Nhiều người tin rằng mẹ có xương chậu to dễ đẻ hơn mẹ có xương chậu nhỏ. Tuy nhiên, thực hư thông tin này là như thế nào và vì sao lại như vậy? Mời bạn cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Xương chậu to dễ đẻ là đúng hay sai?
Ông bà ta thường có câu “mông to dễ đẻ”. Tuy nhiên theo khoa học, quan điểm này chỉ đúng khi kích cỡ mông to là do bên trong khung xương chậu to chứ không dựa vào phần mỡ hay cân nặng bị dư thừa. Những mẹ bị béo phì hay quá cân thường hoạt động chậm chạp, nặng nề, thiếu linh hoạt và còn khó sinh hơn cả những mẹ mông nhỏ. Vì vậy, nếu xét mông to xuất phát từ phần xương chậu to thì việc dễ đẻ là hoàn toàn chính xác.
Vì sao xương chậu to dễ đẻ?
Lý do là vì khi chào đời, đầu thai nhi phải lọt qua ba chỗ hẹp trong khung xương chậu bao gồm eo trên, eo giữa và eo dưới rồi mới ra ngoài được. Do đó, quá trình vượt cạn sẽ diễn ra dễ dàng hơn nếu mẹ có khung xương chậu nông và rộng. Còn với mẹ có khung xương chậu sâu và hẹp, em bé sẽ mất nhiều thời gian hơn để ra ngoài.
Tuy nhiên, mẹ có xương chậu nhỏ cũng đừng quá lo lắng. Bởi trong tháng cuối của thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một số hoocmon đặc biệt giúp cho dây chằng và phần sụn ở khoang chậu giãn ra và mềm hơn, làm tăng khả năng đàn hồi, giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn.
Mẹ dễ đẻ hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Ngoài xương chậu to, mẹ dễ đẻ hay không còn phụ thuộc vào một số những yếu tố dưới đây:
Mẹ sinh thường dễ dàng trong lần đầu
Đối với mẹ đã sinh lần thứ 2 trở đi, nếu mẹ đã trải qua lần đầu sinh thường dễ dàng thì hãy cứ yên tâm, những lần sau mẹ có thể cũng sẽ vượt cạn thành công mà không mất quá nhiều thời gian và sức lực rặn đẻ.
Cân nặng và kích cỡ vòng đầu của thai nhi
Cân nặng chuẩn của em bé để mẹ sinh thường một cách thuận lợi là từ 3 – 3,5 kg. Nếu em bé nặng hơn số kg chuẩn này, mẹ sẽ phải phải trải qua quá trình vượt cạn khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, không chỉ cân nặng, mà kích cỡ vòng đầu lớn của thai nhi cũng khiến mẹ khó sinh thường hơn. Nếu cân nặng và vòng đầu của thai nhi vượt quá giới hạn để mẹ có thể sinh thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ sinh mổ.
Cân nặng của mẹ khi mang bầu
Số cân nặng của mẹ bầu trong thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến ca sinh. Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ, dẫn đến thừa cân, béo phì, mẹ sẽ dễ bị kiệt sức và ca sinh cũng sẽ kéo dài khó khăn hơn bình thường. Vì vậy, mẹ nên giữ cho cân nặng được tăng ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng tẩm bổ quá nhiều, gây dư thừa.
Ngôi thai thuận
Đến giai đoạn những tháng cuối, nếu thai nhi quay đầu xuống dưới, mặt úp trong bụng mẹ để chuẩn bị chào đời, đó tức là bé có ngôi thai thuận. Tư thế này giúp bé yêu chào đời dễ dàng hơn.
Ngược lại, các bé có ngôi thai ngược, thai ngôi mông, ngôi ngang, ngôi chân,… sẽ khiến việc sinh nở của mẹ gặp nhiều khó khăn. Thông thường, đến cận kề ngày sinh, bác sĩ sẽ tính toán và cân nhắc xem mẹ có thể sinh thường được không hay bắt buộc phải sinh mổ.
Tuổi của mẹ
Mẹ bầu khi mang thai ở độ tuổi càng cao, sức khỏe sẽ càng kém khiến quá trình sinh nở diễn ra khó khăn, dễ gặp tai biến sản khoa không mong muốn. Theo các nghiên cứu, độ tuổi để mẹ mang thai tốt nhất cho em bé và cho quá trình sinh thường diễn ra thuận lợi hơn là từ 22-29 tuổi vì lúc này cơ thể đang sung sức, dẻo dai nhất.
Cách ăn uống và tập luyện để sinh dễ dàng
Xương chậu to dễ đẻ hay những yếu tố kể trên là hoàn toàn khách quan, chúng ta khó có thể thay đổi được. Tuy vậy, để sinh dễ dàng, vẫn có nhiều cách khác mà mẹ có thể áp dụng:
Tập thể dục nhẹ nhàng
Để có được sức khỏe bền bỉ và sức chịu đựng cao cho quá trình vượt cạn diễn ra thành công, trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên dành thời gian tập luyện các bài tập cơ bắp, xương chậu, bài tập kegel hay đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên để cơ thể được khỏe mạnh, năng động và dẻo dai hơn.
Chế độ ăn uống
Ngoài bổ sung chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi, nhiều thực phẩm còn có tác dụng làm giảm các cơn đau lúc chuyển dạ, hỗ trợ co thắt vùng bụng, xương chậu, hỗ trợ co giãn cổ tử cung, giúp thai nhi ra ngoài dễ hơn. Một số thực phẩm giúp mẹ sinh dễ dàng có thể kể đến quả dứa, mè đen, lá tía tô,…
Giữ tâm trạng thoải mái
Trong quá trình vượt can, điều quan trọng nhất là giữ cho tâm trạng thật thoải mái, bình tĩnh. Sự căng thẳng và lo âu chỉ khiến mẹ bầu rối hơn, từ đó không thể điều chỉnh cơ thể mình đúng cách để giúp thai nhi ra ngoài nhanh chóng.
Massage
Trong những tháng cuối thai kỳ, áp dụng các bài massage đúng cách và khoa học cũng giúp quá trình chuyển dạ nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn.
Như vậy, xương chậu to dễ đẻ là thông tin hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những đặc điểm cho thấy mẹ bầu dễ đẻ thường mà thôi. Mẹ hoàn toàn vẫn có thể luyện tập để quá trình vượt cạn diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn nếu không có xương chậu to.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!