Nếu như nhiều bà mẹ bỉm sữa thường thèm ăn và tăng cân thì không ít người lại gặp phải tình trạng chán ăn sau sinh. Nếu điều này kéo dài có thể kéo dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tại sao mẹ bỉm sữa chán ăn sau sinh?
Quá trình vượt cạn tốn nhiều sức lực nên người mẹ cần bổ sung dinh dưỡng để hồi phục. Chưa kể phải ăn uống để có đủ nguồn sữa chất lượng nuôi con.
Chán ăn sau sinh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người mẹ
Nhưng rất nhiều bà mẹ mắt phải chứng bệnh chán ăn sau sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
Suy nhược cơ thể
Việc sinh nở khiến người mẹ phải chịu những cơn đau kéo dài, mất sức làm cơ thể suy nhược. Vì vậy, sau sinh các bà mẹ bỉm sữa không còn hứng thú với việc ăn uống.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Sau khi sinh sản phụ chỉ ăn tập trung một sốmón ăn như chân giò, canh rau ngót… để lợi sữa. Tuy nhiên, chính chếđộ ăn uống này khiến các bà mẹ cảm thấy chán ăn, buồn nôn, khó nuốt.
Bệnh lý về đường tiêu hóa
Nguyên nhân tiếp theo gây chán ăn là do bệnh lý vềđường tiêu hóa, nhất là chứng táo bón. Tình trạng này thường xảy ra trong tháng đầu tiên, sau đó thì giảm dần.
Stress sau sinh
Điều này không chỉ gây nên tình trạng chán ăn mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé… Stress sau sinh có rất nhiều nguyên nhân như sức khỏe của con có vấn đề, con quấy khóc thường xuyên, không được sự quan tâm chia sẻ của chồng và người thân, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu…
Mệt mỏi, stress là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bỉm sữa biếng ăn
Biếng ăn sau sinh ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé
Dù là vì nguyên nhân gì thì tình trạng chán ăn sau sinh gây nguy hại không nhỏ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ mà cả bé yêu.
Đối với phụ nữ sau sinh
Nếu tình trạng chán ăn kéo dài sẽ khiến các vết thương khó lành do không được cung cấp đủ năng lượng. Cơ thể dần suy nhược, thiếu sức sống dễ bị hậu sản. Thể chất suy giảm cộng với việc phải thức đêm chăm sóc con mới sinh khiến trình trạng căng thẳng, mệt mỏi tăng cao dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh, tinh thần không còn được minh mẫn dẫn đến các hành động thiếu kiểm soát.
Đối với trẻ sơ sinh
Trong những ngày tháng đầu đời thì sức khỏe của bé phụ thuộc nhiều vào sữa mẹ. Nếu mẹ bị chán ăn sau sinh chất lượng cũng như lượng sữa sẽ giảm. Theo đó, bé bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm.
Chán ăn sau sinh phải làm sao để cải thiện?
Với những mối nguy hại tiềm ẩn trên thì sản phụ cũng như người thân trong gia đình phải nhanh chóng có giải pháp khắc phục. Các biện pháp bao gồm điều chỉnh thực đơn, lịch sinh hoạt ăn uống và quan trọng là giữ cho tinh thần thoải mái
Thay đổi thực đơn đa dạng hơn
Bao gồm các nhóm thực phẩm cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Bổ sung những món ăn mà người mẹ thích, không kiêng cữ quá mức.
Ngoài những thực phẩm làm mất sữa, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như mướp đắng, bắp cải, lá lốt, bạc hà, dưa muối, mì tôm, đồ ăn cay nóng… thì các mẹ có thể thoải mái thưởng thức món ăn yêu thích.
Đa dạng các nhóm thực phẩm trong bữa ăn
Việc ưu tiên trong thực đơn những món ăn giúp người mẹ cảm thấy ngon miệng, thích thú sẽ kích thích vị giác, ăn được nhiều hơn và hấp thu tốt hơn. Việc ăn đi ăn lại chỉ vài món sẽ nhanh chóng làm sản phụ biếng ăn.
Nấu những món ăn người mẹ thích
Chia nhỏ bữa ăn
Khi gặp phải tình trạng chán ăn sau sinh thì cần phải điều chỉnh số lượng bữa ăn trong ngày. Thay vì ăn bữa chính thật no thì người thân nên chia nhỏ thành từng bữa cho sản phụ.
Đồng thời thay đổi khẩu phần ăn thường xuyên, không ăn một món quá nhiều lần trong tuần sẽ khiến người mẹ ăn không ngon miệng, nhanh chán.
Vận động, luyện tập thể dục
Sau khi sinh khoảng 2 tuần, sức khỏe đã ổn định thì người mẹ không nên nằm một chỗ. Mẹ chịu khó vận động nhẹ nhàng để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Khi sức khỏe đã tốt lên hãy bắt đầu luyện tập thể dục. Điều này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, tiêu hao năng lượng để ăn uống ngon miệng hơn. Mà còn giúp giảm mỡ thừa, giảm cân nặng tốt hơn.
Tránh bị stress căng thẳng
Để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng. Gia đình cần hỗ trợ chăm sóc trẻ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe.
Chuẩn bị thật kỹ về tài chính cũng như tâm lý trước khi có thêm thành viên mới. Điều này giúp người mẹ không phải lo lắng về tiền bạc và có được sự chăm sóc tốt nhất.
Nếu tình trạng chán ăn sau sinh không được cải thiện thì gia đình cần đưa người mẹ đi thăm khám sức khỏe tổng quát cũng như tâm lý để nắm rõ nguyên nhân. Bản thân người mẹ cũng cần cố gắng điều chỉnh tâm trạng, chế độ ăn uống để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, đặc biệt là con yêu.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!