Dạy trẻ đi vệ sinh là một bước ngoặc lớn và rất thú vị cho cả gia đình. Chìa khoá thành công cho “khoá dạy và học” này là sự kiên nhẫn và chấp nhận tốc độ nhận thức của từng trẻ là khác nhau. Từng bé sẽ cần những “chiến lược” khác nhau để “tốt nghiệp khoá học”, nhưng những kiến thức chung dưới đây đều rất hữu ích cho tất cả các bé.
Độ tuổi thích hợp dạy bé tự đi vệ sinh?
Theo các nghiên cứu, từ 18 tháng đến tầm 3 tuổi là giai đoạn trẻ có xu hướng sẵn sàng để được cha mẹ hướng dẫn cách đi vệ sinh.
Tuy vậy, không có nghĩa là bạn ép con mình phải tự đi vệ sinh trong khoảng thời gian trên. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những cột mốc chỉ để cha mẹ tham khảo. Mỗi trẻ là một cá thể độc lập và riêng biệt về thể chất, cảm xúc và ý thức. Cha mẹ nên để trẻ lớn lên một cách tự nhiên nhất và tôn trọng tốc độ riêng của mỗi bé.
Dấu hiệu khi trẻ sẵn sàng
Vậy làm sao để biết bé của bạn đã sẵn sàng để đạt được một “thành tựu” mới? Hãy quan sát và để ý thái độ của con. Các dấu hiệu dưới đây là “gợi ý” của bé với bạn rằng đã đến lúc dạy trẻ đi vệ sinh:
- Bé đã đi bộ và ngồi được trong một thời gian ngắn.
- Thích thú và tò mò khi thấy người khác vào nhà vệ sinh. Điều này có thể khiến bạn không thoải mái, nhưng đó là một cách hay để bắt đầu nói và giới thiệu với trẻ về nhà vệ sinh.
- Tã của bé khô trong một thời gian dài, chứng tỏ bàng quang và ruột của bé đang phát triển.
- Bé ra dấu hoặc nói từ “tè” hay “ị” cho bạn biết đã đến lúc thay tã. Nhận thức được cảm giác ướt và khô của tã.
- Bắt đầu khó chịu khi phải mang tã. Đặc biệt là khi tã đã ướt hoặc bẩn.
- Có thể tự tay kéo quần lên và xuống.
- Bé có thể hiểu và làm theo những hướng dẫn của cha mẹ.
- Biểu hiện gương mặt khó chịu hoặc cố gắng gây sự chú ý, ra hiệu với cha mẹ khi đến lúc cần đi vệ sinh.
Hãy để ý đến những tâm lý và biểu hiện để biết bé đã sẵn sàng chưa?
Cần chuẩn bị gì trước khi dạy trẻ tự đi vệ sinh?
Khi bé bắt đầu có những dấu hiệu ‘bật đèn đỏ” cho bạn, đừng vội đột ngột bỏ mang tả cho bé ngay lập tức. Thay vào đó, hãy dành thêm chút thời gian làm những gợi ý sau. Điều này giúp cả bạn vé bé có thêm thời gian để thích nghi bắt đầu chuyển đổi sang một giai đoạn mới.
- Giới thiệu và giải thích về bô, cho con thử ngồi để kiểm tra kích thước và làm quen với vật dụng mới.
- Cho trẻ xem tranh, phim hoạt hình có hình ảnh các nhân vật ngồi bô và giải thích hành động của nhân vật
- Dạy con một số từ liên quan đến việc đi vệ sinh. Ví dụ: cha mẹ có thể dạy bé “đi tè”, “đi ị” và “con muốn tè/ị”.
- Dạy bé cách phân biệt ướt và khô.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng nhiều rau và uống nhiều nước để con không bị táo bón vì điều này khiến việc luyện tập trở nên khó khăn.
Dành thời gian hướng dẫn cho bé về hành trình tự đi vệ sắp tới
Bắt đầu dạy trẻ tự đi vệ sinh
1. Thời gian
Hãy để ý thời gian bé nhà bạn hay thường đi vệ sinh và những dấu hiệu của bé trước đó. Sau đó, tập cho bé ngồi vào bô hàng ngày vào những thời điểm bé có nhu cầu vệ sinh. Đừng cho bé ngồi quá 5 phút trong bô hay nhà vệ sinh nếu bé không/chưa đi được. Thúc ép bé phải ngồi vào bô cho đến khi đi vệ sinh được chỉ khiến cho bé nghĩ đây là một hình phạt. Từ đó, bé có thể tỏ ra sợ hãi mỗi khi phải dùng bô/nhà vệ sinh.
2. Luôn nhắc nhở và động viên bé dùng bô/nhà vệ sinh
Thời gian đầu, hãy luôn khen ngợi bé vì đã cố gắng (ngay cả khi tiến độ chậm), đặc biệt là khi bé tự đi vệ sinh thành công. Dần dần bạn có thể giảm lời khen lại khi bé bắt đầu quen với việc tự dùng bô/nhà vệ sinh.
Trong ngày, hãy hỏi han bé nếu bé có nhu cầu đi vệ sinh. Hãy nhắc nhở vừa đủ, thể hiện sự quan tâm của bạn đến bé. Đừng để bé cảm thấy áp lực phải tự đi nhà vệ sinh.
Trong trường hợp bé không ngồi kịp vào bô, đừng la bé mà hãy nhẹ nhàng cười và ra hiệu cho bé biết rằng mọi việc đều ổn cả. Sau đó, hãy hướng dẫn con vệ sinh cơ thể nhé.
Động viên con không bao giờ là thừa trong tất cả mọi việc
3. Quần áo mặc cho trẻ
Bắt đầu ngừng sử dụng tã lót. Bạn nên bắt đầu tập cho trẻ mặc đồ lót và ngưng sử dụng tã lót (kèm theo giải thích). Để bé thích thú hơn, bạn có thể để bé tự chọn chiếc quần mình yêu thích.
Và đừng quên mặc những bộ quần áo dể cởi, để bé có thể thao tác nhanh hơn khi cần đi vệ sinh.
4. Vệ sinh thân thể
Hướng dẫn bé cách vệ sinh bộ phận sinh dục sau mỗi lần đi vệ sinh. Với bé trai, chỉ bé trai cách vẩy nhẹ “cậu bé” sau khi đi tiểu tiện để tránh nước tiểu còn đọng lại. Đối với bé gái, dạy bé lau từ phía trước ra phía sau để tránh các vi khuẩn từ phân và hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
Đây cũng là thời điểm thích hợp để bạn trao đổi với bé về những bộ phận nào trên cơ thể không để người lạ đụng vào. Bước đầu dạy con về chống bị xâm hại tình dục.
Dạy bé chi tiết cách vệ sinh vùng kín sau khi đi vệ sinh
Cuối cùng, dạy trẻ tự đi vệ sinh là một cột mốc quan trọng của cả mẹ và bé. Quá trình này có thể mất vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Các bậc cha mẹ hảy bình tĩnh, nhẹ nhàng và kiên nhẫn với bé. Ngay cả người lớn cũng cần một thời gian nhất định để thay đổi một thói quen mà phải không? Chúc bạn và bé sẽ những niềm vui nho nhỏ trong hành trình đáng nhớ này.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!