Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời như thế nào mà không phải quát mắng hay dùng đòn roi là điều nhiều ba mẹ muốn tìm hiểu. Bí quyết sẽ được tiết lộ trong bài viết này. Ba mẹ cùng đọc nhé!
Sự phát triển thể chất và cảm xúc của trẻ 4 tuổi
Trước khi đi vào vấn đề làm thế nào để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời, ba mẹ nên nắm rõ những phát triển về thể chất và cảm xúc của con. Khi một đứa trẻ 4 tuổi phát triển về thể chất, chúng không chỉ phát triển chiều cao mà còn tiếp tục kiểm soát tốt hơn các kỹ năng vận động.
Những dấu mốc quan trọng về phát triển thể chất của bé
- Nhận thức được vị trí của chính mình trong không gian và ít có khả năng va vào người khác khi di chuyển. Khả năng chạy cũng sẽ cải thiện đáng kể và thậm chí có thể rê bóng.
- Khả năng phối hợp tay và mắt linh hoạt hơn. Vì thế bé bắt đầu muốn tự làm mọi việc mà không cần sự can thiệp giúp đỡ từ người lớn.
Thay đổi về cảm xúc
- Đến 4 tuổi, trẻ sẽ thể hiện khát vọng độc lập rất lớn và muốn tự mình làm càng nhiều càng tốt
- Biết để ý, ý thức hơn về cảm xúc của những người xung quanh
- Trải nghiệm một loạt các cảm xúc mới của bản thân như ghen tuông, phấn khích, tức giận và sợ hãi
- Có thể trở nên tập trung hơn để chiến thắng khi chơi trò chơi
Nhìn chung, trẻ lên 4 cũng là một giai đoạn ẩm ương mà ba mẹ phải đối mặt cùng con. Vì cơ bản, trẻ đã có thể nói được nhưng chưa thành thạo và biết nhiều từ nên dễ ức chế khi không thể nói được điều mình muốn. Và cũng vì “cái tôi” khá lớn nên trẻ thường có biểu hiện không chịu nghe theo một số yêu cầu của người lớn. Đây là tình trạng vô cùng tự nhiên, vậy ba mẹ cần làm gì để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời? Cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo nhé.
Làm thế nào để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời?
Hiểu nguyên nhân trẻ 4 tuổi không nghe lời
Trẻ con rất bướng bỉnh và ngang tàn, và điều này rất dễ làm ba mẹ phát điên lên. Nhưng phụ huynh hãy nhớ rằng, như hiểu về sự phát triển của bé ở trên, đây là giai đoạn cái tôi của con khá lớn. Vì thế, đằng sau mỗi hành động ươn bướng luôn có một nguyên nhân sâu xa.
Mẹ có đang muốn con làm một việc quá khả năng của bé? Hay bé đang gặp một trở ngại nào đó mà không thể nghe theo lời ba mẹ chỉ bảo?
Kiên nhẫn lắng nghe và đừng tranh luận
La mắng, tháo quát hay thậm chí dùng đòn roi sẽ chỉ khiến bé thêm sợ hãi. Có thể sau khi bị phạt, một đứa trẻ 4 tuổi biết nghe lời hơn, nhưng nó chỉ xuất phát từ tâm lý lo sợ, chứ không phải thực sự là bé muốn. Điều này về lâu về dài sẽ không tốt cho sự phát triển tính cách và tâm lý của con trẻ.
Hãy chọn một thời điểm thích hợp để trò chuyện cùng con. Hỏi bé điều gì khiến con không nghe lời ba mẹ? Con có đang gặp vấn đề gì không?…Và khi bé nói, hãy chăm chú lắng nghe với tất cả tình yêu thương và với mục đích muốn hiểu con hơn. Trong quá trình đó, quan sát bé để hiểu thêm về hành vi và cảm xúc, đồng thời hỏi thêm nhiều câu hỏi (nếu cần thiết) để thực sự hiểu nguyên do của vấn đề.
Có thể, nếu ba mẹ và bé chưa có sự kết nối trong giao tiếp thì sẽ khá khó để con mở lòng. Nhưng kiên nhẫn là chìa khoá và từ từ bé sẽ chia sẻ nhiều hơn.
Động viên và khen ngợi khi cần thiết
Thái độ, cách đối xử của người lớn với con và cũng như đối với những người xung quanh cũng là cách để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời.
Khi bé thực hiện đúng hay tốt một việc nào đó, cho dù là nhỏ nhất, ba mẹ hãy khen ngợi trẻ để khuyến khích tinh thần con. Người lớn chúng ta còn thích được nghe những lời “đường mật”, thì trẻ con cũng không ngoại lệ.
Ngược lại, nếu con chưa làm tốt hay sai, đừng nổi giận, mà hãy giải thích lại và phân tích cái sai cho bé. Trẻ 4 tuổi chưa thể nhận thức được hết tất cả mọi thứ. Do đó, bé cần phải được dạy dỗ để hiểu rằng vì sao điều này tốt, điều kia xấu. Đừng vì “con còn nhỏ” mà phải làm theo răm rắp tất cả điều người lớn bảo.
Khuyến khích các hành vi tích cực một cách hợp lý và đúng đắn sẽ giúp trẻ 4 tuổi biết nghe lời. Qua đó, chính bản thân con cũng nhận thức được nếu thức hiện theo lời ba mẹ thì sẽ được khen ngợi, và đôi khi có thể là những phần thưởng nhỏ đi kèm theo.
Không nên ép trẻ 4 tuổi làm điều bé không muốn cũng là cách dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời
Dù còn bé, chỉ mới lên 4 thôi, nhưng con cũng đã có những tâm tư và sở thích riêng. Do đó, phụ huynh không nên ép khi bé không muốn. Điều này không có nghĩa là phải thoả hiệp với con tất cả. Bí quyết ở đây là hãy biết cách nói chuyện và “dụ” bé. Như cách ở trên, đó là phân tích, giải thích cho bé hiểu. Đặc biệt là theo hướng cho con thấy là nếu bé làm điều đó, những lợi ích nào con sẽ có được và hậu quả gì nếu làm trái lời.
Dạy con là một hành trình dài mà ở đó cả phụ huynh và con đều phải hợp tác và trải nghiệm cùng nhau. Hãy tạo cho nhau những khoảnh khắc vui tươi, hạnh phúc trong cuộc sống vì điều đó cũng góp phần nên việc hình thành và xây dựng tính cách trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!