Bóc tách túi thai có nguy hiểm không? Dù bóc tách thai ở mức độ ít hay nhiều thì tình trạng này đều có nguy cơ đe dọa sức khỏe thai nhi. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Bóc tách túi thai là gì?
- Bóc tách thai có nguy hiểm không?
- Làm thế nào để nhận biết mẹ bầu đang bị bóc tách túi thai?
- Nguyên nhân gây ra bóc tách túi thai
- Mẹ bầu nên xử lý như thế nào khi có hiện tượng bóc tách thai?
- Chế độ dinh dưỡng nhằm giúp mẹ bầu an thai
Bóc tách túi thai là gì?
Trong thuật ngữ siêu âm, bóc tách túi thai dùng để chỉ hiện tượng có máu tụ quanh túi thai, xảy ra khi bánh nhau thai bị tách ra khỏi niêm mạc tử cung thay vì gắn liền vào như bình thường.
Ngoài ra tụ dịch quanh túi thai, động thai… còn là tên gọi khác của tình trạng này và nó là một biến chứng xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ (thường được phát hiện qua siêu âm). Mức độ nhau thai bị bóc tách sẽ quyết định đến mức độ an toàn của thai nhi trong bụng mẹ.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phùng Thị Lý – Bác sĩ Sản khoa – Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mẹ phải bóc tách túi thai như:
- Mẹ vận động, di chuyển đi lại nhiều
- Mẹ mắc các bệnh như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, bất thường về nước ối
- Thai phụ có tiền sử nhau bong non, từng bóc tách túi thai trước đó
- Người mẹ có bệnh lý nền như cao huyết áp, rối loạn đông máu, bệnh tuyến giáp, tiểu đường
- Mẹ nghiện thuốc lá, rượu bia, chất kích thích…
Có thể bạn chưa biết:
Mẹ bầu hãy thận trọng khi có những dấu hiệu động thai này
Bóc tách túi thai có nguy hiểm không?
Bánh nhau có vai trò quan trọng giúp cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho từ mẹ qua thai nhi và vận chuyển chất thải từ thai nhi về mẹ. Do đó, việc túi thai bóc tách sẽ làm cản trở quá trình tuần hoàn giữa mẹ và thai, khiến thai không nhận được chất dinh dưỡng để duy trì sự sống từ mẹ.
Thai bị bóc tách có nguy hiểm không? Với thai dưới 20 tuần, khi có bóc tách bánh nhau nghĩa là có tình trạng dọa sảy. Tùy vào mức độ bóc tách mà ảnh hưởng đến thai nhi nhiều hay ít. Nếu chỉ bóc tách 10% thì khả năng dưỡng thai là khá cao nếu tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Bóc tách bánh nhau 30% ở 3 tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ sảy thai là 50%. Bóc tách trên 50% trở lên rất khó bảo toàn tính mạng cho thai nhi, nguy cơ sảy thai là tất yếu.
Thêm vào đó, khi nhau thai bóc tách khỏi thành tử cung, sức khỏe người mẹ cũng sẽ bị đe dọa. Bởi vì mạch máu ở mặt sau nhau thai bị tổn thương nên khiến người mẹ mất máu nhiều. Có mẹ bị chảy máu suốt một tháng, sụt ký, sức khỏe suy giảm…
Làm thế nào để nhận biết mẹ bầu đang bị bóc tách túi thai?
Rất nhiều mẹ bầu lo lắng khi nghe nói nhiều đến việc bóc tách túi thai khi mang bầu và nhiều người khi phát hiện bị bóc tách đã quá muộn không thể giữ được thai nhi. Do đó mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu như:
- Dấu hiệu đầu tiên là râm ran vùng bụng dưới
- Ra máu âm đạo
- Đau lưng, đau bụng quặn từng cơn
- Sau khi siêu âm bác sĩ sẽ phát hiện khối máu tụ nằm phía sau nhau thai
Tuy nhiên mẹ bầu nên biết rằng dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết được thai bị bóc tách chính là xuất huyết âm đạo. Sau đó, mẹ sẽ được siêu âm thai và phát hiện khối máu tụ nằm quanh túi thai.
Nguyên nhân gây ra bóc tách túi thai
Các chấn động khi mang thai
Chẳng hạn mẹ bị ngã, va đập vào đâu đó…
Bất thường về nhiễm sắc thể của phôi thai
Nghĩa là ngay trong quá trình thụ tinh, nhiễm sắc thể của bố và mẹ kết hợp với nhau đã có vấn đề. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thai nhi sẽ bị đào thải một cách tự nhiên hoặc thậm chí mẹ có thể bị sảy thai trước khi biết mình mang thai.
Người mẹ có bệnh lý, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nội khoa và tử cung
- Mẹ bầu có tiền sử bị bóc tách túi thai trong những lần mang thai trước đó. Việc có tiền sử này ở hầu hết căn bệnh ở mẹ bầu đều rất nguy hiểm và có nguy cơ bị di chứng sang những lần mang thai khác.
- Thai phụ bị cao huyết áp và có thói quen sử dụng bia rượu trước khi mang thai và trong quá trình 3 tháng mang thai đầu tiên của thai kỳ.
- Túi thai bị nhiễm trùng dẫn tới nội tiết tố của nước ối thay đổi bất thường. Trong trường hợp này nếu mẹ bầu không phát hiện ra sớm sẽ khiến cho vị trí túi thai bám ở tử cung bị viêm nhiễm dẫn tới hiện tượng bóc tách.
- Mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh như: u nang, u sơ, sẹo tử cung
- Các bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, ký sinh trùng hay nấm, nhiễm độc…
- Thai phụ bị các bệnh như suy hoàng thể, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường..
- Các mẹ bị cao huyết áp, rối loạn đông máu
Mẹ bầu nên xử lý như thế nào khi có hiện tượng bóc tách thai?
Khi thấy những dấu hiệu như vừa kể trên thì mẹ hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra toàn diện và siêu âm thai để xác định mức độ phát triển của thai nhi.
Trong trường hợp bóc tách túi thai, nếu phát hiện sớm, các bác sĩ thường khuyên sản phụ nên nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, dùng thuốc dưỡng thai thì khả năng thai vẫn phát triển tốt.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần hiểu một điều rằng không có một tỉ lệ chắc chắn một trăm phần trăm nào về việc điều trị sẽ giúp thai phát triển hoàn toàn tốt, vì còn tùy thuộc vào những bất thường của thai (về mặt nhiễm sắc thể hay hình thái).
Có những thai nhỏ trên siêu âm chưa thấy được bất thường nhưng theo qui luật đào thải tự nhiên thì những thai đó sẽ tự thoái triển, bong tróc và sẩy thai
Về thuốc dưỡng thai, mẹ bầu có thể được kê Progesteron (Progesteron loại thiên nhiên: Utrogestan đặt âm đạo ngày 1v x 2) để bổ sung nội tiết, hạn chế nguyên nhân dọa sẩy thai, động thai do thiếu hụt nội tiết.
Có thể bạn chưa biết:
Sản phụ nên làm gì khi thai bị bóc tách?
- Tỷ lệ bóc tách túi thai 10%: Nếu sản phụ tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn dưỡng thai của bác sĩ thì không cần lo lắng vì khả năng giữ lại thai rất cao.
- Bóc tách túi thai 20 có nguy hiểm không? Khả năng giữ thai ở mức độ bóc tách này còn liên quan đến nguyên nhân đe dọa sảy thai. Sự tuân thủ các hướng dẫn điều trị của mẹ bầu cũng góp phần quyết định kết quả. Nếu có dấu hiệu bóc tách bánh nhau nhưng túi phôi vẫn còn và thai nhi vẫn phát triển thì mẹ bầu không cần quá lo lắng. Bạn hãy nghỉ ngơi, kiêng quan hệ tình dục, ăn uống bồi bổ… để tăng khả năng giữ được thai.
- Tỷ lệ bóc tách túi thai 30%: Nếu tỷ lệ bóc tách khoảng 30% trong 3 tháng đầu thai kỳ thì khá nguy hiểm. Lúc này nguy cơ thai lưu, động thai, sảy thai có thể lên đến 50%.
Chế độ dinh dưỡng nhằm giúp mẹ bầu an thai
Mẹ bầu nên chia ra làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Điều này vừa giúp mẹ hấp thu dễ dàng và phòng tránh nôn ọe trong những tháng đầu.
Thai phụ cần được tăng cường ăn các thực phẩm giàu protein, chất xơ, canxi, folic… như cá, thịt gà, thịt bò… nhưng cần tránh các loại đồ ăn chứa nhiều mỡ, nhiều gia vị cay nóng.
Một số món ăn thường dùng cho các mẹ trong giai đoạn này được bác sĩ khuyên như:
- Các món đậu đỗ như đậu đen, đậu đỏ, mè vừng
- Cháo hạt sen
- Canh gà hầm
- Cháo cá chép
Bóc tách túi thai có nguy hiểm không? Nhìn chung bóc tách thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân mà đôi khi mẹ bầu không thể tự mình nhận biết. Chính vì vậy để thai nhi được đảm bảo phát triển tốt, mẹ bầu cần lưu ý về các dấu hiệu bóc tách thai như trên cũng như tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ dẫn và điều trị của bác sĩ trong suốt thời gian thai kỳ.
Nguồn tham khảo: Thai 12 tuần bóc tách 10% có sao không? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!