Cách nấu bột cho trẻ 7 tháng tuổi là không nêm gia vị, không cần thiết phải dùng bột ăn dặm với nhiều loại hạt sẽ ảnh hưởng tiêu hóa của con. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm thế nào?
- Bí quyết để có 1 bát bột ăn dặm thơm ngon cho bé 7 tháng tuổi
- Lượng thực phẩm trong một bát bột của trẻ 7 tháng tuổi
- Gợi ý cách nấu bột ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi
Trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa cấp II Trịnh Minh Châu, Bệnh viện Vinmec Central Park cho biết, bước sang tháng thứ 7, trẻ đã có thời gian làm quen với thức ăn mới ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Đồng thời, khi bước qua giai đoạn này, con đã có những chiếc răng sữa đầu tiên, do đó thức ăn cho bé cũng không hoàn toàn chỉ là bột, cháo xay nhuyễn mà cũng nên thay đổi độ cứng để trẻ thích nghi dần. Việc trải nghiệm các loại thực phẩm khác nhau với độ cứng, mùi vị khác nhau sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé phát triển hơn, đồng thời làm con có hứng thú với bữa ăn hơn.
Trẻ 7 tháng ăn dặm thế nào? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Mẹ có thể quan tâm:
Gợi ý 5 thực đơn cho bé 9 tháng tăng cân tốt và phát triển đúng chuẩn
Bí quyết để có 1 bát bột ăn dặm thơm ngon cho bé 7 tháng tuổi
Dù mỗi mẹ có 1 cách nấu bột cho trẻ khác nhau tùy theo sở thích, nhu cầu dinh dưỡng và nguồn thực phẩm từng mùa và từng vùng miền nhưng để có được thành phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, an toàn cho hệ tiêu hóa và có lợi cho sức khỏe của con, mẹ cần nhớ 1 vài nguyên tắc chung sau đây:
- Không nêm nếm gia vị vào thức ăn để bảo vệ thận của bé.
- Nên nấu bột từ gạo tẻ ngon nghiền nhuyễn, có thể thêm chút gạo nếp để tạo độ sánh. Không cần thiết phải dùng bột ăn dặm với nhiều loại hạt như đậu xanh, đậu đen, hạt sen… có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu.
- Các loại củ nên hấp chín, nghiền nhuyễn, rau xanh bỏ cọng, xay mịn và cho vào sau khi bột và các loại thịt đã chín. Không nên nấu rau củ quá lâu dễ mất chất.
- Bột ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi nên được tăng dần độ thô và giảm dần độ loãng. Định lượng bột từ 20 – 25g/bữa, lượng nước là 250ml, nấu theo tỷ lệ 1:12, 1:10, 1:8.
- Nên nấu đủ lượng bột ăn trong ngày, không nấu sẵn ăn trong nhiều ngày vì giảm độ tươi ngon của thành phẩm và dễ biến đổi chất. Nếu mẹ bận rộn có thể xay nhuyễn, nấu chín nguyên liệu và chia đều thành các phần vừa ăn rồi trữ đông để rút ngắn thời gian chế biến.
Không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn gia vị (Nguồn ảnh: istockphoto)
Lượng thực phẩm trong một bát bột của trẻ 7 tháng tuổi
Cách nấu thức ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi không khó nhưng cần phải có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, vitamin – khoáng chất và chất béo. Bên cạnh chất đạm được bổ sung từ lòng đỏ trứng và các loại thịt trắng như thịt gà, thịt lợn, cá, từ tháng thứ 7 mẹ nên giới thiệu cho bé 1 lượng nhỏ tôm, cua, các loại thịt màu đỏ, đồng thời duy trì cân bằng giữa các loại thực phẩm khác như rau củ, trái cây nằm cung cấp đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Chất béo có thể sử dụng từ các loại dầu ăn dặm cho bé như dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè, dầu hướng dương…
- Bột gạo: 20 – 25gr = 4 – 5 thìa cà phê
- Thịt, cá, tôm: 20 – 30g = 2 -3 thìa
- ½ – 1 lòng đỏ trứng gà
- Dầu (mỡ): 5ml = 1 thìa cà phê
- Rau củ: 20 – 25g = 1 -1,5 thìa
Gợi ý cách nấu bột ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi
- Thực đơn ăn dặm 7 tháng tuổi nên kết hợp 1 bữa bột mặn và 1 bữa bột ngọt giúp con được thay đổi khẩu vị và không bị chán ăn.
- Ngoài nguyên liệu chính là bột gạo, mẹ có thể thay thế bằng các loại củ chứa nhiều tinh bột như khoai lang, khoai tây, bí đỏ kết hợp cùng các loại rau xanh để nấu bột ngọt cho bé.
- Nên quấy tan bột với 2/3 lượng nước sôi để nguội và 1/3 lượng nước còn lại khuấy với thực phẩm bổ sung đã nghiền nhuyễn trước khi nấu để bột không bị vón cục, giúp bé dễ ăn hơn.
- Nấu chín bột rồi mới cho nguyên liệu bổ sung. Có thể dùng nước luộc thịt, cá, rau củ hoặc sữa mẹ, sữa công thức để nấu bột thay cho nước lọc.
- Chọn thực phẩm tươi ngon, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mẹ cũng nên chú ý trong khâu chọn nguyên liệu kết hợp để tránh dị ứng cho trẻ.
Bột gạo rau cải, ức gà
Nguyên liệu
- 20g bột gạo
- 250 ml nước
- 20g thịt ức gà
- 20g lá rau cải xanh
- 1 muỗng cà phê dầu ăn.
Sơ chế
- Thịt ức gà làm sạch, xay nhuyễn
- Rau cải xanh bỏ cọng, rửa sạch, luộc chín, nghiền nhuyễn bằng rây.
Chế biến
- Cho bột gạo vào nước luộc rau đã nguội, hòa cho bột tan và bắc lên bếp nhỏ lửa. Khuấy đều tay để bột không bị vón.
- Sau 2 – 3 phút cho thịt gà đã xay nhuyễn vào khuấy đều. Không cho thịt gà vào nồi lúc hỗn hợp bột nước đã quá nóng vì thịt có thể bị đóng tảng.
- Để lửa nhỏ, khuấy đều tay trong khoảng 7 – 10 phút cho cả bột và thịt gà chín đều. Cuối cùng cho rau xanh đã được sơ chế vào trộn đều rồi tắt bếp.
- Nếu dùng lá rau cải tươi không luộc chín thì có thể cho rau băm nhuyễn vào bột sau khi đã cho thịt gà vào được 3 – 5 phút.
- Thêm 1 thìa cà phê dầu ăn vào thành phẩm, khuấy đều tay rồi múc ra bát, đợi nguội bớt và cho bé thưởng thức. Nên cho con ăn bột khi còn ấm, tránh ăn bột nguội.
Bột cá hồi, bí đỏ
Nguyên liệu
- 25g bột gạo
- 20g cá hồi
- 20g bí đỏ
- Dầu ăn cho bé.
Bột nấu với bí đỏ (Nguồn ảnh: istockphoto)
Sơ chế
- Bí đỏ cắt miếng nhỏ sau đó hấp chín và nghiền nhuyễn
- Ngâm cá hồi trong sữa tươi 3 phút để khử mùi tanh. Rửa sạch, luộc hoặc hấp chín cá, bỏ da, nghiền nhỏ thịt.
Chế biến
- Dùng nước luộc cá nấu bột. Khuấy tan bột trên lửa nhỏ.
- Bột sôi lăn tăn cho thêm cá hồi và bí đỏ vào hỗn hợp, nấu chín trong 10 phút.
- Múc bột ra bát, thêm chút dầu ăn trộn đều. Thành phẩm có độ sánh mượt, vị ngậy thơm. Cho trẻ ăn khi bột còn ấm.
Mẹ có thể quan tâm:
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé – Chi tiết thực đơn cho bé 6-12 tháng
Bột khoai lang, trứng gà
Nguyên liệu
- ½ củ khoai lang tùy to nhỏ
- 1 – ½ lòng đỏ trứng gà
- 25g bột gạo
Sơ chế
- Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín rồi nghiền nhuyễn mịn.
- Đánh tan lòng đỏ trứng gà.
Chế biến
- Nấu sôi bột sau đó cho khoai lang vào nấu cùng đến khi hỗn hợp chín và đồng nhất.
- Cho lòng đỏ trứng gà đã đánh tan vào khuấy đều, đun thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp.
- Thành phẩm có vị ngọt thơm, màu vàng bắt mắt. Múc bột ra đĩa, chờ nguội chút là có thể cho bé thưởng thức.
Bột sườn, rau củ
Nguyên liệu
- Bột gạo: 4 thìa cà phê
- Sườn non: 2 – 3 miếng nhỏ (tránh chọn sườn có nhiều mỡ sẽ khiến trẻ khó tiêu)
- Ngô ngọt, đậu Hà Lan, cà rốt: 5g mỗi loại
- Dầu olive: 1 thìa cà phê
Sơ chế
- Rửa sạch sườn non, trần sơ qua nước sôi cùng chút muối và rửa lại bằng nước lạnh.
- Ngô, đậu Hà Lan, cà rốt rửa sạch, hấp chín, nghiền nhuyễn.
Chế biến
- Sườn non ninh nhừ, gỡ lấy phần thịt rồi xay nhỏ.
- Bột gạo hòa cùng nước ninh sườn rồi khuấy và đun sôi trong khoảng 5 phút.
- Thêm thịt và rau củ đã được sơ chế vào nấu cùng.
- Bột sôi trở lại tắt bếp, cho 1 thìa dầu olive vào đảo đều. Múc bột ra bát chờ nguội bớt và cho trẻ ăn.
Cách nấu bột cho trẻ 7 tháng tuổi với tôm và khoai mỡ
Nguyên liệu
- 25g bột gạo tẻ
- 25g khoai mỡ
- 2 con tôm cỡ vừa
Sơ chế
- Tôm rút chỉ, bỏ vỏ, làm sạch, băm nhuyễn
- Khoai mỡ gọt vở, hấp chín, nghiền mịn
Chế biến
- Tôm xào săn với hành phi thơm.
- Cho bột vào nước khuấy đều tay, đun nhỏ lửa đến khi bột sôi. Cho thịt tôm đã xào vào cùng bột, đảo đều tay, tiếp đến cho khoai mỡ và nấu sôi trở lại.
- Bột chín, tắt bếp, có thể cho thêm 1 thìa dầu ăn và cho bé thưởng thức khi bột còn ấm.
Có nhiều cách chế biến bột cho bé 7 tháng (Nguồn ảnh: istockphoto)
Bột thịt bò, bí đỏ, phô mai
Nguyên liệu
- 30g thịt bò
- 20g bí đỏ
- 25 – 30g bột gạo
- 1 miếng phô mai
Sơ chế
- Thịt bò rửa sạch, băm/xay nhỏ
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng, luộc/hấp chín, nghiền nhuyễn mịn
Chế biến
- Xào săn thịt bò cùng 1 tép tỏi nhỏ cho thơm.
- Cho bột gạo vào nước luộc bí khuấy đều cho bột tan, nấu chín trên lửa nhỏ trong vòng 10 phút.
- Bột chín cho lần lượt thịt bò, bí đỏ trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất. Đun sôi trở lại, cho phô mai đã tán nhuyễn vào cùng và tắt bếp.
- Bột thịt bò, bí đỏ, phô mai có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều năng lượng cần thiết cho bé 7 tháng tuổi. Bột có vị thơm ngon, ngậy ngọt, bé nào cũng thích.
Trong thực đơn cho bé 7 tháng tuổi tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm sau đây: mật ong, sữa bò, bơ và đậu phộng, động vật và hải sản có vỏ, chocolate, lòng trắng trứng, nước trái cây đóng hộp, trái berries, lúa mì, rau sống, nho, nho khô, đường,…Ngoài ra, bé 7 tháng không nên ăn thực phẩm dính như kẹo cao su, trái cây khô, kẹo dẻo,…Trong giai đoạn 7 tháng tuổi bé rất dễ gặp phải bệnh lí về hô hấp, bệnh lí về da và nhiễm trùng hệ tiêu hóa, bố mẹ cần chú ý và nhanh chóng dưa đến các phòng khám để được tư vấn.
Chia sẻ cùng mẹ
Với những gợi ý kể trên, cách nấu bột cho trẻ 7 tháng tuổi đã trở nên đơn giản và không còn khiến mẹ phải đau đầu trong khâu chọn thực đơn nữa rồi phải không? Con sẽ phát triển tốt và hoàn toàn khỏe mạnh nếu được duy trì 1 chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chúc các bé ngon miệng, và chóng lớn với thực đơn thơm ngon, hấp dẫn mẹ làm!
Nguồn tham khảo: Dinh dưỡng và ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi – Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!