Làm gì khi có dấu hiệu sinh non? Khi có một trong các dấu hiệu, mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt để có hướng điều trị phù hợp. Mẹ có thể tìm hiểu trong bài viết dưới đây về những dấu hiệu cũng như các đề phòng mẹ bầu bị dọa sinh non.
- Những dấu hiệu sinh non, dọa sinh non mẹ cần đặc biệt lưu ý
- Nguyên nhân khiến mẹ bầu sinh non
- Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu sinh non?
- Có cách nào để phòng tránh và giảm nguy cơ sinh non?
Những dấu hiệu sinh non, dọa sinh non mẹ cần đặc biệt lưu ý
Trẻ sinh ra trước tuần 37 được gọi là sinh non. Vì sinh non nên hệ hô hấp và nhiều hệ cơ quan khác của cơ thể trẻ có thể chưa hoàn thiện, gây ra các biến chứng bệnh lý nguy hiểm sau này.
Mẹ có thể quan tâm:
Tìm hiểu về 9 yếu tố tiềm tàng làm tăng nguy cơ sinh non
Sanh non, con có nhu cầu đặc biệt, mẹ cần chăm con theo cách này nhé!
Do đó, trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần hết sức lưu ý các dấu hiệu sinh non và biểu hiện của dọa sinh non dưới đây để có thể đi khám kịp thời, giúp trẻ phát triển tiếp trong bụng mẹ cho đến ngày chào đời:
- Bụng chửa thấp, cảm giác em bé càng ngày càng bị đẩy xuống, vùng xương chậu bị đè nặng
- Đau bụng dưới
- Đau lưng dưới
- Đau bụng từng cơn, tính chất đều đặn và tăng dần kèm theo tiêu chảy
- Ra dịch âm đạo, dịch nhầy, máu và nước ối
- Cơn co tử cung có tính chất dày hơn từ 2 – 3 lần/phút, và tăng dần theo thời gian
- Cổ tử cung mở trên 2cm; thành lập đầu ối và vỡ ối.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu sinh non
Thông thường, nguyên nhân dọa sinh non không cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, có những yếu tố rủi ro được biết đến của việc sinh non, bao gồm:
– Mẹ đã có tiền sử sinh non, từng sảy thai, phá thai;
– Gặp các vấn đề với tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai;
– Hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ;
– Mắc một số bệnh mãn tính như huyết áp cao và bệnh tiểu đường;
– Bị thiếu cân hoặc thừa cân trước khi mang thai.
Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu sinh non?
Khi có một trong các dấu hiệu nói trên, mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt để có hướng điều trị phù hợp. Tùy vào nguyên nhân dọa sinh và tình trạng của từng thai phụ mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định điều trị phù hợp. Đa số các trường hợp thai phụ sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi tại giường, tránh các kích thích.
Một số thuốc hay được sử dụng điều trị dọa sinh non bao gồm:
1. Corticosteroid
Nếu bạn có hiện tượng dọa sinh non khi thai nhi từ 24 đến 34 tuần và có nguy cơ sinh trong một đến bảy ngày tới, bạn sẽ được tiêm hai mũi corticosteroid cách nhau 12 giờ. corticosteroid giúp thúc đẩy sự trưởng thành phổi ở trẻ sinh non và ngăn ngừa tình trạng suy hô hấp ở trẻ sinh non. Bác sĩ cũng có thể khuyên dùng steroid nếu bạn có nguy cơ sinh trong khoảng từ 34 tuần đến 37 tuần.
2. Magie sulphate
Phụ nữ mang thai 30 tuần và có nguy cơ sinh non có thể được điều trị bằng magie sulphate tiêm tĩnh mạch trong vòng 24 giờ. Điều này giúp giảm nguy cơ biến chứng ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ nồng độ magie máu.
Mẹ có thể quan tâm:
Dấu hiệu sanh non cho mẹ bầu có thể dễ dàng nhận biết
Thai nhi 34 tuần tuổi sinh non có nguy hiểm không? Chăm sóc thế nào để con cứng cáp khỏe mạnh?
3. Kháng sinh
Nếu nguyên nhân gây dễ sinh non là nhiễm trùng thì mẹ sẽ được chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
4. Sử dụng thuốc làm chậm chuyển dạ
Chẳng hạn như nifedipine, thuốc có tác dụng giúp làm chậm hoặc ngừng chuyển dạ. Đây là một chất làm giãn cơ trơn và do đó giúp ngăn chặn các cơ tử cung co bóp. Cần theo dõi huyết áp thai phụ và chống chỉ định khi thai phụ bị huyết áp thấp.
5. Thuốc đối kháng tác dụng của oxytocin
Loại thuốc này cũng có tác dụng làm giảm co bóp cơ trơn tử cung. Tuy nhiên, thuốc này không được chỉ định trong trường hợp bị vỡ ối non, tiền sản giật.
Có cách nào để phòng tránh và giảm nguy cơ sinh non?
Theo các chuyên gia, những tuần cuối thai kỳ đặc biệt quan trọng vì đây là thời điểm thai nhi có những bước phát triển nhảy vọt, chuẩn bị cho quá trình chào đời.
Ngoài nâng cao nhận thức về sinh non, mẹ bầu cũng nên chú ý những điều sau đây để ngăn ngừa và phòng tránh nguy cơ sinh non cho trẻ:
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ các nhóm chất trong thời gian mang thai, đặc biệt là các nhóm chất: Acid folic, Omega 3, Vitamin D3,…
- Tuyệt đối tránh xa các loại chất kích thích, thức uống có cồn như rượu, bia. Đặc biệt nên tránh xa thuốc lá.
- Nếu có các vấn đề viêm nhiễm trong quá trình mang thai thì mẹ bầu nên nhanh chóng đi khám để được chữa trị kịp thời.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, buồn bã, suy nghĩ quá nhiều
- Làm việc vừa sức, kiêng làm các công việc nặng hoặc phải đứng quá nhiều
- Các mẹ bầu nằm trong nhóm nguy cơ cao như mang đa thai, có tiền sử sảy thai, sinh non, … cần đi khám thai đều đặn để được theo dõi định kỳ.
Cuối cùng, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!