10 lỗi sai khi bế con sau đây nhiều phụ huynh đã mắc phải và có thể dẫn đến thương tật vĩnh viễn cho bé như không nâng đỡ gáy khi nâng con dậy, đổi tay bế đột ngột, không đỡ đầu khi cho con bú…
Những tháng năm đầu đời, bế và địu con rất cần sự kiên nhẫn nhịp nhàng đi kèm với tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Bởi với trẻ sơ sinh, khớp xương, thóp hay cơ quan nội tạng đều còn rất non nớt, chưa cố định. Nếu bế con không đúng cách, đỡ không cẩn thận, không cố định thân bé, rất có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là 10 lỗi sai thường gặp khi bế con có thể dẫn tới thương tật vĩnh viễn. Cùng đọc để hiểu tại sao cần bế con đúng cách, chăm sóc con với cả tình yêu và sự tỉnh táo:
Nội dung bài viết:
- 10 lỗi sai thường gặp khi bế con
- Bế trẻ sơ sinh thế nào cho đúng cách?
10 lỗi sai khi bế con
1. Thả chân con tự do khi địu
Đây là lỗi sai khá phổ biến khi cha mẹ bế hay dùng tấm địu!
Bé sơ sinh có cấu trúc xương còn chưa chắc chắn. Việc để chân thả lỏng tự do không đỡ hay cố định có thể làm khớp hông và khớp gối của bé bị ảnh hưởng và yếu đi. Nói không đâu xa, thử tưởng tượng khi bạn đu xà, cả trọng lượng cơ thể như dồn xuống, khi cơ thể còn “ lủng lẳng” trên không. Bạn có cảm thấy các khớp xương như bị lỏng lẻo đi và dồn xuống trọng tâm, gây mỏi khớp hông không? Bé sơ sinh cũng vậy, nếu địu bé trước ngực và không thường xuyên đỡ bàn chân hay khớp gối của bé, rất có thể dẫn đến dị tật khớp hông, khớp xương lỏng đi hoặc phát triển không đều.
Xem thêm
Mách nhỏ bố mẹ 5 cách bế trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đúng chuẩn
Cách bế trẻ sơ sinh cho bú đúng tư thế nhất theo lời khuyên của bác sĩ
Vì vậy hãy luôn nhớ đỡ nhẹ bàn chân hay gót chân của con khi địu đứng hay bế con bằng tấm địu di động.
2. Không đỡ gáy khi nâng con dậy
Lại một lỗi sai thường gặp trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh: bế con dậy nhưng quên đỡ gáy hoặc xốc bé quá đột ngột.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới não bộ của bé. Khớp xương cổ còn yếu ớt của bé, nếu không có tay đỡ của mẹ sẽ phải nâng cả một khung hộp sọ của bé. Điều này có thể dẫn đến khớp cổ bị tổn thương hoặc ảnh hưởng trực tiếp tới não bộ, nhất là mặt sau gáy của bé.
Điều tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây ra những hậu quả vô cùng lớn!
Vì thế luôn lót gáy con một cách nhẹ nhàng trước khi đỡ con dậy hay bế con lên.
3. Đổi tay bế bé đột ngột
Điều cha mẹ nên chuẩn bị trước khi có con đó là tham gia một khóa huấn luyện chăm sóc trẻ sơ sinh, nhất là cách nâng đỡ bé đúng tư thế và chuyển hướng nhịp nhàng.
Mẹ chuyển tay bế từ trái qua phải nếu quá gấp hay không theo thứ tự đỡ chân tay con, rất có thể làm bé sái cổ chân cổ tay và làm rạn xương hông.
Lỗi bế con này thường gặp ở những bà mẹ bận rộn, muốn chuyển hông khi bế con để tiện làm một số việc khác hay đổi bên khi mỏi. Thậm chí, nhiều mẹ còn kèm cả cảm xúc nóng giận, mệt mỏi khi đổi tay bế. Những dịch chuyển nhỏ này có thể gây ra hậu quả lớn. Mẹ bỉm sữa hãy thực sự để tâm và nhẹ nhàng khi đổi tay bế. Luôn nhớ dù bé có nhẹ hay nhỏ, mẹ cũng cần nâng niu, bế đỡ một cách từ tốn, chậm rãi.
4. Không đỡ đầu khi cho con bú
Thêm một chú ý với phần thóp và gáy của bé. Khi ôm và cho con bú, nhiều mẹ chỉ quan tâm tới việc con có ngậm được ti không, có bú được không, mà quên mất rằng, xương khớp cổ của bé đang phải đỡ cả nửa đầu. Càng để trong thời gian dài, xương khớp cổ của bé sẽ càng bị đè nặng và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì thế, mỗi khi bế con bú hay đung đưa cho con ngủ, hãy luôn đỡ đầu và gáy con một cách cẩn thận và chắc chắn, sao cho bé ở thế hơi chếch, có thể bú mẹ và không quá ngửa cổ so với thân.
5. Vừa bế con vừa làm việc khác
Có tới hàng trăm thứ việc chờ mẹ động tay làm: nấu cơm, rửa chén, là quần áo, dọn chăn gối…Khi địu con trên ngực, mẹ vẫn tranh thủ làm cho xong. Điều này đôi khi là nguy hiểm rình rập khi mẹ vội vàng làm mọi thứ ở gần đồ vật nóng, dễ bỏng hoặc cháy nổ, như ấm nước sôi, bếp ga, bàn là quần áo….
Chỉ một thứ không theo quỹ đạo hay cần tay mẹ làm, mọi thứ xung quanh cũng sẽ liên đới theo. Nguy hiểm nhất là khi mẹ luống cuống, muốn xong cái này, tranh thủ cái kia và “quên khuấy đi” con mình đang ở trước ngực!
Hỡi các mẹ có con nhỏ, ai cũng biết, đãng trí hoặc mất trí nhớ tạm thời sau sinh là có thật, nhưng đừng để con là nạn nhân của sự đáng trí, lơ đãng của chính mình, các mẹ nhé!
6. Quắp con quá chặt
Quắp con quá chặt là cách bế trẻ sai cách? Câu trả lời nằm ở cấu trúc xương non nớt của bé. Cẳng chân bé thẳng, trong khi mẹ ghì con và nẹp chân sát ngang hông (như buộc lạt) sẽ làm tổn thương cấu trúc xương, làm khòng chân bé, gián tiếp gây nên chứng vòng kiềng sau này.
Xem thêm
Cách bế trẻ sơ sinh chuẩn khoa học: Mẹ có nên rung lắc bé?
Sai lầm khi bế trẻ sơ sinh không phải ba mẹ nào cũng biết
Bế quắp hay bế dạng hai chân đều cần tới một độ tuổi nhất định và cần sự nâng đỡ hết sức khéo léo nhỏ nhẹ của mẹ. Nên nhớ khung xương của bé cũng cần thời gian và các chuyển động từ từ, theo khẩu độ tăng dần để thích nghi và phát triển.
7. Để bé nằm ngửa giơ chân tự do
Tư thế bé nằm ngửa, dựng chân lên trên không buộc hông phải chống đỡ và tạo cho chân một thế bè do khớp gối của bé chưa thể vuông góc với thân.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới khớp gối, cột sống lung và nhất là cơ đùi của bé. Mẹ nên ở cạnh và nắn chân nắn tay khi con ngồi ở tư thế này. Khuyến cáo, không nên để bé nằm ngửa dựng chân lên trời quá thường xuyên. Toàn cột sống của bé sẽ bị ảnh hưởng.
8. Thả thõng con xuống khi đang bế
Thả con đột ngột khi đang bế là điều cực kì kiêng kị đối với trẻ còn quá nhỏ. Việc để con “ngồi bịch xuống” khi đang bế (có thể là do con khóc quấy, ăn vạ hay mẹ bận, vội làm gì…) có thể làm tổn thương khớp xương cũng như các sụn nối vì thay đổi tư thế đột ngột, không theo thứ tự và không có sự nâng đỡ khớp gối của mẹ. Sau này rất có thể con sẽ bị trùng khớp gối, vai và lưng có thể tổn thương khung xương.
9. Không giữ trẻ trong tầm tay
Hình ảnh này chỉ mang tính chất minh họa. Vì nếu nhà có ban công và mẹ địu con lơ là như thế này, bé đã có thể “rơi” xuống lúc nào không hay! Vì thế khuỷu tay luôn phải ở tư thế sẵn sàng đỡ và chắn vật cản cho bé. Dù là bé chỉ mặc bỉm hay mẹ còn vướng xách đồ nhấc đồ khác, luôn nhớ rằng không bao giờ để trẻ xa khỏi tầm tay và tầm xoay xở của mẹ.
10. Không đổi bên khi bế trẻ
Bế liền một bên không đổi bên sẽ làm cấu trúc xương của bé phát triển lệch lạc, không cân bằng. Ngược lại, nếu cứ bế hoài không ngơi sẽ làm “trẻ quen bế”, không dứt khỏi mẹ và các khớp xương cũng trì trệ trong quá trình phát triển và cứng cáp hơn.
Vì vậy bế con cũng cần tần suất nhất định, không quá thường xuyên và không quá thiên về một bên (dù là mẹ thuận bên trái hay bên phải).
Cách bế trẻ sơ sinh đúng cách
- Luôn đảm bảo tay và quần áo của bạn sạch sẽ khi bế bé
- Khi bế trẻ không nên đeo đồng hồ, nhẫn, lắc tay, để móng tay dài… để tránh làm trầy xước da bé
- Nếu không có kinh nghiệm bế trẻ sơ sinh, tốt nhất là nên tìm tư thế thoải mái nhất
- Trẻ sơ sinh trong 3-4 tháng đầu không kiểm soát được cơ cổ, khi bế bé nên nhẹ nhàng nâng đầu và cổ để hỗ trợ bé
- Khi phải vừa bế bé vừa làm việc khác, cần chú ý đảm bảo an toàn và không có các vật dụng nguy hiểm xung quanh
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng địu để dùng địu đúng cách…
- Có nhiều tư thế bế trẻ sơ sinh, bạn nên chọn tư thế nào mình cảm thấy thoải mái nhất và bé không khó chịu
Chăm sóc trẻ sơ sinh rất cần sự kiên nhẫn, nâng niu hòa với tình yêu của cha mẹ dành cho con. Hãy để bé phát triển ổn định cứng cáp từ những tháng đầu đời và là tiền đề cho một cấu trúc xương khớp cứng chắc của bé sau này.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!