Bổ sung vitamin A qua khẩu phần ăn hàng ngày thường sẽ không đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho cơ thể của trẻ và trẻ cần bổ sung thêm vitamin A từ nguồn khác. Trong mọi trường hợp, mẹ không nên chủ quan mà hãy theo dõi sát sao lượng vitamin đưa vào cơ thể con mình.
Nội dung bài viết:
- Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin A cho trẻ sơ sinh
- 1 số lưu ý khi bổ sung vitamin A cho trẻ.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin A cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vitamin A là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, là vitamin tan trong chất béo và hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh. Loại vitamin này không tồn tại dưới dạng 1 hợp chất duy nhất mà dưới 2 dạng chính:
- Retinol: Có trong nhiều thực phẩm nguồn gốc động vật, có thể được cơ thể hấp thu trực tiếp
- Caroten: Có nhiều trong thực vật và cần được chuyển thành dạng retinol thì cơ thể mới hấp thụ được.
Phần lớn các nguyên nhân khiến trẻ nhỏ còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm lớn là do thiếu hụt vitamin A. Vitamin A giống như một hormone tác động tới sự phát triển ở các mô trong hệ cơ xương. Bổ sung đầy đủ vitamin A sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và bình thường.
Tăng cường thị lực
Cung cấp đủ vitamin A cho bé sẽ giúp trẻ tăng cường chức năng của thị giác. Trẻ có thể nhìn rõ cả kể trong trường hợp ánh sáng yếu.
Thiếu hụt vitamin A, trẻ sẽ có hiện tượng như quáng gà, sợ di chuyển ở nơi không đủ ánh sáng. Hoặc khi chập tối, trẻ thường nhút nhát, ngồi một chỗ, không dám đi. Thậm chí, nếu đi, trẻ lại dễ bị ngã, dễ va chạm vào các vật ở xung quanh… Để thuyên giảm tình trạng này, bạn cần bổ sung vitamin A cho con càng sớm càng tốt.
Tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ
Đây là một trong những lợi ích quan trọng và hiệu quả nhất của vitamin A.
Cung cấp đầy đủ vitamin A sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Trẻ sẽ hạn chế nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác nhau. Ví dụ như: Nhiễm trùng, sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, viêm tai giữa, uốn ván, lao,…
Đặc biệt, vitamin A hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả bệnh ung thư. Thiếu hụt vitamin A sẽ khiến cơ thể trẻ tăng mức độ của các phân tử gây viêm. Chức năng của hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm theo.
Giúp bảo vệ biểu mô, niêm mạc
Vitamin A sẽ giúp bảo vệ các biểu mô, cả biểu mô giác mạc lẫn dưới da. Đồng thời, cả niêm mạc ruột non, niêm mạc khí quản… cũng được bảo quản. Từ đó duy trì cấu trúc thông thường của niêm mạc và da, giúp tăng khả năng lành các vết thương.
Bạn có thể chưa biết:
Bé trai bị mù mắt do thiếu vitamin A! Sơ ý của cha mẹ có thể khiến con khuyết tật cả đời
Thiếu vitamin A có thể là nguyên nhân bé sinh ra không có mắt?
Một số lưu ý khi bổ sung vitamin A cho trẻ sơ sinh
- Sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào nhất. Do đó, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu.
- Ngay sau khi vừa sinh con, mẹ nên bổ sung vitamin A liều cao, khoảng 200.000 IU. Điều này sẽ bảo đảm cho sữa mẹ có đủ hàm lượng vitamin A cho con.
- Nếu trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, mẹ có thể bổ sung thêm vitamin A theo đúng liều lượng của bác sĩ. Cách uống vitamin A cho trẻ là tuyệt đối không tự ý bổ sung mà cần tuân theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Trẻ sinh đủ tháng, trẻ bú mẹ hoàn toàn có cần bổ sung vitamin A không? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Vitamin A là một loại dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, góp phần tăng cường sức đề kháng, giúp tăng thị lực, bảo vệ mắt, phòng tránh các bệnh về mắt cho trẻ.
Sữa mẹ là một nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, vì vậy trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ và không cần uống bổ sung vitamin A. Trong trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi và không bú sữa mẹ, cần cho trẻ uống vitamin liều 50.000 đơn vị để cung cấp đủ lượng cần thiết. Từ 6 tháng tuổi, trẻ chuyển qua ăn dặm nên lượng vitamin A hấp thu không đủ, trẻ cần được uống bổ sung vitamin A liều cao. Đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, cần cho trẻ bổ sung 100.000 đơn vị và trẻ từ 12 đến 60 tháng tuổi cần 200.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.
Nhiều gia đình cẩn thận kiểm tra nồng độ vitamin A trước khi bổ sung cho trẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ lại không hoan nghênh điều này. Kết quả kiểm tra qua máu không phản ánh chính xác lượng vitamin A ở gan. Khi phát hiện những bất thường ở máu, trẻ đã thiếu vitamin A trầm trọng.
Mẹ cũng không cần quá lo lắng khi cung cấp vitamin A liều cao cho con. Gần như vitamin A liều cao sẽ không gây nên tác dụng phụ nào. Tuy nhiên ,vẫn xuất hiện một số rất ít các triệu chứng với bé có cơ thể nhạy cảm. Ví dụ như nôn, đi ngoài, các triệu chứng này sẽ tự biến mất sau 1-2 ngày.
Dấu hiệu thừa hoặc thiếu vitamin A ở trẻ sơ sinh là gì?
Theo bác sĩ Nam, nếu không được bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết, trẻ sẽ mệt mỏi, chậm lớn, da và tóc khô, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa.
Trong trường hợp trẻ được bổ sung lượng vitamin A quá mức dẫn đến dư thừa, trẻ dễ bị ngộ độc mạn tính với các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, da phát ban đỏ, bong vẩy, môi khô nứt, vàng da ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ nhỏ có thể bị tăng áp lực nội sọ, thóp phồng, đau đầu, co giật.
Vì vậy phụ huynh cần lưu ý bổ sung vitamin A cho trẻ theo đúng độ tuổi để đảm bảo sự phát triển thể chất toàn diện cho trẻ.
Trẻ mấy tháng uống vitamin A? Hiện nay, hàng năm đều có hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ và mẹ sau sinh. Không chỉ ở thành phố, hoạt động này được tổ chức rộng rãi tại các xã, phường, thị trấn trong cả nước. Các gia đình có trẻ nhỏ nên sắp xếp thời gian để đưa trẻ đến các điểm uống vitamin theo đúng lịch và đầy đủ để giúp trẻ phát triển toàn diện nhất.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!