Trước khi đi vào nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng bé biếng ăn, cha mẹ cần hiểu rõ mức tăng cân năng và biểu đồ phát triển của con đang ở mức nào và sức khỏe của bé có đáng báo động hay không?
– Trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng tuổi, trung bình cân nặng bé cần tăng là từ 700g-800g.
– Từ 4-6 tháng tuổi, thông thường cân nặng bé sẽ tăng thêm từ 500-600g cho mỗi tháng, ít hơn so với 3 tháng tuổi đầu tiên của trẻ.
– Khi bé tròn 7-8 tháng tuổi, bình quân mỗi tháng bé sẽ tăng thêm 400g. Một số trẻ có thể tăng nhiều hơn thế hoặc ít hơn chuẩn này một chút.
– Từ 9 tháng – 1 năm tuổi, con sẽ không tăng cân nhiều nữa. Mỗi tháng trung bình cân nặng của trẻ chỉ lên tầm 300-350g mà thôi.
Như vậy nếu con vẫn có một mức tăng nhất định và biểu đồ đi lên (dù có thể cân nặng của con không bằng trẻ khác) thì vẫn chưa nên kết luận là con biếng ăn và có vấn đề về sức khỏe thật sự hay không.
Nguyên nhân nào khiến bé 1 tuổi biếng ăn vào lứa tuổi này?
Trẻ 1 tuổi biếng ăn thường xuất phát từ 3 lý do chính:
Con biếng ăn do sinh lý
Những lúc con đang tập lẫy, ngồi, bò hay một kĩ năng mới nào đó, trẻ cần rất nhiều sự tập trung để rèn luyện chúng. Đây chính là lý do giải thích tại sao bé ăn sữa ít đi, bỏ một vài bữa ăn dặm hoặc quấy khóc, giờ ngủ thất thường. Biếng ăn sinh lý thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Khi con đạt được kĩ năng thì cũng là lúc bé sẽ ăn uống lại như bình thường.
Mẹo cho mẹ: Giai đoạn này hãy tôn trọng bé, nương theo nhu cầu của bé, không cố ép mà khiến con sợ ăn.
Con biếng ăn do sức khỏe
Bé đang mọc răng, con bị sốt, cảm cúm, nghẹt mũi, … những căn bệnh “nhẹ” phổ biến với trẻ trong giai đoạn 1 tuổi nhưng lại diễn ra rất thường xuyên.
Vì thế, nếu con ăn ít hay thậm chí không chịu ăn, mẹ cần hiểu để cải thiện tình hình bằng các cách sao cho phù hợp với thể chất bé lúc này.
Ảnh: Bé biếng ăn dặm
Bé biếng ăn do tâm lý
Đây cũng là lý do chính và vấn đề gặp phải nhiều nhất của các ông bố bà mẹ có con ở tuổi này, đặc biệt là các bé khi bước sang thời điểm ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quên rằng, dưới 1 tuổi sữa vẫn là thức ăn chính của con.
Do đó, nếu trẻ chưa ăn được lượng nhiều thì cũng không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là bé cần đạt được các kĩ năng ăn cần thiết khi tròn 1 tuổi. Đó là khả năng nhai nuốt, ăn thô tốt và bắt đầu biết cầm thìa xúc.
Giải pháp nào cho tình trạng biếng ăn của con?
Bé biếng ăn trong giai đoạn 1 tuổi có thể chia làm 2 nhóm. Dưới 6 tháng tuổi, con biếng ăn sữa và từ 6 tháng con biếng ăn dặm. Tùy vào tình hình mà mẹ nên có cách xử lý phù hợp.
Với bé dưới 6 tháng tuổi biếng ăn sữa
Khi này mẹ cần xem xét lại lịch sinh hoạt, chế độ ăn ngủ của trẻ có phù hợp với tháng tuổi của con hay không. Chẳng hạn nếu bé đã 4 tháng tuổi, thời gian ăn sữa có thể cách nhau 3-4 tiếng đồng hồ mà mẹ vẫn cho ăn lịch dày đặc, bé chưa đói cũng sẽ không ăn hoặc ăn ít đi. Do đó, nếu con biếng ăn sữa, mẹ có thể:
1. Giãn cữ sữa cho con
Kéo dài thời gian giữa các bữa. Nếu cho ăn mà con không chịu thì tạm thời cất đi. Chờ thêm và tiếp tục mời bé.
2. Tạo không gian yên tĩnh, giảm bớt sự thu hút chú ý đối với trẻ
Bé càng lớn, con sẽ càng dễ mất tập trung với môi trường xung quanh khi ăn sữa. Do đó, mẹ có thể cho bé ăn trong phòng với ánh sáng vừa phải, không người qua lại, tiếng động ồn ào. Có thể vắt một chiếc khăn lên vai để bé ngắm trong lúc ăn sữa.
3. Tăng cường các bài tập vận động
Những lúc con tỉnh táo, mẹ cần cho bé được tự do vận động dưới sàn, trong môi trường an toàn. Bé hoạt động nhiều sẽ dễ ăn uống hơn.
Ảnh: Bé biếng ăn có thể do vấn đề tâm lý
Bé biếng ăn dặm trên 6 tháng tuổi
Mẹ cũng cần điều chỉnh lịch ăn của con sao cho phù hợp với tháng tuổi của trẻ. Xem xét vấn đề giấc ngủ và cách chế biến thức ăn dặm sao cho bé thấy thích thú hơn.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm, truyền thống, kiểu Nhật hay ăn dặm tự chỉ huy. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng thích một cách ăn nào đó giống như nhau.
Một số trẻ thích tự mình được ăn, có thể tập cầm đồ ăn thô ngay từ đầu. Nhưng cũng có những trẻ muốn được ăn đồ mềm và mẹ xúc cho ăn.
Dưới đây là một vài cách để giúp mẹ cải thiện tình trạng biếng ăn dặm của con:
Lựa chọn cách chế biến đồ ăn mà con thấy thích thú
Một số bé không thích ăn cháo nhưng lại rất hứng thú với các món nghiền nhuyễn trộn sữa mẹ. Bé không muốn ăn cơm nát nhưng thích gặm bánh mì. Con chỉ ăn cháo nguyên hạt chứ không phải là dạng lỏng. Mẹ nên thử lần lượt, hàng ngày. Từ ít đến nhiều để con được thích nghi dần dần và tìm ra sở thích của riêng con.
Ảnh: Bé biếng ăn sẽ thích thú nếu con được tự ăn đồ chế biến phù hợp
Bé ăn bố mẹ cũng ăn
Trẻ lứa tuổi này thích bắt chước. Cả nhà cùng ăn uống vui vẻ, con sẽ học theo và có hứng thú ăn uống hơn.
Không nhất thiết lúc nào cũng phải ăn cơm ở nhà
Một số trẻ thường thích không khí khác lạ và các món ăn được chế biến trình độ “đầu bếp” ở quán hay nhà hàng. Nếu có điều kiện, những ngày cuối tuần, bố mẹ hãy cho bé thưởng thức không gian ăn uống mới mẻ với món ăn chế biến phù hợp với con tại những quán ăn xinh xắn.
Vận động thật nhiều con nhé
Cùng nhau tập bò, đi, dạo chơi, ném bóng, hoạt đông thật nhiều với bố mẹ, v.v. Con được vận động thường xuyên cơ thể mới cần nạp nhiều năng lượng. Bé sẽ ngon miệng hơn sau mỗi lần chơi như thế.