Phòng tránh sinh non thế nào? Mẹ hãy chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ để giúp mẹ bảo vệ thai nhi, tránh chuyển dạ sớm.
Đây là những nội dung bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Sinh non – Con có thể chào đời từ những tuần thai còn rất sớm
- 5 dấu hiệu doạ sinh non
- 4 dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần hết sức đề phòng
- Phòng tránh sinh non bằng cách nào?
Sinh non – Con có thể chào đời từ những tuần thai còn rất sớm
Về mặt y học, các chuyên gia nhi khoa cho biết, một em bé được coi là bị sinh thiếu tháng ở tình trạng sinh non (đẻ non) nếu con chào đời từ tuần 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ. Mặc dù không phải là quá phổ biến, nhưng hiện tượng này vẫn có thể xảy ra với 5-15% người mẹ đang trong quá trình bầu bí.
Trẻ sinh non sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe (Nguồn ảnh: Unsplash)
Ngoài mối nguy về sức khỏe, trẻ sinh non còn gặp nguy cơ về phát triển chậm và IQ thấp
Khi một em bé phải ra đời trong tình trạng “chưa sẵn sàng” cũng có nghĩa là nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe thể chất lẫn phát triển não bộ của con sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phần lớn khi mẹ phải sinh non, bé thường có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề về cân nặng, hô hấp, hệ miễn dịch, tuần hoàn, tiêu hóa, … và đặc biệt là tỉ lệ sống sót của con sẽ thấp hơn so với các bé chào đời đủ ngày đủ tháng.
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà những trẻ sinh non sẽ gặp phải chính là khả năng phát triển não bộ và tập trung trong học tập cũng như công việc sau này.
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất dựa trên dữ liệu tổng hợp của 71 nghiên cứu công bố về kết quả kiểm tra chỉ số IQ của hàng nghìn trẻ trong độ tuổi từ 5-20 tuổi, được phân chia làm 2 nhóm trẻ sinh thiếu tháng và đủ tháng. Trong số trẻ sinh thiếu tháng thì có một nửa số trẻ sinh non trước 28,5 tuần thai.
Trung bình kết quả bài kiểm tra của nhóm trẻ sinh non thấp hơn 13 điểm so với trẻ được sinh ra đủ ngày đủ tháng. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra cứ mỗi tuần thai nhi chào đời sớm hơn dự kiến có liên quan đến việc giảm 1,26 điểm trong chỉ số IQ của trẻ.
Chính vì những nguy cơ nói trên mà phòng tránh sinh non được xem là việc cực kỳ quan trọng. Mẹ bầu cần phải hết sức lưu ý và thận trọng trước bất kỳ một dấu hiệu thông báo về tình trạng “sinh non” có thể diễn ra.
Có thể bạn chưa biết
5 dấu hiệu doạ sinh non
- Mẹ bầu có cảm giác đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới.
- Các dấu hiệu rõ rệt khác đi kèm như ra dịch nhầy âm đạo, máu ra nhiều hoặc nước ối xuất hiện.
- Xuất hiện 1 – 2 cơn gò tử cung thưa nhẹ trong 10 phút, liên tục trên 30 phút.
- Cổ tử cung có thể còn dài, đóng kín nhưng cũng có thể xoá và mở đến < 4cm.
- Ối vỡ non, buồng ối bị hở, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, chuyển dạ trong một thời gian ngắn sau đó.
4 dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần hết sức đề phòng
- Cảm giác đau bụng thành từng cơn. Sau đó các cơn đau tăng dần và ngày càng dồn dập hơn.
- Các dấu hiệu khác đi kèm như ra dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Xuất hiện 2 – 3 cơn gò tử cung trong 10 phút, tăng dần.
- Cổ tử cung xoá trên 80%, hoặc mở trên 2 cm, đầu ối bắt đầu thành lập hoặc ối vỡ sớm.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nói trên, mẹ bầu cần đi khám và nhập viện ngay lập tức để thực hiện các điều trị, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ thai nhi khỏi những rủi ro đáng tiếc.
Mẹ bầu cần đi khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường trong thai kỳ
Phòng tránh sinh non bằng cách nào?
Ngoại trừ các mẹ có vấn đề bất thường về sức khỏe trong thai kỳ và cần có sự theo dõi đặc biệt, nguy cơ đẻ non vẫn có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào nếu mẹ bầu không nghiêm ngặt thực hiện một nếp sinh hoạt lành mạnh, phù hợp trong quá trình mang thai.
Chính vì vậy, để phòng tránh sinh non, mẹ bầu cần chú ý những điều sau:
Mẹ bầu nên có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học và hợp lý, cần đảm bảo khẩu phần ăn của mình luôn đầy đủ 4 nhóm chất:
– Chất đạm: Đóng vai trò quan trọng để hình thành cơ cũng như các bộ phận của cơ thể thai nhi. Nếu mẹ không bổ sung đủ protein, thai nhi trong bụng mẹ khi chào đời có thể bị nhẹ cân so với tiêu chuẩn.
– Chất béo: Có tầm quan trọng rất lớn với những phụ nữ đang mang thai vì Omega-3 là một trong các thành phần đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển bộ não của thai nhi.
– Đường và tinh bột: Ăn uống đầy đủ hàm lượng tinh bột trong một ngày sẽ cung cấp carbohydrate, đảm bảo đủ lượng đường trong máu và giúp mẹ bầu chống lại mệt mỏi.
– Vitamin, muối khoáng và chất xơ: Đảm bảo mẹ bầu được cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất quan trọng như folic, canxi, sắt, vitamin B, v.v.
Quy tắc về chế độ dinh dường của mẹ bầu qua 9 tháng thai kỳ là:
- 3 tháng đầu: Ăn uống ở mức vừa phải. Tăng cường bổ sung sắt, axit folic, vitamin D để phòng tránh dị tật.
- 3 tháng giữa: Mẹ cố gắng tăng cân từ 3-4kg, khám thai đều đặn.
- 3 tháng cuối: Em bé cần tăng cân nhiều nhất nên cần tập trung dinh dưỡng vào thời gian này.
Có thể bạn chưa biết
Không đi lại tàu xe, ngồi đường dài quá lâu trước thời điểm dự sinh từ 6-8 tuần
Sự thay đổi thể chất qua 9 tháng mang thai thường là yếu tố chính quyết đinh về mức độ an toàn khi đi lại đường dài của mẹ bầu.
Vào 3 tháng đầu, cơ thể người mẹ dễ mệt mỏi, ốm nghén, thai nhi cũng còn nhỏ và dễ bị ảnh hưởng bởi các va chạm mạnh. Đến 3 tháng cuối, bụng bầu nặng nề và các biến chứng khó có thể dự đoán về việc sinh nở cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nếu người mẹ phải đi lại xa.
Do đó, thông thường các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nếu có đi xa thì nên lựa chọn 3 tháng giữa của thai kỳ để đảm bảo an toàn tốt nhất cho bé yêu. Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc chống say xe nào vì việc uống thuốc khi mang thai đều có các tác dụng nhất định tới thai nhi.
Mẹ bầu cần cẩn thận với các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa
Ngoài ra, nếu mẹ bầu có dấu hiệu viêm nhiễm trong thai kỳ thì cũng phải chữa trị cho dứt điểm bởi viêm nhiễm phụ khoa là một trong các yếu tố có thể gây ra tình trạng sinh non. Luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo không có các dấu hiệu bất thường như khí hư, huyết trắng, … sẽ giúp phòng tránh những nguy hiểm không cần thiết cho bé yêu của mẹ.
Bên cạnh việc có thể gây sinh non, theo Bác sĩ Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, viêm âm đạo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi:
- Lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, viêm gan, giang mai, herpes và HIV
- Gây nhiễm trùng mắt và viêm phổi vì vi khuẩn Chlamydia, bệnh lậu.
- Gây biến chứng nặng ở bé sơ sinh, khi nặng có thể gây tử vong nếu nhiễm liên cầu (streptococcus) nhóm B.
Trên đây là những dấu hiệu và biện pháp phòng tránh sinh non trong suốt thai kỳ. Mẹ hãy lưu ý để có thể đón con yêu chào đời khỏe mạnh nhé.
Theo theAsianparent Singapore, Mẹ bầu nên làm gì để viêm âm đạo khi mang thai không ảnh hưởng tới thai nhi? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!