Ứng phó nổi loạn ở con trẻ ở từng giai đoạn khủng hoảng của cuộc đời sẽ khác nhau. Ba cột mốc đó là lúc bé mấy tuổi? Đặc điểm tâm lý và phương pháp ứng xử của bậc làm cha mẹ nên như thế nào?
3 cột mốc tuổi khủng hoảng và nổi loạn ở bé
Giai đoạn tuổi nổi loạn là một khái niệm về tâm lý học chỉ về một khoảng thời gian nhất định trong độ tuổi con người mà họ trở nên cáu gắt và bướng bỉnh. Nhất là trẻ em, chúng đang phát triển để trưởng thành và khám phá nhiều điều về bản thân và thế giới xung quanh.
Do đó, đặc điểm tâm sinh lý khiến chúng hay bộc lộ cái tôi ương ngạnh, ngang bướng của mình một cách mạnh mẽ đầy cá tính. Trẻ có xu hướng tìm cách vượt qua những quy tắc, thoát khỏi sự ràng buộc các khuôn phép, chuẩn mực của gia đình và xã hội.
Phụ huynh nên biết 3 cột mốc trẻ bước vào tuổi nổi loạn để chuẩn bị trước tâm lý và cách ứng phó nổi loạn khi bé đến tuổi:
- Giai đoạn 2 tuổi
- Từ 7-9 tuổi
- Từ 12-15 tuổi
Cách ba mẹ ứng phó nổi loạn ở trẻ tuổi lên 2
Đây là thời gian đầu trong chuỗi các sự kiện khủng hoảng trong đời của con, và cả của ba mẹ. Ở tuổi lên 2, con bắt đầu hiểu và biết thể hiện cảm xúc cá nhân. Đồng thời hiểu được cảm xúc của mọi người xung quanh. Trẻ sẽ không còn là “thiên thần” luôn nghe lời ba mẹ răm rắp, mà lại muốn tự lập, tự làm mọi việc như người lớn. Cũng như hình thành “cái tôi” của trẻ.
Bé cũng sẽ thích tìm tòi, khám phá về những điều mới lạ trong cuộc sống. Đây là thời điểm bé hỏi hàng ngàn câu hỏi khiến cho phụ huynh đau đầu. Và quan trọng là trẻ sẽ học theo và bắt chước những cử chỉ, lời nói của những người xung quanh. Vì vậy, cách ba mẹ ứng phó nổi loạn rất quan trọng, nếu không khéo bé sẽ bắt chước theo.
Cách ứng phó nổi loạn
1. Đừng dùng giọng ra lệnh để trò chuyện cùng con
Muốn tránh việc con phản ứng tiêu cực, mẹ cần xem lại cách ứng xử của mình với con và với người khác. Tránh các câu ra lệnh như “Không vứt đồ chơi lung tung”. Thay vào đó, nên đưa ra hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn: “Con chơi xong nhớ thu dọn cho vào giỏ đồ chơi và đặt vào góc này”.
2. Hướng bé theo ý mình với sự sáng tạo
Cố gắng hướng bé theo ý mình với một giọng nói yêu thương. Hãy tự hỏi: “Tại sao con tôi lại làm sai? Bé thực sự đang cần gì?”. Những hành vi hung hăng thường nên được xử lý theo hướng hoạt động thể chất.
Ví dụ, nếu bé giật đồ chơi hoặc la hét, chúng nên được khuyến khích ra ngoài và chạy xe đạp một lúc. Nếu một đứa trẻ nằm trên sàn nhà và rên rỉ, chúng có thể cần một chút chú ý từ người lớn và một vài hoạt động tĩnh lặng như đọc cho bé nghe một cuốn sách.
3. Cho con thời gian
Các câu từ mệnh lệnh gay gắt như: làm ngay, đi ngay, ăn ngay sẽ làm con tự ái và phản ứng. Thay vào đó, hãy cho con thời gian ngắn chuẩn bị và hỏi ý kiến trẻ muốn xử lý chúng như thế nào. Hoặc thay vì nói giọng ra lệnh, mẹ có thể chuyển sang hướng nhờ con giúp, tạo điều kiện cho bé tự lập. Hãy tạo mọi điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động trong gia đình như phụ giúp và san sẻ việc nhà cùng cha mẹ. Ngoài ra, bạn cũng có thể hướng dẫn bé tự chăm sóc cho bản thân như tự đi vệ sinh, dọn dẹp đồ chơi sau khi dùng,….
Khủng hoảng tuổi từ 7-9 và cách ứng phó
Giai đoạn này trẻ bắt đầu bước vào tuổi đi học tiểu học. Thế giới của trẻ lúc này sẽ rộng mở hơn với bạn bè, cô giáo. Sự thay đổi môi trường này làm thay đổi tâm lý và tâm tính con trẻ. Với bé hoà nhập tốt, nhiều lúc ba mẹ sẽ có cảm giác “bị ra rìa”. Còn với bé bị hoảng sợ thì có những tâm lý sợ hãi. Hay cũng có trẻ vì có bạn mà lúc này bắt đầu sẽ phát huy những trò chơi khăm,…
Cách ứng phó nổi loạn
4. Cho con quyền lựa chọn
Trẻ ở độ tuổi này thích được khẳng định và được tôn trọng. Đặc biệt bé có thể thấy các bạn xung quanh mình có gì, làm gì và nằng nặc để có được món đồ hay làm điều đó. Cha mẹ nên cho trẻ tự làm và tự quyết định một số việc liên quan tới mình, sau khi xem xét các yếu tố an toàn cho con. Chẳng hạn, con không thích học võ dù mẹ muốn trẻ học môn thể thao này, nên hãy trò chuyện, thăm dò xem con thích học môn thể thao nào khác. Và tôn trọng chọn lựa đó của con.
5. Cho con quyền sai và sửa sai
Trẻ tuổi tiểu học chưa thể đánh giá được hết những lựa chọn của mình là đúng hay không. Trẻ thích thay đổi một cách nhanh chóng. Do vậy, nếu đã cho con lựa chơi bóng đá theo sở thích của trẻ, nhưng một thời gian sau con lại chán, hãy cho con quyền chọn lại. Tuy nhiên, phải hỏi rõ nguyên nhân con muốn đổi, để từ đó có thể phân tích cho con ở những lần lựa chọn sau. Trải nghiệm càng nhiều, trẻ sẽ biết chắc chắn hơn đâu là sở thích, sở trường thực sự của mình.
6. Thương lượng với con
Ở tuổi này, càng tỏ ra chuyên quyền, sợi dây kết nối giữa bạn và con càng xa. Thay vì vậy, nên tăng sự thương lượng với con. Tuy nhiên, phải cương quyết trong việc hình thành thói quen tốt, cách sinh hoạt lành mạnh cho con, chứ không phải buông lỏng và cho trẻ phát triển tùy tiện.
Ứng phó nổi loạn với trẻ giai đoạn tuổi vị thành niên
Tuổi dậy thì là giai đoạn đứa con bé bỏng của bạn sẽ có những thay đổi trên cơ thể lẫn tinh thần để dần thành người trưởng thành. Đây có thể gọi là độ tuổi “ểnh ương” của con mà ba mẹ nào cũng phải trải qua . Lúc này, tâm lý thay đổi thường xuyên, bất định. Trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ tập thể, thường xuyên cảm thấy thất bại, lo âu và thua sút bạn bè.
Trẻ tuổi tiền dậy thì có sự tự tôn mạnh mẽ, trọng thể diện. Đừng quá bực bội khi thấy con càng lớn càng cứng đầu. Vào thời kỳ này, càng ép buộc con, tâm lý nổi loạn của con càng mạnh thêm.
Cách xử lý nổi loạn
7. Trò chuyện với con về những thay đổi tuổi dậy thì
Thật tuyệt vời khi ba mẹ đang đọc bài viết này để tìm hiểu cách trò chuyện với con về vấn đề nhạy cảm. Đừng biến buổi trò chuyện về tuổi dậy thì của bé gái thành bài thuyết giáo. Ba mẹ hãy chia nhỏ thành những chủ đề nhỏ và từ từ chia sẻ với con. Như thế vừa giúp ba mẹ dễ dàng nhìn nhận về tuổi dậy thì của con, vừa giúp bé thu nhập kiến thức dễ dàng hơn.
8. Tôn trọng con
Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với con như một người lớn. Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu bé làm điều gì, hãy nhẹ nhàng nói với con về điều đó một cách cụ thể, rõ ràng và đừng tỏ thái độ bắt ép hay ra lệnh cho bé. Đừng nên cấm đoán trẻ, mà hãy hướng dẫn và giải thích cho trẻ. Hãy sẵn sàng cho con mắc lỗi, nhưng trong sự chuẩn bị kỹ càng nhất và luôn dõi theo.
9. Chọn yếu tố tích cực
Giai đoạn này trẻ lơ là với lời dạy của cha mẹ và tin vào bạn bè, người xung quanh. Do đó, cách tốt nhất để đối phó với tuổi trẻ nổi loạn tiền dậy thì là bạn chọn hay gợi ý cho con sách báo tích cực: Tự truyện của các nhân vật nổi tiếng, Gương tốt của bạn bè cùng tuổi… Trẻ có hình mẫu để học tập, tự kiểm soát hành vi bản thân. Nếu con không thích những gợi ý của bạn, hãy trao đổi và tìm hiểu thêm để con trả lời và tự đưa ra quyết định.
Cuộc đời chúng ta có nhiều giai đoạn khủng hoảng và nổi loạn, đôi khi nó cũng xảy ra ở người lớn. Về cơ bản. những cách đối xử với con trẻ khác nhau nhưng cũng giống nhau ở sự tôn trọng con. Nếu cần thiết, mẹ nên tìm sự trợ giúp từ bác sĩ tâm lý nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!