Dạy bé tôn trọng giá trị bản thân – hay nói đúng hơn là dạy bé tin tưởng, tự tin vào giá trị và khả năng của mình – có vẻ là nhiệm vụ khó khăn. Vì đôi khi chính người lớn chúng ta còn quên mất phải tôn trọng giá trị của chính mình.
Bố mẹ có thể thử những gợi ý đơn giản này để bé biết tự hào, tự tôn trọng và tin vào khả năng vượt qua những khó khăn của mình.
Trao cho bé tình yêu vô điều kiện
Hãy thường xuyên ôm, hôn và vỗ lưng bé. Bố mẹ nên cho bé biết bố mẹ yêu con dù con là ai và con làm gì. Lòng tự trọng của một đứa trẻ nảy nở khi bố mẹ chấp nhận bé dù bé là ai, bất kể điểm mạnh, điểm yếu, tính khí và khả năng.
Khi bạn kỷ luật con, hãy nói rõ rằng hành vi của con sai. Bé không nên có niềm tin rằng bản thân mình sai trái, không chấp nhận được.
Chú ý quan tâm đến bé
Những em bé mẫu giáo cần có sự quan tâm trọn vẹn của bố mẹ mà không có anh chị hay người khác xen vào. Bố mẹ có thể cùng bé đi dạo hoặc trò chuyện trong nửa tiếng trước khi ngủ. Điều này sẽ gửi đến cho bé thông điệp rằng bé quan trọng với bố mẹ.
Dạy bé tôn trọng giá trị bản thân bằng cách đặt giới hạn
Và cần tôn trọng giới hạn bạn đã đặt ra.Ví dụ, nếu bố mẹ nói chỉ được ăn trong bếp, bé không được ăn uống ở nơi khác.
Biết rõ những quy tắc trong gia đình sẽ giúp bé an tâm hơn. Bé cũng sẽ hiểu rằng bố mẹ tin tưởng bé và mong bé làm điều đúng đắn.
Cho bé lựa chọn
Với bé 2 tuổi,, để bé lựa chọn giữa hai khả năng là một điều tốt. Ví dụ, hãy hỏi bé muốn mặc áo đỏ hay áo vàng. Trẻ 3 đến 4 tuổi thì có thể cân nhắc giữa nhiều lựa chọn hơn.
Việc này giúp bé biết bạn tin tưởng vào khả năng phán đoán của bé. Do đó, bé sẽ tin tưởng hơn vào bản thân mình.
Để bé được sai lầm
Nếu bé làm bể đĩa, đừng la mắng bé. Hãy khuyến khích bé nghĩ ra giải pháp để lần sau không bể đĩa nữa. Bé sẽ hiểu được rằng sai lầm có thể xảy ra, nhưng bé không nên trách móc bản thân mình.
Khi bố mẹ phạm sai lầm, cũng hãy thừa nhận nó và tìm biện pháp khắc phục. Nhìn cách bố mẹ vượt qua sai lần sẽ giúp bé chấp nhận thiếu sót của mình dễ dàng hơn.
Giúp bé tự lập dễ dàng hơn
Đặt ghế đẩu ở bồn rửa để bé tự đánh răng và rửa tay. Làm kệ sách và đồ chơi trong tầm tay của bé. Cho bé mặc những bộ đồ dễ mặc và dễ cởi.
Đó là những việc rất đơn giản. Nhưng khi bé có thể tự chăm sóc nhu cầu của riêng mình, bé sẽ tự lập và tự hào về khả năng tự làm mọi thứ của mình.
Ghi nhận những thành tích của bé
Mỗi ngày, hãy luôn ghi nhớ những điều tốt mà con đã làm và nói với con. Ví dụ hãy nói với bố rằng hôm nay bé đã rửa rau cho bữa tối.
Hãy luôn khen ngợi con cụ thể. Thay vì nói “con làm tốt lắm”, hãy nói “cảm ơn con đã chờ đợi rất kiên nhẫn”. Bé sẽ có cảm giác thành tựu nhiều hơn nếu biết chính xác mình đã làm tốt điều gì.
Chấp nhận cảm xúc của bé
Khi bé tức giận vì phải về nhà sau khi đến công viên chơi, hãy cố hết sức đặt mình vào vị trí của bé, hiểu cảm xúc của bé. Đối với một đứa trẻ mới biết đi, rời khỏi công viên có thể có cảm giác như ngày tận thế.
Bố mẹ nên giúp bé thoải mái và biết gọi tên những cảm xúc của mình. Hãy nói với bé: “Mẹ hiểu con buồn vì phải rời khỏi công viên”. Chấp nhận cảm xúc của con mà không phán xét sẽ giúp con thấy bố mẹ tôn trọng những gì con nói.
Không so sánh
Tránh đưa ra bình luận kiểu: “Sao con không thể vẽ đẹp như bạn ấy?”. Những nhận xét này khiến bé thấy tồi tệ về bản thân. So sánh tích cực, rằng con là người giỏi nhất, cũng tạo những kì vọng xấu cho bé.
Làm gương về sự tôn trọng bản thân
Một trong những cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng của con chính là làm gương cho con. Hãy thể hiện niềm tự hào về bản thân và những nỗ lực của bạn. Đừng nói “tôi thật ngu ngốc” khi bạn mắc lỗi.
Khích lệ bé
Khích lệ là thừa nhận sự tiến bộ của bé, không quan trọng thành tích thế nào. Nếu bé chưa buộc được dây giày, bố mẹ hãy nói: “Con đang rất cố gắng, con sắp làm được rồi”. Điều đó giúp bé cảm thấy tốt về bản thân mình mặc dù bé chưa làm được.
Dạy bé tôn trọng giá trị bản thân nghe rất khó khăn nhưng thật ra lại dễ dàng thực hiện bằng những hành động thường ngày. Thành quả sẽ không thấy được ngay lập tức. Nhưng bạn sẽ tự hào khi sau này con trở thành một người tự tin, biết giá trị của mình và biết tôn trọng giá trị của người khác!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!