Trẻ thừa cân béo phì là 1 trong những hệ lụy của đời sống kinh tế được cải thiện. Không chỉ là câu chuyện ngày 1 ngày 2, béo phì đang trở thành vấn nạn khi tỉ lệ trẻ béo phì tăng cao trong những năm gần đây. Phụ huynh cần hiểu được ảnh hưởng của tình trạng này lên sức khỏe trẻ cũng như cách phòng ngừa để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng đến tương lai trẻ về sau.
Nội dung bài viết:
- Khi nào trẻ được xác định là thừa cân béo phì?
- Tác hại của thừa cân béo phì
- Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này?
Khi nào thì trẻ được xác định là thừa cân, béo phì?
Thừa cân là tình trạng cân nặng tăng quá nhiều so với chiều cao, không chỉ do dư thừa chất béo mà còn có thể do nhiều cơ bắp hoặc nước trong cơ thể. Trong khi đó béo phì là 1 rối loạn phức tạp liên quan đến tình trạng quá nhiều chất béo trong cơ thể. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tật.
Xem thêm
Khi nào thì bé gái béo phì? Cách khắc phục và lưu ý khi kiểm soát cân nặng ra sao?
Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ em béo phì và cách khắc phục
Không phải tất cả trẻ em có kích cỡ lớn đều thừa cân hoặc béo phì. Một số trẻ có khung cơ thể lớn hơn trung bình. Đồng thời, trẻ em thường có lượng mỡ cơ thể khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau nên việc quan sát bằng mắt thường sẽ không cho kết quả chính xác.
Cách xác định tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ bằng chỉ số BMI
Chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) được dùng để tính tỉ lệ cân nặng/chiều cao, từ đó chia ra các mức độ để đánh giá tình trạng cơ thể, chi tiết như sau:
- Công thức tính: BMI = Cân nặng (kg)/(chiều cao (m) x chiều cao (m))
- Đánh giá thể trạng trẻ dựa vào biểu đồ tăng trưởng tỉ lệ % BMI theo tuổi. Biểu đồ này là chỉ số thường được sử dụng nhất để đo lường kích thước và mô hình tăng trưởng của trẻ em và thanh thiếu niên:
- BMI < 5%: Thiếu cân. Trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như hạ huyết áp, loãng xương do cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, hệ miễn dịch suy yếu nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng
- BMI trong khoảng 5% – 85%: Bình thường/khỏe mạnh. Trẻ có cân nặng và chiều cao cân đối, ít nguy cơ bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh và năng động hơn
- 85% – 95%: Thừa cân (nguy cơ béo phì)
- > 95%: Béo phì.
Ví dụ: Trẻ 5 tuổi nặng 24kg, cao 1,2m.
BMI của trẻ = cân nặng/(chiều cao x chiều cao) = 22/(1.1×1.1) = 16,67. Kẻ 1 cột ở vị trí số 5 theo trục tuổi (nằm ngang) , cột này sẽ cắt các đường cong ở 3 vị trí; BMI có giá trị 16,67 nằm ở vùng màu xanh nên trẻ 5 tuổi có BMI 16,67 là dinh dưỡng phù hợp
Tùy theo tuổi và giới tính, bác sĩ sẽ dùng chỉ số BMI để biết cân nặng của bé có bình thường so với chiều cao hay không, hay là bé bị thừa cân, bị béo phì.
Tác hại của thừa cân béo phì đối với trẻ em
Thừa cân béo phì gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai sau này của trẻ, bao gồm:
Bệnh lý tim mạch
Trẻ bị béo phì thì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, về lâu dài gây quá tải cho tim nên dễ mắc các bệnh về tim mạch.
Trẻ em bị béo phì thường dễ mắc các bệnh do rối loạn lipid máu (mỡ máu hoặc cholesterol cao). Hàm lượng cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim theo thời gian. Ngoài ra nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành khi trưởng thành cũng tăng cao ở trẻ thừa cân béo phì.
Xem thêm
Béo phì: Vấn nạn của trẻ vị thành niên
Trẻ béo phì càng bị trêu chọc, mỉa mai lại càng… béo phì
Trẻ thừa cân béo phì dễ gặp các bệnh lý về nội tiết, chuyển hóa
Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút là thường thấy ở trẻ bị béo phì, trong đó nghiêm trọng nhất là bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường ở trẻ gồm 2 loại: đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
- Đái tháo đường type 1: tuyến tụy không tiết đủ insulin để giúp đưa glucose từ máu vào trong các tế bào làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cơ thể. Thiếu hụt insulin sẽ làm cho glucose trong máu tăng lên
- Đái tháo đường type 2: Tụy vẫn tiết đủ insulin thậm chí tiết nhiều hơn, nhưng do xuất hiện tình trạng kháng insulin nên glucose không vào được trong các tế bào, dẫn đến tăng glucose trong máu gây ra các biến chứng nguy hiểm như tổn thương các mạch máu nhỏ (hậu quả làm giảm thị lực, suy thận), mạch máu lớn (hậu quả là nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử chi), các dây thần kinh… Đây là bệnh mãn tính, không thể chữa trị khỏi và sẽ đeo đuổi trẻ đến hết cuộc đời.
Bên cạnh các bệnh lý nội tiết trên, béo phì còn là tác nhân hàng đầu gây dậy thì sớm ở bé gái. Trẻ bị dậy thì sớm sẽ bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành, có ham muốn tình dục trước tuổi, xuất hiện hội chứng buồng trứng đa nang… Nếu thấy trẻ có biểu hiện hoặc nghi ngờ bé bị tình trạng này, ba mẹ nên cho bé đi khám trong thời gian sớm nhất.
Dễ mắc bệnh lý đường tiêu hóa, bài tiết
Trẻ bị thừa cân béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh về đường tiêu hóa và các cơ quan bài tiết khi:
- Mỡ thừa bám vào quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra trĩ
- Phân bị ứ đọng và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh ra ung thư đại tràng
- Mỡ tích tụ ở gan gây gan nhiễm mỡ, tăng men gan, xơ gan
- Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.
Nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp
Nghiên cứu cho thấy trẻ thừa cân béo phì khi lớn lên có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn trẻ bình thường do thêm cân nặng làm tăng thêm áp lực lên khung xương, nhất là khớp gối và cột sống. Trẻ bị thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên và dễ mắc bệnh gout.
Tâm lý của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều khi bị béo phì, thừa cân
Tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ thường kéo dài cho đến hết thời gian thiếu niên. Trẻ dễ bị phân biệt đối xử, bị bắt nạt và trêu chọc nhiều hơn so với các bạn có cân nặng bình thường do ngoại hình khác biệt. Chúng có nhiều khả năng bị cô lập, mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, tự ti, ngại xuất hiện trước đám đông, kém tự tin khi giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh hưởng tâm lý có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Vì sức khỏe của trẻ không được như trẻ khác nên kém linh hoạt, dễ làm trẻ nảy sinh tâm trạng chán nản, buồn bực, về lâu dài có thể gây trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Tình trạng thừa cân béo phì có thể khiến trẻ bị rối loạn ăn uống, tạo thói quen ăn uống không lành mạnh sau này ở trẻ.
Những tác hại khác của bệnh thừa cân béo phì ở trẻ em
- Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm do mỡ thừa có thể làm tắc nghẽn đường thở
- Tăng áp lực nội so vô căn (hội chứng “giả u não”) làm trẻ bị đau đầu và có các vấn đề về thị lực
- Rối loạn giấc ngủ: Trẻ đang ngủ bỗng dưng thức giấc la hét, trẻ thức dậy nhiều lần trong đêm, giấc ngủ ngắn kéo dài từ 1 đến vài tháng. Trẻ thừa cân béo phì khi bị rối loạn giấc ngủ còn gây ra những cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, máy giật cơ khi ngủ, ngủ ngày quá nhiều, mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm…
- Suy giảm trí nhớ: Trẻ bị thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường
- Khi bị bệnh, trẻ thường được bác sĩ kê toa thuốc với lượng thuốc nhiều hơn để phù hợp với số cân nặng. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ phải đối diện với nhiều tác dụng phụ của thuốc, ảnh hưởng về lâu dài đến các cơ quan trên cơ thể.
Xử lý và ngăn ngừa thừa cân béo phì ở trẻ
- Chế độ ăn cho trẻ thừa cân cần hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm không lành mạnh như khoai tây chiên, bánh kẹo ngọt… trong gia đình
- Bổ sung thêm hoa quả, trái cây cho trẻ mỗi ngày, hạn chế hoa quả ngọt nhiều năng lượng như chuối, sầu riêng, xoài… Hãy làm gương cho trẻ bằng cách ăn rau củ quả và khuyến khích trẻ làm theo
- Không cho trẻ dùng đồ uống/thức ăn có đường
- Giới hạn thời gian ngồi trước màn hình máy tính, TV, điện thoại của trẻ không quá 1 giờ mỗi ngày
- Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ
- Đảm bảo giấc ngủ cho bé vì nghiên cứu cho thấy trẻ ngủ không đủ có nhiều khả năng tăng cân
- Khuyến khích trẻ ăn uống đúng giờ, không nhịn ăn nhất là không bỏ bữa sáng
- Trẻ có vấn đề về cân nặng nên được thăm khám chuyên khoa để bác sĩ kiểm tra và tư vấn.
Tạm kết
Thừa cân béo phì là tình trạng nguy hiểm ở trẻ. 1 phần nguyên nhân thừa cân béo phì ở trẻ em là do tâm lý bồi bổ của cha mẹ, luôn sợ con đói khát nên cho trẻ ăn uống vô tội vạ với quá nhiều chất dinh dưỡng. Hệ lụy của thừa cân béo phì lên sức khỏe và tương lai trẻ là vô cùng nghiêm trọng nên ngay từ bây giờ cha mẹ hãy xây dựng cho bé 1 chế độ ăn uống thật khoa học, không ăn đồ ăn vặt ít năng lượng, nhiều chất béo và điều quan trọng là ba mẹ cũng phải làm gương để bé học tập theo.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!