay, phù mặt, sốc phản vệ, co giật, đau khớp… Đây là các phản ứng hiếm gặp với tỉ lệ 0,01%.
Làm gì nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng bại liệt
Cách xử trí trường hợp có phản ứng sốt sau khi tiêm phòng bại liệt
Trẻ tiêm bại liệt có sốt không? Sau khi tiêm phòng mũi bại liệt cho trẻ, trẻ có thể sốt nhẹ khoảng 38 độ C và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Trường hợp này, ba mẹ cần lưu ý một số cách giảm đau/ hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn. Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5oC, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
Bạn có thể chưa biết:
Mách mẹ một số cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng
Trường hợp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
Ngược lại, nếu trẻ rơi vào những trường hợp sau đây thì cần có sự can thiệp của bác sĩ, tránh biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng vì sốt rất có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nữa:
Chăm sóc trẻ sau tiêm đúng cách (Nguồn ảnh: BV Thu Cúc)
- Sốt cao trên 38 độ: Tùy vào cơ địa, sức đề kháng của từng trẻ mà mức độ phản ứng với vacxin sẽ khác nhau. Một số trường hợp trẻ còn bị sốt cao trên 38 độ.
- Trẻ khóc liên tục nhiều giờ liền: Sốt cao sẽ khiến bé khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc không ngừng, dù mẹ có tìm đủ cách dỗ dành.
- Ngoài biểu hiện bị sốt sau khi đi tiêm phòng, trẻ sơ sinh còn có thể gặp biến chứng nặng hơn như: mặt mũi tím tái, chân tay co giật.
Mẹ đã biết tiêm bại liệt có bị sốt không và cách chăm sóc cho trẻ sau tiêm phòng. Hãy chú ý quan sát bé sau khi tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho con.
Nguồn tham khảo: Lưu ý khi tiêm chủng vacxin bại liệt – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!