Trẻ sơ sinh khó ngủ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì thế mẹ nên hiểu rõ về những nguyên nhân và các bí quyết giúp trẻ ngủ sâu giấc hơn nhằm đảm bảo sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.
- Cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh có gì đặc biệt?
- Vì sao trẻ sơ sinh khó ngủ?
- Tuyệt chiêu giúp mẹ tập cho trẻ ngủ ngoan
Cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh có gì đặc biệt?
Trong những ngày đầu đến với môi trường mới, để thích nghi thông thường trẻ sơ sinh vặn mình nhiều trong lúc ngủ, ngủ không sâu giấc và thức dậy nhiều lần trong vài giờ, ngoài ra việc trẻ khó ngủ có thể đến từ nhiều lý do khác: trẻ đói, không phân biệt được ngày đêm… việc hiểu rõ về cơ chế giấc ngủ của trẻ sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt cũng như có những phương pháp giúp trẻ ngủ ngoan hơn.
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, mẹ nên hiểu rõ về cơ cấu giấc ngủ của bé
Trẻ mới sinh đến 1 tháng tuổi (trẻ sơ sinh) gần như ngủ suốt ngày đêm. Chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Do thể tích dạ dày trẻ sơ sinh nhỏ nên mau đói. Vì vậy phải thức dậy sau vài giờ ngủ để bú.
Mẹ có thể quan tâm:
Mẹ kiệt sức về đêm vì con trằn trọc khó ngủ: Nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tình trạng này
Do chưa phân biệt được ngày và đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ tổng cộng khoảng 8 đến 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm.
Hầu hết trẻ nhỏ sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm (6 đến 8 giờ) không thức giấc khi được 3 tháng tuổi hay khi được khoảng 6 ký. Thông thường, không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú. Nhưng cũng không nên để bé ngủ quá 3 giờ mà không cho bú.
Các trường hợp đặc biệt như non tháng, nhẹ cân, trào ngược dạ dày thực quản… Có thể phải cho bú thường xuyên hơn. Khoảng 2 đến 2 giờ rưỡi một lần để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ.
Vì sao trẻ sơ sinh khó ngủ?
Một số lý do khiến cho một em bé bị rơi vào tình trạng khó ngủ:
– Bé quá phấn khích. Chơi tung hứng với bé, cho bé xem video hoặc chỉ đơn giản là té nước vào người bé khi tắm cũng có thể là thủ phạm khiến bé không chịu ngủ. Những hành động này khiến bé nghĩ việc đi ngủ sẽ làm lỡ mất những trò chơi vui. Nếu bạn làm điều này, bé sẽ khó ngủ và sẽ thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm.
– Bé thiếu canxi, còi xương. Khi bị thiếu canxi bé sẽ có dấu hiệu chậm mọc răng, rụng tóc hình vành khăn, hay ra mồ hôi trộm.
– Bé đói hoặc cảm thấy khó chịu.
– Trẻ sơ sinh khó ngủ do tã ướt.
– Trẻ gặp ác mộng.
– Tâm trạng bé bị xáo động.
Trẻ sơ sinh khó ngủ – Làm sao để bé ngủ ngoan?
Tuyệt chiêu giúp mẹ tập cho trẻ ngủ ngoan
Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long chia sẻ “Trước khi thực hiện các phương pháp giúp bé ngủ ngoan và sâu giấc, mẹ cần chuẩn bị tốt những bước đệm để trẻ sẵn sàng có giấc ngủ êm. Mẹ phải đảm bảo trẻ đã được bú đủ, tránh tình trạng trẻ quấy khóc giữa đêm vì đói hay khó chịu khi bú quá no. Tập cho trẻ ngủ đúng giờ vào mỗi ngày, tốt nhất là khoảng 8 giờ tối. Tạo không gian yên ắng với ánh sáng mờ, thuận tiện cho việc dạy trẻ phân biệt ngày đêm còn giúp hệ thần kinh trẻ được ổn định khi ngủ”.
Ngay từ sáu tuần tuổi, bé đã có thể học cách ngủ ngoan. Trong độ tuổi này, có vài cách rất hiệu quả để giúp bé ngủ ngon:
Mẹ có thể quan tâm:
Tại sao trẻ sơ sinh cười khi ngủ? Bé hay cười khi ngủ có làm sao không?
1. Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ
Trong sáu đến tám tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và khó ngủ trở lại.
Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên dỗ bé ngủ ngay.
2. Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm
Ban ngày, khi bé còn thức:
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt.
- Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
- Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày. Như tiếng tivi, radio, máy giặt…
- Nếu đang bú chưa đủ sữa mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
Ban đêm:
- Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
- Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện với bé nhiều.
- Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.
Trẻ sơ sinh khó ngủ- Mẹ hãy tập cho bé theo thời khoá biểu thói quen tự ngủ
3. Dạy bé tự ngủ
Khi bé đã được sáu đến tám tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng.
Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen. Và bé sẽ không thể ngủ nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh.
Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
Nếu bạn cho bé nằm nôi lắc hoặc nằm võng thì chỉ nên đưa nhẹ lúc bé thiu thiu ngủ rồi ngưng ngay khi bé đã ngủ yên. Không nên tập cho bé thói quen phải đu đưa liên tục mới ngủ được, chỉ cần ngưng đu đưa là thức dậy ngay.
4. Thiết lập thời khoá biểu
Bạn cần thiết lập một thời khoá biểu cho bé, giờ nào bú, giờ nào tắm, giờ nào ngủ và phải thực hiện chính xác để tạo thói quen đến giờ là ngủ cho bé. Buổi tối, trước khi đi ngủ bạn nên lau người bé bằng nước ấm, massage cho bé rồi cho bé nghe nhạc êm dịu hoặc hát ru cho bé.
Mỗi ngày, bạn cần lặp lại những “thủ tục” này theo đúng trình tự và đúng giờ để tạo ra một phản xạ cho bé. Có nghĩa là mỗi khi bé được mẹ làm những “thủ tục” này là bé sẽ hiểu đã đến giờ đi ngủ. Bạn nên cho bé ngủ sớm trước 8 giờ tối, tốt nhất là khoảng 7 giờ tối.
5. Môi trường phù hợp
Bé không thể ngủ ngon nếu nóng nực hoặc lạnh. Bạn cần giữ cho nhiệt độ của phòng bé sơ sinh đủ tháng khoảng 28 -29 độ C. Phòng ngủ cần thoáng khí nhưng không để gió lùa vào nơi bé nằm ngủ. Bạn không được để quạt thổi thẳng vào người bé hoặc để bé nằm ngay luồng gió của máy lạnh.
Nếu phòng ngủ có gắn máy lạnh thì có thể cho bé mặc áo liền quần, mang vớ. Tránh việc đắp nhiều khăn mền làm bé nóng nực. Bạn cũng cần lưu ý giữ tã bé luôn khô ráo để bé ngủ được ngon giấc.
Bé sẽ là một em bé ngoan ngoãn, dễ ngủ nếu bạn không bỏ lỡ thời gian có thể dạy bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu trẻ sơ sinh khó ngủ thì mẹ cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Hãy khôn ngoan lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.
Nguồn tham khảo: Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon sâu giấc – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!