Bé ăn gì để thông minh là điều mà nhiều mẹ quan tâm. Có 3 giai đoạn quan trọng mà não bộ của con phát triển nhanh chóng là: thai kỳ, trẻ sơ sinh và trẻ tập đi.
Trong thời gian mang thai, mẹ cần ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng như: đu đủ, cà rốt, cải xoăn, thịt gà, thịt bò,… để não bộ của thai nhi hình thành và phát triển khỏe mạnh. Giai đoạn trẻ sơ sinh, trong 6 tháng đầu đời, con nên bú sữa mẹ hoàn toàn. Những tháng tiếp theo, bên cạnh việc sử dụng sữa, trẻ nên ăn các thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng đa lượng và riêng lẻ. Giai đoạn trẻ mới chập chững biết đi, cha mẹ cần bổ sung thêm iot, acid béo omega-3, sắt,… trong bữa ăn hàng ngày của con.
Hãy đọc bài viết của Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur và Founder tại H&H Nutrition để biết được:
- Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với giai đoạn phát triển của con
- Mẹ bầu nên bổ sung những chất gì để thai nhi phát triển tốt?
- Trẻ sơ sinh cần ăn gì để thông minh?
- Bé mới tập đi nên bổ sung dưỡng chất gì để giúp não phát triển nhanh chóng?
Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với những giai đoạn phát triển của con
Chế độ dinh dưỡng tốt trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng giúp con phát triển tốt. Trong suốt cuộc đời, bộ não con người không ngừng phát triển và thay đổi. Đặc biệt trong ba tháng cuối của thai kỳ và hai năm đầu đời là giai đoạn bộ não phát triển nhanh nhất. Do đó, con cần bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp để nuôi dưỡng sự phát triển nhanh chóng của não. Một chế độ dinh dưỡng kém sẽ ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đối với sự phát triển não bộ của bé.
Bạn có thể chưa biết:
Bé 9 tháng ăn yến sào được không? Nên ăn gì để bé mau lớn, khỏe mạnh và thông minh?
Cách bổ sung chất dinh dưỡng trong từng giai đoạn phát triển của con
Có ba giai đoạn phát triển quan trọng trong 1.000 ngày đầu tiên của con là: thai kì, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Lúc này, bộ não của bé đang phát triển nên dễ bị tổn thương nếu dinh dưỡng kém, thiếu các chất quan trọng cho hoạt động nhận thức và kết nối thần kinh. Thêm vào đó, việc cải thiện dinh dưỡng trong giai đoạn trước khi sinh sẽ hỗ trợ nhiều trong việc cho con bú và giai đoạn trẻ mới biết đi.
Thời kỳ mang thai
Trong 2-8 tuần đầu tiên của thai kỳ, sự phát triển cơ bản của thai nhi đã hình thành. Do đó, tình trạng dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển phôi sớm, giúp hình thành cơ quan và phát triển thần kinh. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì, chất dinh dưỡng được thai nhi hấp thụ để sử dụng sau khi sinh. Vì vậy, mẹ cần tập trung bổ sung những dưỡng chất thiết yếu trong giai đoạn này.
Trong thời gian mang thai, não bộ thai nhi bắt đầu phát triển rất sớm. Nguyên liệu thúc đẩy sự hình thành này chính là nguồn dinh dưỡng mà con nhận được thông qua chế độ ăn uống của mẹ.
Từ khi bắt đầu mang thai, các chất dinh dưỡng cần thiết trong bụng mẹ đã tạo ra các tế bào thần kinh mới. Các tế bào này hình thành mô, truyền và nhận các xung thần kinh. Thêm vào đó, chất béo trong cơ thể có nhiệm vụ làm tăng tốc độ của các xung thần kinh, bao bọc các sợi trục bằng myelin. Một khi người mẹ không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho nhu cầu chuyển hóa như protein, axit béo hoặc các vi chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ, thì các quá trình phát triển thần kinh quan trọng này có thể bị suy giảm.
Một số chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng não bộ khi mang thai gồm: carotenoid, choline, folate, iot, sắt, protein, kẽm và acid béo omega-3.
- Carotenoid: đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mắt, não và hệ thần kinh của trẻ. Chất này có trong trái cây và rau quả nhiều màu sắc như: cà rốt, đậu Hà Lan, cải bó xôi, đu đủ, bí đỏ, khoai lang,…
- Choline: là chất có khả năng tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và các phân tử cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Ngoài ra, chất này còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhận thức của trẻ. Choline chứa nhiều trong các loại thực phẩm như thịt nạc (gà, heo, bò,…), cá, trứng, bơ đậu phộng, bông cải xanh,…
- Folate: giúp phát triển ống thần kinh của thai nhi, hỗ trợ tổng hợp ADN và chuyển hóa acid amin. Chất này có trong một số loại rau quả và trái cây như: cam, bơ, cải bó xôi, bông cải xanh,…
- Kẽm hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh tự chủ, hồi hải mã và tiểu não. Nó chứa nhiều trong các thực phẩm như: nhóm thủy sản (sò, cua, ghẹ,…); mộc nhĩ (nấm mèo); nhóm hạt (hạt điều, đậu hà lan…); thịt; trứng…
- Sắt tác động đến quá trình hình thành myelin của các sợi thần kinh và ảnh hưởng đến tốc độ xử lý của não.
- Hậu quả khi mẹ bầu thiếu sắt: Con thiếu sắt từ trong bụng mẹ và sau khi sinh liên quan đến tổn thương hành vi thần kinh lâu dài và có thể không hồi phục được, ngay cả khi được điều trị bằng sắt. Hơn nữa, việc thiếu sắt trầm trọng ở người mẹ sẽ khiến vận chuyển sắt từ mẹ sang thai bị hạn chế, dẫn đến thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và thâm hụt về nhận thức lâu dài.
- Thực phẩm chứa sắt: có nhiều trong nhóm thịt và các sản phẩm chế biến (tiết bò, tiết lợn, gan lợn,…); nhóm hạt (hạt vừng, đậu tương, đậu đỏ, đậu đen,…); nhóm rau (mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay,..); nhóm ngũ cốc (gạo lứt, bột gạo tẻ…); nhóm trái cây.
- Acid béo omega-3, đặc biệt là DHA rất quan trọng để hỗ trợ thai kì khỏe mạnh. Hơn nữa, chất này còn phát triển não bộ, thị giác và hỗ trợ sự phát triển tổng thể cho thai nhi. Để cung cấp đủ lượng omega-3 được khuyến nghị, mẹ nên ăn cá biển sâu từ 2-3 lần/tuần, mỗi bữa không quá 150g. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung một số thực phẩm giàu omega-3 khác từ: nhóm cá (cá trích, cá thu, cá nục, cá hồi,…); nhóm dầu (dầu đậu tương, dầu ô liu,…)
- Iot: hoạt động song song với tuyến giáp. Trong thời kì mang thai, nhu cầu iot của mẹ tăng lên ≥ 50%. Nguyên nhân là do thai phụ cần gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp để cung cấp cho thai nhi. Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai dẫn đến bé sinh ra bị đần độn, chậm phát triển. Để ngăn ngừa tình trạng trên, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều iot như cá ngừ, rong biển, tôm, sữa và các chế phẩm từ sữa,..
Bạn có thể chưa biết:
Ăn gì để con thông minh từ trong bụng mẹ? 6 nhóm chất mẹ không nên bỏ qua
Bé 7 tháng tuổi ăn thịt gì giúp “tăng cân vù vù” và phát triển trí thông minh?
Giai đoạn trẻ sơ sinh
Bé ăn gì để thông minh? Đối với bé sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng được khuyến nghị trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ cung cấp các dưỡng chất thiết yếu và những thành phần có lợi khác không có trong sữa công thức. Hơn nữa, nó còn bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại các bệnh nhiễm trùng (nhiễm trùng dạ dày-ruột, tai giữa và đường hô hấp).
Con càng lớn, nhu cầu dinh dưỡng càng tăng lên. Hai năm đầu đời là thời gian có nhiều sự thay đổi về dinh dưỡng đối với trẻ. Từ chế độ ăn sữa hoàn toàn (sữa mẹ và/hoặc sữa bột, sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh) thành chế độ ăn bao gồm nhiều loại thực phẩm.
Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (protein, chất béo, glucose) là điều cần thiết giúp não bộ của bé phát triển bình thường. Suy dinh dưỡng đa lượng sớm sẽ dẫn đến điểm IQ thấp và rối loạn điều chỉnh hành vi nhiều hơn. Ngoài tình trạng suy dinh dưỡng đa lượng nói chung, sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng riêng lẻ có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển thần kinh của bé.
Giai đoạn bé tập đi
Ở giai đoạn này, não bộ của trẻ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đồng thời, tốc độ xử lý thần kinh của con cũng tăng lên. Vì vậy, dinh dưỡng trong giai đoạn bé tập đi rất quan trọng. Bổ sung axit béo omega-3, đặc biệt là DHA để phát triển liên tục não và mắt của con. Đồng thời, bạn cần cung cấp các thực phẩm chứa carotenoid trong chế độ ăn hàng ngày để giúp mắt và thần kinh của bé được phát triển. Ngoài ra, mẹ đừng quên bổ sung thêm protein, sắt, kẽm và i-ốt cho sự phát triển nhanh chóng ở não bộ của con nhé!
Lời kết
Mỗi giai đoạn trong 1000 ngày của trẻ đều rất quan trọng. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể phát triển một cách hoàn thiện. Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có những thông tin bổ ích để lựa chọn những thực phẩm phù hợp giúp mẹ bầu và em bé có sức khỏe tốt.
Xem thêm:
- Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu để con thông minh?
- Bí quyết ăn uống để con xinh đẹp thông minh từ trong bụng mẹ
- Ăn gì để thai nhi thông minh, trí nhớ tốt – 7 nhóm thực phẩm vàng cho não bộ của bé trong bụng mẹ