Cách nấu bột ăn dặm cho bé ăn nhanh mẹ không kịp đút

Mỗi mẹ sẽ có những phương pháp nấu bột ăn dặm khác nhau. Tuy nhiên, dù dùng cách nấu bột ăn dặm nào, các mẹ cũng nên tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau đây!

Cách nấu bột ăn dặm như thế nào để trẻ ngon miệng, mà vẫn hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng là mối quan tâm của nhiều mẹ bỉm đang trong quá trình cho con ăn dặm. Mời các mẹ cùng theo dõi bài viết sau để bỏ túi cho mình những công thức nấu ăn ngon cho con ăn dặm nhé!

Nội dung bài viết:

  • Cách nấu bột ăn dặm ngọt cho bé
  • Cho bé ăn bột mặn thế nào?
  • Nguyên tắc cần nhớ khi cho trẻ ăn dặm

Hướng dẫn cách nấu bột ăn dặm ngọt

Cách nấu bột ăn dặm ngọt cho bé 6 tháng tuổi là dùng thành phần chủ yếu là trái cây, rau, bột gạo. Bột ăn dặm ngọt sẽ cung cấp đầy đủ vitamin, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Đây là một món ăn đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Để nấu bột ăn dặm ngọt cho bé đúng cách thì các mẹ cần chú ý:

  • Nấu rau củ trước rồi xay nhuyễn và trộn với bột gạo
  • Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm, khi nấu bột gạo nên khuấy bột 1 lúc với nước lạnh. Khuấy đều tay đến khi bột sôi thì trộn thêm rau củ quả đã xay nhuyễn.
  • Không cần thêm gia vị khi trẻ dưới 1 tuổi

Không nên cho gia vị để bé thích nghi với mùi vị tự nhiên nhất

Bạn có thể chưa biết: 

Học ngay cách nấu cháo thịt bò cho bé ăn dặm mau lớn và tăng cân tốt

Bác sĩ gợi ý những thực phẩm bổ dưỡng giúp bé 6 tháng tập ăn dặm dễ dàng

Các mẹ có thể tham khảo cách nấu bột cho trẻ ăn dặm với các công thức dưới đây:

Công thức bột với đu đủ và lê

Nguyên liệu:

  • 4 thìa bột ăn dặm.
  • 2 thìa đu đủ xay nhuyễn.
  • 2 thìa lê xay nhuyễn.
  • Một thìa sữa công thức hoặc sữa mẹ.

Bạn có thể chưa biết:

Mẹ có biết lượng bột chuẩn cho bé 6 tháng mới ăn dặm?

Bé 7 tháng tuổi ăn dặm mấy bữa và cách ăn dặm cho trẻ trong giai đoạn này

Cách nấu bột cho bé với đu đủ và lê:

  • Gọt đu đủ chín, tráng bằng nước sôi và để nguội.
  • Cắt đu đủ thành miếng nhỏ rồi trộn với sữa công thức/sữa mẹ và xay nhuyễn.
  • Cho lê vào nồi rồi đổ nước xăm xắp. Đun đến khi chín mềm và nghiền nhuyễn bằng máy xay.
  • Trộn đu đủ, lê và bột ăn dặm với nhau để bé thưởng thức.

Công thức bột ngọt với bí đỏ

Bột ăn dặm ngọt chứa nhiều vitamin, dưỡng chất

Nguyên liệu:

  • 20gr bột gạo.
  • 30gr bí đỏ
  • Ít sữa mẹ/sữa công thức.
  • 15ml dầu ăn.

Cách nấu bột ăn dặm ngọt với bí đỏ:

  • Bước 1: Rửa sạch và cắt nhỏ bí đỏ. Sau đó hấp cách thủy hoặc luộc chín rồi dùng máy xay nhuyễn.
  • Bước 2: Hòa tan 20gr bột gạo với 200ml nước lạnh. Bật lửa nhỏ và đặt nồi lên bếp, khuấy đều tay để bột sánh mịn. Cho thêm bí đỏ xay nhuyễn và đảo đều.
  • Bước 3: Khi bột chín tới, mẹ hãy cho thêm dầu ăn. Sau cùng, hãy bắc nồi xuống và cho thêm ít sữa để tăng thêm hương vị thơm ngon cho bé ăn dặm.

Hướng dẫn cách nấu bột ăn dặm mặn

Khi làm bột ăn dặm mặn cho bé, mẹ nên đảm bảo có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, vitamin & khoáng chất, chất béo.

  • Đạm thì ngoài thịt, cá, tôm, cua, trứng, các mẹ có thể dùng đậu hũ, đậu nành, đậu xanh…
  • Vitamin & khoáng chất thì dùng các loại rau củ như rau dền, mồng tơi, cải ngọt, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt… Rau có màu càng đậm thì càng nhiều vitamin. Các mẹ nên lưu ý thêm là không nên nấu lâu vì sẽ mất chất.
  • Chất béo thì có thể dùng dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,…

Bột ăn mặn nên có đủ đạm, vitamin & khoáng chất, chất béo

Thứ tự giới thiệu các loại thịt/cá cho bé:

  • Thịt lợn: với hơn 20 loại axit amin thiết yếu, có khả năng kích thích dịch vị của bé tiêu hóa tốt. Có thể giới thiệu thịt lợn cho bé ăn dặm từ cuối 6 tháng tuổi. Lưu ý mẹ nhớ bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn
  • Thịt gà giàu protein nên chỉ nên cho bé ăn khi được 7 tháng tuổi, khi hệ tiêu hóa đã khá hoàn chỉnh và có khả năng hấp thu protein dễ dàng
  • Cho bé ăn thịt bò từ tháng thứ 8
  • Trứng: Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên được cho ăn lòng đỏ trứng và ăn từ khi được 7 tháng trở đi
  • Cá nước ngọt có thể ăn từ tháng thứ 7
  • Các loại cua, lươn, tôm nước ngọt: Ăn khi trẻ được 8 tháng trở đi

Công thức nấu bột ăn dặm mặn cho trẻ

  • 200ml nước
  • 10g đạm (thịt/cá/tôm...) băm nhuyễn
  • 10g rau/củ băm nhuyễn
  • 5g dầu ăn (~1 muỗng)
  • ½ muỗng cafe nước mắm

Cách chế biến bột mặn cho trẻ

  • Đầu tiên, cho thịt, cá đã băm nhuyễn xong thì các mẹ tán trong nước nguội trước cho tan đều (không nên cho thẳng vào nước sôi).
  • Tiếp theo, cho bột vào rồi bắc bếp, quấy đều tay cho đến khi bột chín.
  • Cuối cùng, cho vào rau củ, dầu ăn và nước mắm, đậy nắp đến lúc sôi trở lại thì tắt bếp.

Nguyên tắc cần nhớ khi cho trẻ ăn dặm

Mỗi mẹ sẽ có những phương pháp nấu bột ăn dặm khác nhau. Tuy nhiên, dù dùng phương pháp nào, các mẹ cũng nên tuân theo một số nguyên tắc cơ bản dưới đây:

  • Ăn dặm từ ngọt đến mặn: Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn bột dặm ngọt trước để hệ tiêu hóa của bé thích nghi dần dần với thức ăn.
  • Ăn dặm từ ít đến nhiều: Trong lần đầu tiên, mẹ chỉ nên cho bé ăn một ít để đảm bảo bé dung nạp được thức ăn. Nên bắt đầu với khoảng ½ chén trước và tăng dần dần lượng bột lên.
  • Ăn dặm từ loãng đến đặc: Trước tiên, mẹ nên nấu loãng để bé ăn ngon miệng, do bé vẫn còn đang quen với sữa mẹ
  • Không nên bổ sung quá nhiều chất đạm khi làm bột ăn dặm cho bé: Các mẹ nên cân bằng các nhóm thực phẩm, không nên chỉ cho bé ăn thịt, cá, trứng. Điều này sẽ giúp cho bé không bị rối loạn tiêu hóa.
  • Thêm dầu thực vật/dầu cá: 60% não bé được cấu tạo từ chất béo nên khi nấu bột ăn dặm cho bé thì các mẹ hãy thêm vào một ít dầu thực vật hoặc dầu cá.
  • Không nên dùng gia vị nấu bột ăn dặm cho bé như: Muối, bột ngọt, hạt nêm... Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, nếu sử dụng quá nhiều chất bảo quản sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho trẻ. Trong bột ngọt chứa rất nhiều glutamate gây ức chế thần kinh trẻ, co giật, đau đầu… Việc lạm dụng bột ngọt sẽ khiến trẻ hấp thụ canxi kém dẫn tới tình trạng loãng xương. Hãy nhớ khẩu vị của trẻ dưới 1 tuổi nhạt hơn người lớn rất nhiều nên không cần bất kì loại gia vị nêm nếm nào khác.

Thời điểm phù hợp để cho bé ăn dặm

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long: 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để bé làm quen với việc ăn dặm. Lúc này năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, ít hơn nhu cầu của bé là khoảng gần 700kcal/ngày. Ăn dặm đúng cách sẽ giúp bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này.

  • Nếu cho con ăn trước 4 tháng thì dễ khiến bé bỏ bú mẹ, làm mất các chất dinh dưỡng thiết yếu và quan trọng từ sữa mẹ. 
  • Nếu cho bé ăn dặm muộn sau 6 tháng tuổi thì sẽ khiến bé tăng trưởng chậm vì sữa mẹ không đủ để cung cấp cho bé.

Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi đã giúp các bà mẹ biết được các cách nấu bột ăn dặm cho trẻ vừa dễ dàng lại đủ chất dưỡng để bé phát triển toàn diện!

Nguồn thông tin: Ăn dặm ở trẻ: Thế nào là hợp lý? - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Nguyenthi Huyen