Nhiều cha mẹ khá đau đầu khi tìm cách xử lý với các cơn ăn vạ của trẻ. Không ít trường hợp vì quá cáu giận, stress mà có những hành động tổn thương đến trẻ. Để rèn trẻ không mè nheo, ăn vạ, cha mẹ sẽ phải mất khá nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải cứng rắn trước nước mắt của con, không vì con khóc mà thỏa hiệp. Nếu đòi được dễ dàng, trẻ đủ thông minh để biết rằng nước mắt chính là vũ khí lợi hại của chúng. Khi ấy, cha mẹ sẽ tốn thời gian trong việc rèn giũa lại từ đầu.
Bí quyết xử lý với các cơn ăn vạ của trẻ
Nói ra tâm trạng của con và ôm con vào lòng
Trên thực tế thì trẻ có nhiều hình thức và cấp độ “ăn vạ” khác nhau. Nếu như trẻ chỉ hờn dỗi thông thường do muốn làm 1 việc gì đó nhưng không tự làm được nên quay ra “ăn vạ” thì cách tốt nhất mà bố mẹ làm cùng và hướng dẫn con. Hãy giúp con gọi tên cảm xúc đó và vượt qua những tình huống mà con không mong muốn.
Ví dụ như khi bé ngồi chơi với bộ đồ xếp hình, tuy nhiên khi không tự xếp được, bé tức giận ném đồ chơi đi và hai chân thi nhau đập xuống đất. Lúc ấy, mẹ hãy nhẹ nhàng đến bên và nói với con: “À, con không tự xếp hình được à, vậy thì hãy ngồi đây, mẹ sẽ dạy cho con nhé!”. Lúc đó dù mắt đầy nước nhưng bé vẫn gật đầu đồng ý và thôi không hờn dỗi nữa.
Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ
Có 1 sự thật là khi không nhìn thấy thứ gì đó thì trẻ sẽ không đòi. Chính vì vậy, mẹ phải nắm bắt tâm lý, sở thích cũng như hoàn cảnh hiện tại để có thể tránh những cơn mè nheo, ăn vạ không đáng có của con.
Bạn biết chắc khi vào siêu thị, tới gian hàng đồ chơi trẻ nhất định sẽ đòi mua cái này, cái kia. Vậy thì hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách dẫn trẻ vào khu bán quần áo hoặc đồ ăn, cùng với trẻ chọn những món đồ ở những gian hàng đó và chỉ cho trẻ qua gian hàng đồ chơi khi mà bạn đã định mua đồ chơi cho con.
Không nói chuyện và lờ bé đi là 1 các hữu hiệu để xử lý mè nheo ở trẻ
Không phải bé nào cũng thích nhỏ nhẹ và chấp nhận thỏa hiệp nhanh chóng. 1 số trẻ đã thích cái gì là phải đòi cho bằng được nếu không thì lăn đùng ra giãy giụa và la hét, khóc lóc không ngừng.
Với những trẻ có cá tính mạnh mẽ như vậy, điều đầu tiên mà mẹ nên làm là cho con thấy sự cứng rắn của mình. Hãy thật bình tĩnh, dù ở nơi công cộng hay ở nhà, mẹ đều nên thể hiện rõ thái độ này. Nói to hơn tiếng gào của con, khi nói nhìn thẳng vào mắt con với 1 thái độ nghiêm túc: Con muốn gì, hãy dừng khóc và nói rõ cho mẹ nghe. Nếu con cứ tiếp tục như vậy, mẹ sẽ không nói chuyện với con nữa đâu.
Dù là ở nhà hay nơi công cộng, để tránh làm phiền người xung quanh, hãy cố đưa bé ra ngoài hoặc đến chỗ ít người và để bé khóc trong khi bạn có thể bỏ đi hoặc làm việc khác. Bé thấy mẹ bỏ đi, không chú ý chắc chắn bé sẽ chạy theo vì sợ bị bỏ lại. Lúc đó, hãy bế con lên và trò chuyện cùng con.
Điều quan trọng nhất khi sử dụng cách này là mẹ phải đủ sự kiên nhẫn. Không chấp nhận thoả hiệp vì nghĩ rằng thôi cho “nhanh, đỡ đau đầu” vì khi con đã đòi được lần 1 thì chắc chắn sẽ có các lần sau.
Mẹ sẽ thất bại trong việc xử lý mè nheo ở trẻ nếu mắc các sai lầm sau
Quát, mắng và chỉ ra lỗi sai của con
Phản ứng thường gặp của các phụ huynh trước cơn mè nheo của con là cáu giận và chỉ ra con đã làm gì sai. Tuy nhiên, hành động này của mẹ đã vô tình khuyến khích những hành xử xấu ở trẻ. Vì thế, thay vì tập trung vào việc trẻ đã làm sai điều gì mẹ nên tận dụng để trò chuyện với con về những cách cư xử đúng, dạy cho con những điều tốt bởi nói về những điều sai sẽ chỉ thúc đẩy trẻ tiếp tục mè nheo mà thôi.
Chỉ ra những việc con không nên làm
Nghe có vẻ hơi ngược, nhưng thực tế mẹ nên chỉ ra những việc trẻ nên làm. Trẻ sẽ ghi nhớ và thực hiện các hành động này nhiều hơn. Và khi trẻ làm được điều mà bạn bảo con, hãy khen ngợi bằng lời và diễn tả bằng hành động để khuyến khích con.
Không quan tâm lý do mè nheo của con
Mẹ đừng chỉ tìm cách giải quyết mà không quan tâm đến bản chất của việc mè nheo ở trẻ.
- Thứ nhất chính là loại mè nheo khi trẻ dùng bộ não phản ứng và logic để điều khiển tình huống theo ý chúng muốn. Và mặc dù điều này là phù hợp và cũng cần thiết cho sự phát triển của trẻ thì bố mẹ vẫn nên can thiệp và đặt ra những ranh giới.
- Loại thứ 2 là loại khi trẻ chỉ dùng não bộ phản ứng của chúng mà không có logic, vì thế với loại mè nheo này, trẻ sẽ hành động theo ý thích và thường sẽ không nghe bất kì giải thích hay an ủi nào từ bố mẹ.
Biết rõ bản chất, mẹ sẽ xử lý mè nheo ở trẻ dễ dàng hơn.
Bao bọc con quá mức
Thay vì bao bọc và bảo vệ con quá mức, các bác sĩ khuyên rằng bố mẹ nên thỉnh thoảng đưa con ra khỏi “vùng an toàn” của chúng. Nếu bố mẹ thấy rằng những cơn mè nheo của trẻ đi kèm với sự lo lắng thì sẽ có khá nhiều cách để tập cho trẻ thích nghi với kiểu tình huống khiến con lo lắng hay sợ hãi. Từ đó giúp con làm chủ cảm xúc và thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Quá cứng nhắc
Đôi khi cách xử lý mè nheo ở trẻ nhanh nhất vẫn là chiều theo ý của trẻ. Mẹ hoàn toàn có thể tự tạo ra những ngoại lệ để 2 mẹ con cảm thấy thoải mái nhất. Không cần quá cứng nhắc với các nguyên tắc đã đặt ra trước đó. Bạn cũng có lúc không thể tự mình giải quyết được hết mọi việc, thay vì căng thẳng hơn, hãy nuông chiều con, nhưng không để việc đó thành thói quen.
Sau tất cả những cơn ăn vạ của con, mẹ nên nhỏ nhẹ, dùng tất cả tình yêu thương để 2 mẹ con có thể thủ thỉ, nói chuyện với nhau. Tuyệt đối không vì mất kiên nhẫn mà đánh hay quát mắng con vì như thế trẻ sẽ trở nên lì lợm và khó bảo hơn. Để xử lý với các cơn ăn vạ của trẻ mẹ cần phải sáng suốt và giữ vững lập trường để có những cách giải quyết phù hợp.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!