Nắm được dấu hiệu thai chết lưu là cách mẹ tự bảo vệ bản thân và thai nhi trước khi quá muộn. Mặc dù thai lưu hiếm khi xảy ra do lỗi của mẹ, nhưng các thai phụ thường suy sụp và đổ lỗi cho mình khi mất con ở thời điểm quá muộn trong quá trình mang thai.
Thai chết lưu là gì?
Cả hai thuật ngữ “thai chết lưu” và “sảy thai” đều chỉ hiện tượng thai đã chết. Trường hợp em bé mất sau tuần thứ 20 sẽ được gọi là thai chết lưu. Đây là tình trạng thai chết trước hoặc trong quá trình sinh. Tình trạng này không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các thai phụ.
Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thai chết lưu là:
- Thai có khuyết tật bẩm sinh do cấu trúc di truyền
- Nhau thai không cung cấp đủ máu cho bé
- Bóc tách nhau thai, các vấn đề về dây rốn,…
Khi hiện tượng thai chết lưu xảy ra, điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa thai phụ đến cơ sở y tế. Các y bác sĩ sẽ can thiệp và đưa thai chết lưu ra khỏi cơ thể mẹ. Đôi khi thai đã chết không sảy ngay mà nằm lưu lại bên trong tử cung một thời gian. Vì vậy, cần nhận biết biểu hiện thai lưu sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Điều này sẽ tránh tình trạng cơ thể mẹ bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu,… có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc sau này, thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.
Dấu hiệu nhận biết thai chết lưu sớm
Tử cung ngừng phát triển
Trong thời gian mang thai, kích thước của tử cung sẽ dần dần phát triển theo kích thước của thai nhi. Kích thước của vòng bụng của mẹ cũng thay đổi theo. Các chỉ số vòng bụng của mẹ sẽ giúp tính toán tuổi thai, ngày sinh cũng như tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Nhưng nếu thai lưu thì tử cung cũng sẽ ngừng phát triển. Khi kiểm tra thai định kỳ, bác sĩ sẽ đo sự tăng trưởng của tử cung để kiểm tra tốc độ phát triển của thai lưu hoặc dấu hiệu thai chết lưu. Ngoài ra, nếu mẹ nhận thấy vòng bụng của mình không tiếp tục lớn hơn, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra cụ thể.
Mất cảm giác nghén
Thai lưu có biểu hiện gì? Mẹ có thể nhận biết dấu hiệu thai chết lưu khi đột ngột mất đi cảm giác ốm nghén. Cụ thể là:
- Ngực không còn căng tức, mà trở nên mềm mại hơn và đột ngột tiết sữa non
- Bụng co cứng và trở nên nặng nề
- Chuột rút liên tục và đau lưng dữ dội,…
Mất cảm giác nghén đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị thai lưu.
Dấu hiệu nhận biết thai lưu – Không cảm nhận được chuyển động của thai nhi
Nếu mẹ đột nhiên không còn cảm nhận được chuyển động của thai nhi nữa nghĩa là thai nhi đang gặp phải một vài bất thường nào đó. Thông thường là thai yếu hoặc là biểu hiện thai chết lưu. Vì vậy, các bác sĩ sản khoa khuyên các mẹ thường xuyên đếm số lần thai máy để phát hiện sớm các bất thường.
Các mẹ bắt đầu cảm nhận được những cử động thai của thai nhi vào tuần thứ 18–20 của thai kỳ. Càng về sau thời gian cử động của thai nhi ngày càng rõ ràng hơn. Một ngày, mẹ nên có thói quen đếm cử động thai 2 tới 3 lần, mỗi lần khoảng 60 phút.
Thông thường, các em bé sẽ có ít nhất 4 lần cử động trong một giờ. Nếu ít hơn, mẹ nên nằm nghỉ và tiếp tục theo dõi thêm 60 phút nữa. Nguyên nhân là vì em bé có thể ngủ trong khoảng 20-40 phút hoặc lâu hơn.
Nếu trong vòng 2 giờ, thai máy ít hơn 10 lần, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế để theo dõi thêm bằng phương pháp khác.
Không nghe được tim thai
Khi đi khám thai định kỳ, mẹ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra nhịp tim của thai nhi. Trong trường hợp quá trình kiểm tra nhịp tim gặp khó khăn, các bác sĩ sẽ đo liên tục cho đến khi nghe được tim thai.
Tuy nhiên, nếu vẫn không thấy được tim thai thì mẹ sẽ được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Không nghe được tim thai là dấu hiệu cảnh báo thai đã chết lưu.
Vỡ ối
Thai lưu có biểu hiện gì khi thai bị chết lưu nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời? Kết quả là nó sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ ối bất ngờ dù chưa có dấu hiệu sảy thai hay chuyển dạ.
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của mẹ. Bởi khi màng ối bị rách, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể mẹ gây nhiễm trùng cấp tính rất nguy hiểm. Vì vậy, khi có hiện tượng vỡ ối xảy ra, nhất là nước ối có mùi hôi, sậm màu, mẹ nên được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Làm gì để hạn chế nguy cơ thai chết lưu?
Khi thai đã chết lưu, chúng ta không còn có thể làm được gì ngoài việc cố gắng bảo vệ sức khỏe cho mẹ. Thai lưu là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, cướp đi sinh mạng bé nhỏ của thai nhi. Biến chứng này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như tâm lý của mẹ về sau. Vì vậy, các mẹ nên tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thai chết lưu.
Dấu hiệu nhận biết thai lưu – Trước khi mang thai
Các mẹ nên đi khám sức khỏe sinh sản trước khi có ý định mang thai để phát hiện sớm. Mẹ sẽ có điều kiện điều trị các vấn đề bất thường có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai nhi và sức khỏe của mẹ suốt quá trình mang thai.
Mẹ bầu nên tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu bạn mắc sẵn các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp,…Kiểm soát bệnh tốt nhất sẽ không để bệnh gây hại đến thai kỳ.
Trong thực đơn mỗi ngày, mẹ nên bổ sung đầy đủ vitamin. Đặc biệt, mẹ cần bổ sung axit folic để giảm thiểu nguy cơ bị dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các loại hạt và rau màu xanh lá đậm, trái cây họ cam quýt,… rất giàu axit folic.
Trong thai kỳ
Mẹ bầu cần ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để thai nhi phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, mẹ cần ngừng hút thuốc và uống rượu bia. Chúng là tác nhân nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe của cả hai mẹ con.
Trong quá trình mang thai, mẹ cần thăm khám thai thường xuyên để phát hiện bất thường sớm. Mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt, ăn uống thích hợp cho mẹ và bé.
Hạn chế tối đa việc đi đến nơi đông người và luôn mang khẩu trang khi ra ngoài. Mẹ cần tự bảo vệ bản thân mình trước các nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Trong quá trình mang thai, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, mẹ đừng ngần ngại đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay lập tức. Hơn nữa, mẹ cần giữ tinh thần thoải mái, có một chế độ ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể mẹ luôn tràn đầy sức lực, là nền tảng vững chãi để em bé phát triển khỏe mạnh suốt thai kỳ.
Biết được những dấu hiệu nhận biết thai chết lưu sẽ giúp mẹ hạn chế nguy cơ thai lưu. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!