Thừa cân béo phì đang có xu hướng gia tăng ở nước ta hiện nay, nhất là ở các khu vực đô thị. Không ít trẻ bị thừa cân nặng nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện.
Những con số đáng báo động
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị:
- Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%
- Tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở học sinh là 29% (dựa trên khảo sát 5.000 học sinh tại 75 trường tiểu học, THCS, THPT tại 1 số tỉnh, thành phố)
- Khu vực nông thôn có 17,8% trẻ bị thừa cân béo phì, con số này ở khu vực thành thị là 41,9%
- 88% trẻ thừa cân, béo phì dành nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử và ít tập luyện thể dục thể thao.
- Đáng lo ngại hơn, có đến 53% phụ huynh khi được hỏi không nhận thức đúng về tình trạng thừa cân của con em mình.
Trẻ thừa cân thiếu chất do người lớn nhận thức chưa đúng
Tâm lý sợ con đói, thích con mũm mĩm dễ thương đã dẫn đến nhiều sai lầm trong chế độ dinh dưỡng. Nhiều người còn thích con mập, cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, bánh kẹo… khiến trẻ bị thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, không phải cứ béo phì có nghĩa là thừa chất. Nhiều bé béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất.
Ngày nay trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu và khả năng hấp thụ của cơ thể trong khi lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng trẻ thừa cân, béo phì do khẩu phần ăn giàu năng lượng và protein nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp. Theo số liệu thống kê, thời gian vận động ở nhóm trẻ béo phì trung bình là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút/ngày. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh, đặc biệt là xem tivi ở trẻ béo phì là hơn 82 phút/ngày (trẻ bình thường là 50 phút/ngày).
Làm gì để ngăn ngừa tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất như chất đạm, chất béo, chất bột đường, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng trưởng cả chiều cao, cân nặng và trí tuệ. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, hay mắc bệnh vào thời điểm giao mùa.
Giai đoạn trẻ từ 6 – 11 tuổi là thời điểm cơ thể phát triển mạnh cả về thể chất cũng như trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Ở giai đoạn này, nếu trẻ bị thiếu hụt chất sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tầm vóc cũng như trí lực khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
- Ngoài việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, trong bữa ăn nên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhanh, nước ngọt
- Để trẻ phát triển toàn diện, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần
- Trẻ cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như phát triển cơ thể toàn diện; với trẻ từ 0 – 5 tuổi ngủ đủ 11 giờ/ngày, từ 5 – 10 tuổi ngủ đủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ngày…
Theo hanoimoi
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!