Trẻ sơ sinh thức đêm là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở nhiều gia đình cũng như là nỗi trăn trở của không ít cha mẹ, nhất là những người sinh con lần đầu. Bài viết dưới đây sẽ lý giải nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này.
Đặc điểm và tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường không tuân theo một quy luật nhất định.
- Những tuần đầu sau sinh trẻ thường ngủ 18-20 giờ vào bất cứ lúc nào trong ngày, mỗi giấc ngủ của trẻ kéo dài từ 30 phút đến 3 tiếng
- Trong những tháng tiếp theo đến khi 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ngủ theo nhu cầu và hình thành chu kỳ thức ngủ, giấc ngủ ngày ngắn hơn khoảng từ 3.5 – 5.5 tiếng so với trẻ mới sinh
- Đối với trẻ từ 6-12 tháng, tổng số thời gian ngủ vào khoảng 14 giờ mỗi ngày
Phần lớn trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn thức và thời gian ngủ trung bình của trẻ sơ sinh là 16 giờ mỗi ngày, nhưng giấc ngủ của bé không liên tục mà bị ngắt quãng, cứ sau 2 đến 3 tiếng trẻ sẽ thức dậy bú đầy bụng để tiếp tục chìm vào giấc ngủ vì dạ dày trẻ nhỏ không chứa được nhiều thức ăn.
Khi ngủ đủ giấc, tinh thần trẻ sẽ hưng phấn, hoạt bát, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tốt hơn nhờ hormone tăng trưởng được tiết ra trong thời gian ngủ của bé. Nếu thiếu ngủ, bé sẽ đối diện nhiều nguy cơ rối loạn hành vi, mất tập trung, dễ cáu gắt, bốc đồng hoặc mắc bệnh lý béo phì.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh thức đêm
Nguyên nhân sinh lý
- Giấc ngủ của con người được chia thành 2 giai đoạn là REM (Rapid Eye Movement) và Non-REM (Non Rapid Eye Movement). Đối với người lớn, 75% thời gian ngủ là Non-REM và 25% còn lại là giấc ngủ REM. Ở trẻ nhỏ nói chung hay sơ sinh nói riêng, giai đoạn REM chiếm đến 50% giấc ngủ. Trong giai đoạn REM, hơi thở và nhịp tim của trẻ thường nhanh hơn vì não bộ và cơ quan hô hấp tăng hoạt động dù bé đang ngủ. Đó là lý do trẻ sơ sinh hay khó ngủ và dễ giật mình hay tỉnh giấc khi có tác động từ bên ngoài
- Lý do khiến trẻ khó ngủ cũng có thể do bé bú quá no hoặc chưa đủ no. Hoạt động vận động thể chất vào ban ngày tăng lên khi trẻ đã biết bò, biết đi cũng có thể khiến trẻ sơ sinh thức đêm, khó ngủ
- Trong giai đoạn mọc răng, các em bé thường cảm thấy khó chịu và đau nhức ở miệng, vì thế trẻ sẽ khó ngủ và hay quấy khóc
Nguyên nhân bệnh lý
- Bé bị thiếu canxi, còi xương hoặc thiếu các vi chất khác: đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh khó ngủ. Khi thiếu các vi chất, trẻ thường gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ, hội chứng chân không yên, mệt mỏi và hay ngủ ngày, hay thức đêm
- Đường hô hấp hoặc đường mũi họng bị nhiễm khuẩn: trẻ mắc một trong những bệnh lý như viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi xoang, viêm phổi… thường bị khó thở và phải thở bằng miệng, ngủ ngáy khiến bé khó ngủ
- Bé mắc các bệnh lý nội khoa: những bệnh lý nội khoa như viêm tai giữa, trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh về tâm thần cũng là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ của trẻ
- Bé bị béo phì: trẻ hay phải thở bằng miệng do nhóm cơ đường thở bị phì đại gây khó khăn cho trẻ khi thở và nuốt cũng làm bé khó ngủ
Nguyên nhân từ chế độ sinh hoạt
- Bé chưa được cha mẹ thiết lập thói quen ngủ hợp lý, cụ thể thời gian ngủ ngày của bé quá dài sẽ khiến trẻ sơ sinh khó ngủ về đêm
- Điều kiện vệ sinh không sạch sẽ: giường chiếu ẩm mốc, quần áo không sạch, tã bỉm ướt… làm trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu
- Phòng ngủ của bé quá ồn ào hoặc quá nhiều ánh sáng cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, dễ thức giấc
Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức đêm
- Trẻ dưới 3 tháng thường thức dậy ban đêm để bú. Sau 3 tháng bé có khả năng nạp đủ năng lượng và ngủ xuyên đêm. Các mẹ nên để điện thoại báo thức (chế độ rung) để thức dậy trước 1 giờ sáng để cho bé bú trước khi bé thức dậy
- Mẹ có thể từ từ cắt bỏ sữa vào ban đêm để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thức đêm khi bé đã đủ điều kiện (cân nặng từ 6kg trở lên, trẻ từ 4 tháng tuổi)
- Cha mẹ không nên để bé ngủ quá 8 giờ buổi sáng, nên đánh thức bé dậy để đi chơi, cho uống sữa. Ban ngày, bố mẹ không nên để bé ngủ một giấc quá 3 giờ và chơi với bé nhiều hơn để bé không ngủ ngày nhiều
- Bố mẹ có thể massage nhẹ nhàng để bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn
- Đảm bảo môi trường ngủ hợp lý cho bé: phòng thông thoáng, không nóng quá hay lạnh quá, không có ánh sáng
- Nhiệt độ lý tưởng để trẻ sơ sinh dễ ngủ khoảng 28 độ C
Hy vọng rằng 1 số bí kíp trên đây sẽ giúp ba mẹ khắc phục tình trạng bé thức đêm để con nhanh chóng lấy lại giấc ngủ ngon mỗi đêm.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!