Vì sao bạn cần dạy bé tôn trọng người khác? Bạn nghĩ gì về một người phụ nữ luôn la ó, chửi bới người khác? Con bạn sẽ trở thành người như vậy nếu bé không được dạy cách tôn trọng người khác từ khi còn nhỏ!
Bạn có thể mong đợi hành vi gì ở một đứa bé 2 tuổi?
Mong đợi bé biết lịch sự và tôn trọng người khác ở thời điểm này là điều không thể. Lý do là vì ngôn ngữ của bé đang phát triển. Khi bạn yêu cầu bé đi ngủ, bé sẽ không thể nói: “Con đang chơi rất vui với xe tải của con. Chúng ta có thể thương lượng thêm 5 phút được không ạ?”.
Thật ra, bé thường sẽ lờ mẹ đi, tức giận, hoặc hét ầm lên: “Con ghét mẹ”. Điều này không có nghĩa là bé hư hay không tôn trọng bố mẹ. Chỉ là bé vẫn còn nhỏ và cần nhiều năm giáo dục, thực hành để biết cách thể hiện sự tôn trọng.
10 bí quyết dạy bé tôn trọng người khác
Thể hiện sự tôn trọng của bạn
Bố mẹ thường quên phải tôn trọng con nhưng lại yêu cầu con tôn trọng mình. Với cách dạy cũ, bạn tỏ ra tôn trọng bố mẹ vì sợ bị đánh. Đó không phải là tôn trọng, nó chỉ là nỗi sợ.
Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe. Thật khó có thể kiên nhẫn chờ đợi một đứa trẻ 2 tuổi diễn tả ý của con. Nhưng hãy nhìn thẳng vào mắt bé và cho bé biết bố mẹ thực sự quan tâm điều bé nói. Đó là cách tốt nhất để dạy bé lắng nghe bố mẹ.
Dạy bé trả lời lịch sự
Con bạn có thể thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người khác thông qua cách cư xử lịch sự. Ngay khi bé học nói, bé nên biết cách nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Và bạn cũng nên nhớ nói “làm ơn” và “cảm ơn” với bé và những người khác, để bé biết rằng đó là những cụm từ được sử dụng trong giao tiếp bình thường.
Tránh phản ứng thái quá
Nếu con đánh bạn hay gọi bạn bằng một từ bất lịch sự, “đầu đất” chẳng hạn, bạn đừng buồn. Thay vào đó, hãy đối mặt với trẻ và nói dứt khoát, nhẹ nhàng: “Trong gia đình này, chúng ta không đánh hay dùng những từ như thế”. Sau đó hãy dạy bé cách nói chuyện tử tế hơn.
Tôn trọng những ý kiến khác biệt của bé
Hãy nhớ rằng khi bé không làm theo lời mẹ, bé không phải không tôn trọng, chỉ là bé có ý kiến khác. Mẹ hãy dạy bé cách đề nghị lịch sự thay vì hét lên: “Mẹ không bao giờ đưa con đi công việc. Mẹ xấu xa”.
Khi khả năng ngôn ngữ của bé phát triển hơn, bé sẽ có thể đưa ra những lời đề nghị lịch sự của riêng mình.
Đặt giới hạn
Một trong những cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng là vừa cứng vừa mềm đối với những giới hạn. Mềm mỏng thể hiện sự tôn trọng với con. Nhưng cứng rắn tôn trọng những giới hạn đã đặt ra.
Ví dụ khi bé tức giận trong siêu thị, mẹ có thể nhẹ nhàng nhưng dứt khoát đưa con ra ngoài. Sau đó mẹ làm việc riêng trong lúc chờ con bình tĩnh lại. Bé sẽ học được bài học rằng sự tức giận không làm thay đổi những việc phải làm.
Khen ngợi hành vi tôn trọng
Lời khen trẻ nên mô tả hành vi một cách chi tiết. Ví dụ như “Cảm ơn con đã chờ đợi tới lượt mình để mua kem”. Bé sẽ thấy nỗ lực của mình là đáng giá và được đánh giá cao.
Tìm ra nguyên nhân của sự thiếu tôn trọng
Khi bé gọi mẹ là “bà mẹ tồi tệ”, thay vì tức giận, hãy tìm ra nguyên nhân. Mẹ cần giúp bé hiểu sự tức giận của bé đến từ đâu, bé nên diễn tả cảm xúc ấy như thế nào. Bé sẽ biết rằng trong khi tức giận, bé vẫn có thể bình tĩnh và tôn trọng.
Xin lỗi khi bạn làm sai
Xin lỗi con bạn không làm giảm uy quyền của bạn với tư cách là cha mẹ. Ngược lại, bạn đang củng cố uy quyền và uy tín của mình. Bạn đang thể hiện sự chính trực và xây dựng niềm tin với con bạn.
Thống nhất cách dạy con với chồng
Hai bạn cần thống nhất những hành vi con được phép làm. Một người cho phép con thiếu tôn trọng nhưng người kia lại cố gắng dạy bảo thì sẽ không hiệu quả.
Đặt kỳ vọng thực tế cho hành vi của con bạn
Bạn không thể bắt con tham gia bữa tiệc 30 người trong khi con sợ nơi đông đúc. Vì thế, trước mọi sự kiện, bạn nên nói rõ những mong muốn đối với con. Bé sẽ hiểu hậu quả ra sao nếu bé không đáp ứng những mong đợi của bố mẹ.
Bố mẹ nào cũng mong con mình ngoan ngoãn, lịch sự. Vậy thì hãy dạy bé tôn trọng người khác ngay từ khi còn nhỏ. Nếu bạn không bắt đầu từ khi bé 2 tuổi, cũng không sao cả. Không bao giờ quá muộn để dạy bé những phép lịch sự trong cuộc sống!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!