Rèn trẻ sơ sinh tự ngủ không còn là nhiệm vụ bất khả thi. Mẹ hãy học hỏi 6 điều chia sẻ tâm huyết từ một người mẹ đã kiên nhẫn rèn con ngủ ngoan ngay từ thuở lọt lòng. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh
- Mẹ Bích Nga và công cuộc nuôi con tự lập từ thuở ấu thơ
- 6 lưu ý giúp rèn trẻ sơ sinh tự ngủ thật đơn giản
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng:
- Phát triển chiều cao cho trẻ
- Phát triển trí não
- Đảm bảo hệ thần kinh trung ương phát triển hoàn chỉnh
- Giúp tinh thần trẻ thoải mái
- Tăng đề kháng, giúp hệ miễn dịch của con ngày càng khỏe mạnh
- Giúp trẻ năng động, tăng sự tương tác với môi trường
Mẹ đã biết chưa?
Mẹ Bích Nga và công cuộc nuôi con tự lập từ thuở ấu thơ
Từng được biết đến như một thành viên kỳ cựu với nhiều chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con trên diễn đàn cha mẹ nổi tiếng của Việt Nam, mẹ Bích Nga với 2 nàng công chúa xinh đẹp của mình đã từng tâm sự.
Chị không phải vì sính ngoại mà áp dụng hết cách dạy con kiểu tây này đến kiểu tây khác. Nhưng chị nhận thấy rằng, việc rèn luyện tính tự lập cho bé thông qua nếp ăn và giấc ngủ sẽ quyết định rất lớn đến tính cách con sau này, đặc biệt là trong quá trình học tập và bươn chải ngoài xã hội khi trẻ lớn lên.
Ảnh: Mẹ hãy tập cho con những thói quen “vàng” để cải thiện tình hình con ngủ không ngon giấc
Con ngủ không ngon giấc – Đây là 6 bí quyết rèn trẻ sơ sinh tự ngủ được đúc rút tự mẹ Bích Nga trong công cuộc luyện ngủ cho 2 con của mình.
1. Giúp con tạo thói quen tốt với giấc ngủ
Rất nhiều bà mẹ than phiền rằng con mình hay quấy khóc, thức đêm và bám mẹ quá. Thực ra, rất ít bé sinh ra đã ngoan sẵn theo ý ba mẹ, mà chính chúng ta phải giúp con định hình thói quen tốt.
Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm mà mình đã áp dụng thành công cho bé gái đầu lòng của mình. Sau này có bé thứ hai, mình vẫn giữ quan điểm: rèn trẻ sơ sinh tự ngủ là cho bé ngủ riêng từ đầu, tạo thói quen tốt khi ngủ, tạo điều kiện cho bé ngủ ngon giấc và giúp bé phát huy tính tự lập từ những tháng đầu đời.
2. Đừng để cả mẹ và con bị phụ thuộc giấc ngủ vào chiếc võng
Cá nhân mình không ủng hộ chuyện nằm võng. Tuy ru con bằng võng có thể giải quyết mục đích trước mắt là giúp con ngủ nhanh, nhưng lại có hai điểm tiêu cực chính sau:
– Xương sống của bé bị ảnh hưởng
– Hình thành thói quen xấu ở bé: chỉ ngủ được khi có đưa võng
Các loại võng phẳng, nôi điện… có thể không gây tác hại cho xương sống của bé nhưng vẫn không giải quyết được điểm bất lợi thứ hai. Về lâu dài, điều này hoàn toàn không tốt.
Ảnh: Nếu con ngủ không ngon giấc, mẹ hãy xem lại những thói quen và cơ cấu giấc ngủ của con
3. Cho con ngủ riêng từ nhỏ không phải là không yêu thương bé, trái lại sẽ giúp con biết tự ngủ sớm, mẹ an nhàn hơn
Con gái mình được ngủ riêng trong cũi cạnh giường mẹ từ khi sinh ra ở bệnh viện, sau đó vẫn duy trì cách này lúc đã về nhà.
Tất nhiên, với người nuôi con bằng sữa mẹ như mình thì có chút ít bất tiện, nhưng bù lại mẹ cũng tỉnh táo hơn khi cho bé bú đêm trong những tháng đầu. Khoảng 1 tuổi thì có thể cho bé ngủ giường riêng, trong phòng riêng của mình.
Khi rèn trẻ sơ sinh tự ngủ, nên tập cho bé thói quen tự đưa mình vào giấc ngủ, có điều để làm được điều đó, người mẹ (và cả những người xung quanh) phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên nhẫn và cương quyết, chứ cứ hễ nghe con khóc lại cuống lên là phá sản.
Tuy nhiên, khi bé quấy khóc, gắt gỏng, khó ngủ, trước hết phải kiểm tra để loại bỏ các nguyên nhân sau: bé đói bụng, sốt, ngứa ngáy, nóng hoặc lạnh quá, tã dơ, đau bụng, ngạt thở, đầy hơi…
Nếu tình trạng quấy khóc xảy ra thường xuyên thì nên cho bé đi bác sĩ để kiểm tra xem có bị thiếu canxi hoặc có gì bất ổn về sức khỏe không.
Giả sử bé không bị bất cứ điều nào trên đây, thì vẫn có những bé quấy khóc, khó ngủ không rõ nguyên nhân. Điều này có thể kéo dài hoặc chỉ xảy ra vào một giai đoạn nào đó khi con đang trong thời kỳ học một kĩ năng mới.
Để giải quyết điều này, mẹ hãy chịu khó tìm hiểu thêm về tuần cáu gắt (wonder week của trẻ). Nhờ đó, mẹ sẽ có cách xử lý hiệu quả, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn theo từng tháng tuổi.
Ảnh: Mẹ hãy giúp con phân biệt ngày đêm ngay khi chào đời để tránh tình trạng con ngủ không ngon giấc
4. Giúp bé phân biệt ngày và đêm ngay từ khi mới chào đời sẽ giúp phòng tránh tình trạng con ngủ không ngon giấc
Bé cần hiểu rằng: nên ngủ nhiều vào ban đêm và chơi nhiều hơn vào ban ngày. Tất nhiên bé sẽ không tự nhiên hiểu được như vậy mà mẹ phải giúp bé thông qua:
– Ngủ và thức: Cho bé dậy vào một giờ cố định mỗi sáng (có thể đánh thức nếu bé ngủ quá lâu), đưa bé ra gần cửa sổ để quen với ánh sáng tự nhiên (tất nhiên vẫn tránh để ánh nắng chiếu vào mắt bé như khi phơi nắng). Khi chuẩn bị ngủ thì làm một số việc đều đặn để bé hiểu là giờ đi ngủ đã đến: thay đồ ngủ cho bé, tắt bớt đèn, hát khe khẽ và xoa bóp nhẹ nhàng…
– Ăn: Nếu là ban ngày, hãy cho bé ăn vào thời điểm bé hoạt động cao nhất, có thể vui đùa với bé và tạo không khí sôi động. Vào buổi tối, cho bé ăn chậm trong ánh sáng dịu, có chút nhạc hòa tấu nhẹ nhàng càng tốt.
– Tắm: Vào ban ngày, hãy giúp giờ tắm của bé sôi động hơn, ví dụ như thả một số đồ chơi trong nước để bé quan sát và nghịch ngợm khi lớn hơn một chút. Kết hợp việc thay đồ với việc đùa nghịch cùng bé, thọc lét nhẹ vào chân cho bé cười. Vào buổi tối, chỉ cần tắm nhanh để bé thư giãn, khi thay đồ kết hợp việc mát xa, sau đó cho bé bú và ngủ.
Bé có thể nhận ra sự khác biệt đó và thường cách rèn trẻ sơ sinh tự ngủ này sẽ phát huy tác dụng sau 7 ngày.
Mẹ đã biết chưa?
Ảnh: Mẹ hãy tập cho con tự ngủ mẹ nhé
5. Giúp bé tự ngủ bằng phương pháp Feber
Đây là cách chị Bích Nga áp dụng với cả 2 bé. Với phương pháp này, quan trọng là mẹ cần có sự kiên nhẫn, chịu khó quan sát và kiên quyết với nếp ngủ của bé.
– Tập cho bé đi ngủ vào một giờ cố định. (Bé sơ sinh ngủ khoảng 18-20 giờ mỗi ngày và giảm dần đến 6 tháng tuổi thì khoảng 13-14 giờ mỗi ngày; do đó, với bé khoảng 3 tháng tuổi, có thể cho bé bú lúc 10h, ngủ 10h30 một giấc sâu cho đến sáng, không cần dậy bú đêm – mình sẽ nói rõ hơn về chuyện bú đêm của bé ở phần dưới)
– Cho bé ngủ riêng trong không gian có ánh sáng dịu. Khi bé khóc, cứ để yên lặng cho bé khóc khoảng 2 phút, sau đó nếu vẫn không nín thì hãy vỗ về bé, nhưng không vuốt ve ôm ấp nhiều và không ẵm bé.
– Tăng dần thời gian chờ đợi trước khi vỗ về bé trong những lần sau, ví dụ từ 2 phút lên 4 phút, 6 phút… nhưng không nên để bé khóc lâu quá 15 phút. Có điều nên nhớ rằng bé rất nhạy cảm. Dù còn rất nhỏ, bé cũng hiểu không phải sự vòi vĩnh nào của mình cũng được đáp ứng và bé sẽ tự thích nghi với việc ngủ mà không cần mẹ ẵm ru. Dù thương con, xót con nhưng đôi khi phải biết nói “không”.
– Nếu bé đã ngủ và thức dậy, khoan hãy sà đến con ngay. Hãy yên lặng chờ xem phản ứng của bé. Bé sẽ tập được thói quen tự ngủ lại nếu người lớn không can thiệp quá nhiều đến bé. Đôi khi sự lo lắng quá mức của mẹ lại khiến bé dễ hình thành thói xấu.
Ảnh: Mát xa và tắm sẽ giúp cải thiện tình trạng con ngủ không ngon giấc
6. Con ngủ không ngon giấc – mẹo nhỏ dành cho mẹ chăm bé sơ sinh
– Tắm cho bé trước khi ngủ không lâu: Nhiều người cho rằng tắm cho bé vào buổi tối thì không tốt. Thực sự thì nếu tắm bé trong phòng kín, nhiệt độ phù hợp sẽ giúp bé dễ ngủ hơn, ít quấy khóc hơn và có giấc ngủ sâu hơn. Lý tưởng nhất là tắm nhẹ để bé thấy sạch sẽ, thoải mái, sau đó cho bé bú, chơi với bé một tí và cho bé tự ngủ.
– Mát xa cơ thể cho bé: Mát xa giúp bé thấy dễ chịu, giải tỏa xì trét (bé cũng có khi bị căng thẳng đấy nhé), ngủ ngon, chưa kể tăng thêm tình mẫu tử. Vài động tác xoa bóp nhẹ nhàng không mất bao nhiêu thời gian mà có rất nhiều tác dụng.
– Cho bé bỏ bú đêm sẽ giúp cải thiện tình trạng con ngủ không ngon giấc: Có thể nhiều bà mẹ sẽ phản đối chuyện này, nhất là những mẹ vốn có sẵn tâm lý sợ con mình bú không đủ hoặc thích cho con bú càng nhiều càng tốt. Bú đêm thực sự không cần thiết đối với trẻ 3 tháng tuổi hoặc nặng 6kg trở lên (Anh Thi nhà mình chỉ thức dậy 1 lần trong đêm để bú trong 2 tháng đầu thôi, sau đó là ngủ thẳng giấc).
– Nên phân bố đều lượng sữa trong ngày để bé không bị thiếu chất dinh dưỡng, còn ban đêm cần cho bé ngủ liền mạch ít nhất là từ 11h đêm đến 5h sáng.
– Nếu bé dậy đòi bú, có thể vỗ về cho bé ngủ lại và từ đó hình thành thói quen bỏ bú đêm, đừng như một số người con ngủ mà còn lay dậy cho bú. Thêm một vài trăm ml sữa vào buổi tối không có lợi bằng giấc ngủ sâu của bé.
– Thời gian thức và ngủ phải xen kẽ hài hòa với nhau, do đó, nếu cho bé ngủ li bì từ chiều đến tối thì đừng hy vọng bé sẽ không thức đêm. Đôi khi phải đánh thức bé dậy để bé theo lịch ngủ khoa học hơn.
– Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là bé không những cần ngủ ngon mà còn phải được ngủ an toàn. Do đó, không nên dùng chăn hoặc bỏ bất cứ vật dụng/ đồ chơi nào có thể đem lại sự thiếu an toàn vào cũi hoặc giường của bé.
Với 6 bí quyết tâm huyết và kinh nghiệm rèn ngủ thành công của mẹ Bích Nga, hi vọng các bố mẹ lần đầu chăm sóc bé sơ sinh sẽ có thêm kiến thức và quyết tâm hơn trong công cuộc rèn ngủ cho con.
Chân thành cảm ơn thông tin chia sẻ từ blog mẹ Bích Nga
Nguồn thông tin: Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!