Chế độ nghỉ thai lưu hay sảy thai là những chính sách hỗ trợ hữu ích nhằm bù đắp một phần tổn thất về tinh thần cũng như sức khỏe, thu nhập và các khoản chi phí y tế cho người lao động nữ.
Mang thai và sinh con là thiên chức vô cùng cao quý của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không may, người mẹ gặp phải những vấn đề không mong muốn dẫn đến thai chết lưu, sảy thai, ít nhiều gây ra những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và sức khỏe của chị em.
Chính vì thế, sau khi xử lý thai lưu, nữ giới cần đặc biệt chú trọng đến việc nghỉ ngơi. Vậy theo chế độ thai sản năm 2020 thì các trường hợp thai lưu được nghỉ bao nhiêu ngày? Mức trợ cấp được hưởng và thủ tục hồ sơ như thế nào? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Điều kiện hưởng các chế độ thai lưu
Chế độ nghỉ do thai chết lưu nằm trong các chế độ thai sản dành cho người lao động nữ. Theo đó, đây là một trong những chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng khi mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nhận con nuôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bao gồm cả các chế độ như khám thai định kỳ, nạo thai, hút thai, sảy thai, thai lưu, phá thai do bệnh lý,…
Căn cứ vào Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, điều kiện để được hưởng các chế độ nghỉ thai lưu, sảy thai, nạo hút thai, phá thai bệnh lý là người lao động nữ phải tham gia bảo hiểm xã hội và đã đóng tiền từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian nghỉ khi bị thai lưu
Tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khi sảy thai, nạo hút thai, thai bị chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động nữ sẽ được nghỉ việc để hưởng các chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi.
- 20 ngày nếu thai từ 5 đến dưới 13 tuần tuổi.
- 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 25 tuần tuổi.
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Cũng trong quy định này, thời gian nghỉ do thai chết lưu kể trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, phụ nữ bị thai lưu được nghỉ bao nhiêu ngày sẽ tùy thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi tại thời điểm chết lưu. Khi không may gặp tình trạng này, chị em sẽ được nghỉ tối thiểu 10 ngày và tối đa 50 ngày.
Bên cạnh đó, theo Điều 41 của Luật BHXH số 58/2014/QH13 năm 2014, trong trường hợp người lao động nữ vẫn còn yếu sau thời gian nghỉ hưởng chế độ sảy thai, chưa thể đi làm lại thì sẽ được nghỉ dưỡng sức. Thời gian nghỉ dưỡng sức là 5 – 10 ngày.
Mức trợ cấp của chế độ nghỉ thai lưu
Căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 năm 2014, lao động nữ đang tham gia BHXH tại đơn vị sẽ được hưởng 100% tiền lương trung bình tháng đóng BHXH, chia thành 2 trường hợp:
- Đã đóng tối thiểu 6 tháng: Hưởng mức trung bình của 6 tháng lương đóng BHXH trước thời điểm nghỉ việc theo chế độ thai sản cho thai chết lưu.
- Đóng chưa đủ 6 tháng: Được trợ cấp bằng bình quân của số đóng BHXH trước thời điểm nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản.
Tóm lại, mức hưởng chế độ thai sản khi bị sảy thai, thai chết lưu được tính theo công thức:
Mức hưởng = (Mbq6t/ 30 ngày) x 100% x Số ngày nghỉ theo chế độ thai sản
Trong đó: Mbq6t: Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Thủ tục hưởng trợ cấp là gì?
Để được hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu, chị em cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Trường hợp điều trị nội trú tại bệnh viện, cơ sở y tế: Cần có giấy ra viện xác nhận tình trạng thai lưu, số ngày điều trị, số tuần tuổi thai nhi.
- Đối với lao động điều trị ngoại trú: Cần làm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trong 45 ngày kể từ thời điểm quay lại làm việc, người lao động phải nộp đầy đủ hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động. Đơn vị sẽ có trách nhiệm nộp lên cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày. Thời gian giải quyết chế độ nghỉ thai lưu là 10 ngày tính từ thời điểm nhận đầy đủ giấy tờ, hồ sơ từ đơn vị.
Chăm sóc sức khỏe ra sao?
Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau thai lưu, chị em cần lưu ý:
- Kiêng lạnh: Hạn chế uống nước lạnh, không tắm bằng nước lạnh, kiêng gội đầu trong 2 tuần,…
- Tránh mang thai lại quá sớm khi chưa hoàn toàn hồi phục.
- Nghỉ ngơi tại giường, đi lại nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi, protein, sắt. Tránh ăn những loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn liền, chất kích thích,…
- Tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, chuẩn bị tốt cho lần mang thai kế tiếp.
Trên là những thông tin liên quan đến chế độ nghỉ thai lưu dành cho người lao động nữ, cũng như một số lưu ý khi chăm sóc sức khỏe sau thai lưu. Hy vọng thông qua bài viết này, chị em sẽ có thêm kiến thức để hưởng đầy đủ quyền lợi và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!